(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua không tiền mặt. Thanh toán di động đang là xu thế chủ đạo với vô vàn tiện lợi. Thanh toán điện tử một lần sẽ không muốn quay lại với tiền mặt. Ngày 16/6 hàng năm sẽ là ngày không tiền mặt.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Đấy là những thông tin đáng chú ý tại Họp báo công bố Ngày không tiền mặt – 16/6 diễn ra ngày 20/5/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức.
Chuyển biến tích cực trong TTKDTM
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM liên tục được tăng cường, mở rộng; đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích...
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng qua từng năm. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng.
Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến, đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Đến nay, đã có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment). Trong năm 2018, thanh toán qua Internet có tốc độ tăng trưởng 33,6% về số món và 19,5% về số tiền so với năm 2017. Thanh toán qua điện thoại di động còn đặt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, tăng 41,4% về số món và 169,5% về số tiền so với năm 2017.
Nhiều ngân hàng trong nước, thuộc cả khối NHTM Nhà nước và khối ngân hàng cổ phần đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS) v.v...
Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018. Mức tăng 24% của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát toàn cầu, trong đó, Thái Lan tăng 19% lên 67%, Malaysia tăng 17% lên 40% và Philippines tăng 14% lên 47%. Đây là một minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp đã thực hiện thời gian qua.
Ông Phạm Tiến Dũng: Khách hàng là trung tâm trong phát triển TTKDTM |
Mang lại lợi ích cho khách hàng bên cạnh trải nghiệm tốt nhất
Phát biểu tại họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: “Một khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua không tiền mặt. Đây là minh chứng rõ nét nhất về việc phát triển thanh toán không tiền mặt. Thanh toán di động đang là xu thế chủ đạo và vô cùng tiện lợi. Câu chuyện ở đây là làm thế nào để người tiêu dùng bước qua ngưỡng giữa chưa sử dụng và sử dụng.
Ông Phạm Tiến Dũng khẳng định trong việc thúc đẩy TTKDTM, khách hàng sẽ là trung tâm với phương châm “Mang lại lợi ích cho khách hàng bên cạnh sự trải nghiệm tốt” trên nền tảng công nghệ 4.0. Các giải pháp về an ninh, bảo mật và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong TTKDTM cũng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, hài hòa lợi ích các bên.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM như hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM. Với những vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa có hành lang pháp lý, NHNN sẽ Chính phủ Đề án xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng để từ đó đưa ra hành lang pháp lý chính thức. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ đẩy mạnh TTKDTM mà trọng tâm là thanh toán trên di động. Thực tế hiện nay thông qua di động, người dùng có thể thực hiện nhiều dịch vụ hơn so với thanh toán tại quầy.
"Phải làm sao cho khách hàng đạt được trải nghiệm tốt và được mang lại lợi ích tốt nhất. Đây cũng là câu chuyện sống còn của ngành ngân hàng vì khảo sát cho thấy một khách hàng thanh toán điện tử có thể sử dụng dịch vụ gấp 3 lần khách hàng truyền thống", ông Dũng nhấn mạnh.
Truyền thông góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân |
Tại họp báo, bà Lê Thị Thuý Sen, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Truyền thông NHNN cho biết, chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt” là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Lãnh đạo Vụ Truyền thông nhấn mạnh việc truyền thông đến các đối tượng vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn cũng là một trọng tâm mà NHNN hướng tới thông qua việc phối hợp các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng yếu thế, ít có cơ hội tiếp cận các sản phẩm tài chính. Đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, để không có ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính. Đồng thời, NHNN cũng chú trọng việc truyền tải các thông điệp bằng hình thức dễ hiểu, gần gũi, nhằm đạt hiệu quả, lan tỏa trong cộng đồng như các chương trình giáo dục tài chính mà NHNN đang triển khai được công chúng đón nhận tích cực: “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” dành cho học sinh phổ thông. Thông thường, ở mỗi quốc gia, truyền thông là một trong năm trụ cột để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện .