(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức tối ngày 12/9 theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu, đại diện ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã trao tặng 100 nghìn máy tính cho Chương trình.
Đại diện ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã trao tặng 100 nghìn máy tính cho Chương trình |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Cùng dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện Lãnh đạo một số bộ ngành và doanh nghiệp tài trợ. Điểm cầu 63 tỉnh/thành do Bí thư tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Về phía ngành Ngân hàng có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Đào Minh Tú, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN cùng đại diện Lãnh đạo một số NHTM…
Chương trình được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện (nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình sẽ được lan tỏa thực hiện ở các ngành, các cấp địa phương trên cả nước.
Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa an toàn trường học. An toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khỏe của các cháu, thế hệ tương lai của đất nước nhưng vẫn phải học tập. Học tập phải an toàn.
Dịch bệnh ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Hàng triệu học sinh phổ thông đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến là việc không thể tránh khỏi, vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.
Thủ tướng cũng cho biết, việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cần đánh giá tác động về nhiều mặt để có phương án giải quyết từng vấn đề căn cơ trước mắt và lâu dài. Một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy, học trực tuyến tại những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng. Điều này có thể dẫn đến hệ quả thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
"Sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức. Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới đòi hỏi các nhà giáo dục, cơ sở giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo, các em học sinh phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy và học, nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để học sinh không phải học trực tuyến quá dài, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn, an toàn để học tập. Việc tiêm vắc-xin an toàn cho trẻ em cần được tiến hành sớm, đặc biệt với trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Với sự quan tâm, chia sẻ và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, thởi gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều ủng hộ, hỗ trợ đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đại diện ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã trao tặng 100 nghìn máy tính cho Chương trình. Đây là hành động có ý nghĩa hết sức kịp thời, thể hiện truyền thống, tinh thần tương thân tương ái của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng, qua đó hỗ trợ học sinh khó khăn về máy tính, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục nhận ủng hộ. Đến thời điểm này, Chương trình đã tiếp nhận hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỷ đồng; Giá trị phủ sóng tương đương 3 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng ngày 10.9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.
Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 16 giờ ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).
Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Trong đó, số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.