Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần đỏ lửa.
Thị trường năng lượng dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường khi toàn bộ giá các mặt hàng giảm sâu từ 7-14%. Riêng giá 2 mặt hàng dầu Brent và dầu WTI lao dốc lần lượt 7,6% và 8,4%. Bên cạnh đó, thị trường nông sản cũng chứng kiến nhiều phiên suy yếu trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tích cực tại Mỹ và Brazil. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index đánh mất 3,54% xuống 2.157 điểm.
Giá dầu thô giảm về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10
Giá dầu thô trượt dốc trong tuần 14-20/10, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. MVX cho biết, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm của Trung Quốc và căng thẳng tại khu vực Trung Đông hạ nhiệt là những yếu tố chính tác động lên diễn biến biến giá dầu trong tuần qua. Điều này cũng dẫn tới việc OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Giá dầu thô WTI giao tháng 11 giảm tới 8,39% xuống mốc 68,69 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng đánh mất 7,57% xuống sát mức 73 USD/thùng, mức thấp nhất được ghi nhận vào những ngày đầu tháng 10.
Trong báo cáo tháng 10, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 1,93 triệu thùng/ngày giảm so với mức dự báo tăng 2,03 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng trước. Động thái này đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ 3 liên tiếp của tổ chức này đối với mặt hàng “vàng đen”.
Đáng chú ý, tình hình tiêu thụ yếu ớt tại Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu. OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm từ 650.000 thùng/ngày xuống còn 580.000 thùng/ngày. Mặc dù các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp tăng nhu cầu vào quý IV nhưng OPEC vẫn cho rằng các khó khăn kinh tế và xu hướng sử dụng nhiên liệu xanh đang cản trở tăng trưởng tiêu thụ dầu của năm.
Ngoài ra, dữ liệu hải quan cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 45,5 triệu tấn dầu thô trong tháng 9, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp nhập khẩu dầu thô của nước này giảm so với cùng kỳ.
Cùng với đó, tình hình căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt cũng đã góp phần gây sức ép lên giá dầu. Israel đã thông báo với Mỹ rằng Tel Aviv sẽ thực hiện tấn công trả đũa nhằm vào cơ sở quân sự của Iran thay vì các cơ sở hạt nhân cũng như năng lượng. Điều này có thể giúp tình hình xung đột tránh được nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel, vốn có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Trung Đông.
Giá đậu tương nối dài đà suy yếu sang tuần thứ 3 liên tiếp
Tuần vừa qua sắc đỏ cũng bao phủ thị trường nông sản. Trong đó, giá đậu tương đánh mất 3,53% về mức 356 USD/tấn, kéo dài đà suy yếu sang tuần thứ 3 liên tiếp. Mặc dù thị trường ghi nhận được một số thông tin tích cực về nhu cầu, tuy nhiên, điều này là không đủ trước áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Mỹ, cùng triển vọng thời tiết có sự cải thiện tại Brazil.
Trong Báo cáo tiến độ mùa vụ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, tiến độ thu hoạch đậu tương năm nay của nước này tính đến ngày 13/10 đã đạt 67% diện tích, tăng 20% so với tuần trước đó và cao hơn 3% so với kỳ vọng của thị trường. Con số này vượt xa mức 57% của cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình lịch sử 51%, cho thấy thời tiết khô ráo đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch, từ đó gia tăng áp lực bán trên thị trường.
Bên cạnh đó, báo cáo hàng tháng của CONAB cho biết, sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2024-2025 dự báo đạt 166,05 triệu tấn, tăng 12,6% so với mức 147,38 triệu tấn của niên vụ trước. Sự gia tăng này được thúc đẩy do kỳ vọng cả diện tích gieo trồng và năng suất sẽ cải thiện. Với nguồn cung dồi dào hơn, xuất khẩu đậu tương của Brazil dự kiến sẽ đạt 105,54 triệu tấn, tăng hơn 14% so với niên vụ 2023-2024.
Thêm vào đó, trong tháng 10, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia Brazil (ANEC) nâng triển vọng xuất khẩu đậu tương tháng 10 lên mức 4,34 triệu tấn, từ ước tính 4,12 triệu tấn trước đó. Nguồn cung lớn từ thị trường Nam Mỹ là yếu tố đã thúc đẩy lực bán mặt hàng đậu tương trong tuần trước.