Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể tiếp tục được xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn tín dụng của ngành Ngân hàng tỉnh An Giang đã được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững…
Thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt các chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể đến tháng 11/2024 đạt 76.679 tỷ đồng, tăng 10,39% so với cuối năm 2023. Trong đó: đã đẩy mạnh các chính sách cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn đạt dư nợ cho vay phục vụ ngành lúa gạo tăng mạnh đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2023.
Về hoạt động cho vay phục vụ phát triển ngành thủy sản luôn được quan tâm đẩy mạnh, dư nợ nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản cuối tháng 11/ năm 2024, đạt 16.759 tỷ đồng, tăng 12,24% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ theo Chương trình tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (quy mô gói: 60.000 tỷ đồng) đạt 784 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 5% - 7%/năm cho 15 doanh nghiệp, 50 hộ cá nhân.
Cho vay hỗ trợ vốn tín dụng kinh tế tập thể cho 1 hợp tác xã (HTX) với hạn mức tín dụng 700 triệu đồng, dư nợ hiện tại 301,54 triệu đồng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng An Giang đã hỗ trợ vốn tín dụng cho các thành viên của HTX với hình thức thế chấp tài sản cá nhân vay với số tiền khoảng 5.480,6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dư nợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế luôn được quan tâm hỗ trợ; đến tháng 11/2024, đạt dư nợ tín dụng 5.470 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang chia sẻ, dư nợ cho vay kinh tế nông nghiệp trong những năm qua luôn chiếm tỷ lệ cao và tăng dần qua các năm, 11 tháng năm 2024 chiếm đến 63,24% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Điều này cho thấy sự đóng góp tích cực của việc cho vay lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể được quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã có điều kiện mua sắm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm,...
Trên thực tế, vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (chiếm 63,9% tổng dư nợ), các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của địa phương.
Thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ban hành kế hoạch và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện để tổ chức triển khai đến năm 2030. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 22 mô hình theo đề án, với diện tích 1.117ha, chiếm 5,42% diện tích kế hoạch của năm. Trong đó, 18 mô hình được thực hiện bằng nguồn vốn theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi mô hình có quy mô 50ha, tổng diện tích thực hiện 900ha; 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT với diện tích 52ha ở 4 huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và Phú Tân; 165ha các mô hình khác được thực hiện một trong các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |