Những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc - Nhìn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

TS. Nguyễn Đại Lai| 30/04/2022 14:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo các hãng đánh giá tín dụng như Moody’s và Fitch Ratings, các vụ vỡ nợ TPDN ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022 khi các nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều và các DN thuộc sở hữu của chính quyền địa phương và khu vực phải vật lộn để tiếp cận nguồn vốn mới sau một thời gian vay nợ kéo dài nhiều năm.

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là hình thức huy động vốn của doanh nghiệp nhằm thu hút được một lượng vốn có thời hạn trung và dài hạn, với lượng lớn đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Dưới góc độ của nhà đầu tư, trái phiếu có tính ổn định và chứa đựng ít rủi ro hơn cổ phiếu. Vì vậy, trái phiếu là loại chứng khoán được các nhà đầu tư ưa chuộng.

Tuy nhiên nếu trái phiếu phát hành sử dụng sai mục đích hay kém năng lực sử dụng vốn sẽ trở thành mối đe dọa lớn không chỉ cho công ty phát hành mà cho cả nhà đầu tư là bên mua.

Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc và cả Việt Nam có nhiều sự kiện gây chấn động thị trường, không những ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế.

Tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc 

Ngày 17/10/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - Ông Dịch Cương đã khẳng định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc  đang hoạt động khá tốt nhưng lại đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ vỡ nợ của một số doanh nghiệp (DN) do quản lý kém nhưng lại phát hành quá mức TPDN để hút vốn. Trước đây, thị trường TPDN Trung Quốc được đánh giá là một thị trường an toàn nhờ sự “chống lưng” của nhà nước, nhưng từ năm 2021 đã không còn chỗ dựa khi Chính phủ nước này bắt đầu từng bước để mặc các công ty vỡ nợ ngày càng nhiều hơn. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, các công ty phát hành TPDN của Trung Quốc đã vỡ nợ khoảng 116 tỷ NDT (18 tỷ USD) - Một con số cao kỷ lục.

Theo Shanghai DZH, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục tới 23,3 tỷ USD trong năm 2021, trong đó, có đến 13,3 tỷ USD nợ bằng trái phiếu nước ngoài. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thể thanh toán các khoản nợ, một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng xóa bảo lãnh cho các DNNN khi họ rơi vào rắc rối tài chính. Trong nhiều thập kỷ, các DNNN đã được hưởng cơ chế "bảo lãnh nợ ngầm" của chính quyền trung ương và địa phương, nhưng nay khi không còn sự hỗ trợ của chính phủ đã bộc lộ rõ sự yếu kém của các DN sở hữu Nhà nước phát hành TPDN hút vốn trực tiếp từ xã hội.

Tháng 2/2021, tòa án đã chấp nhận đơn xin phá sản của Tập đoàn du lịch HNA Group theo quy trình tổ chức lại (chongzheng). Vào tháng 3/2021, hãng hàng không Thiên Tân, do chính quyền thành phố Thiên Tân đồng thành lập, cũng đã phải đi vào quy trình tương tự. Trong năm 2019, các DNNN chiếm hơn 10% tổng số các công ty phát hành TPDN của Trung Quốc không trả được nợ. Tỷ lệ này đã tăng lên gần một nửa vào năm 2020 và các DNNN vẫn chịu trách nhiệm cho khoảng 40% tổng số vụ vỡ nợ TPDN trong năm 2021.

Những lo ngại về rủi ro đạo đức đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải bắt tay vào cải cách. Từ đó bung ra hàng loạt vụ vỡ nợ của các DNNN lớn, báo hiệu cam kết của lãnh đạo Trung Quốc trong việc phá bỏ rủi ro đạo đức bằng cách loại bỏ các DNNN nợ nần chồng chất khỏi sự bảo vệ của chính phủ và cho phép phá sản theo thực lực thực tế.

Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc - China Evergrande Group, đã bị cả Fitch Ratings và Moody's Investor Service hạ mức xếp hạng tín nhiệm vào tháng 6/2021. Hàng loạt vụ vỡ nợ của DNNN cũng đang ảnh hưởng đến mức độ uy tín tín dụng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Các công ty Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với các cuộc kiểm tra lớn về sức khỏe tài chính của mình, với con số khổng lồ 2,14 nghìn tỷ USD trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023, lớn hơn 60% so với giá trị của trái phiếu đến hạn vào các năm 2018-2020, trong đó dự báo sẽ có không ít những trái bom TPDN bùng nổ vào những thời khắc đáo hạn mà con nợ không trả được nợ!

Việc phát hành nợ bằng đồng USD của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cũng đang gần như đi vào bế tắc khi cuộc khủng hoảng Evergrande leo thang, đã cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu của các công ty bất động sản thành viên, kể cả các công ty Trung Quốc ngoài Tập đoàn này. Theo tờ Financial Times (FT), việc phát hành TPDN để thu hút USD có lãi suất cao của các nhà phát triển Trung Quốc trong năm nay tính đến thời điểm cuối tháng 3/2022 đã giảm kỷ lục 97% so với quý đầu tiên của năm 2021. Cho đến nay, chỉ có 2 giao dịch trị giá tổng cộng chưa đến 295 triệu USD đã được thực hiện, so với hơn 8,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2021 được huy động từ 30 thương vụ. Một trong những lý do là chi phí đi vay của các nhà phát triển trên thị trường quốc tế đã tăng vọt lên mức cao nhất, cao tới mức kỷ lục.   

Người đứng đầu bộ phận thị trường nợ Trung Quốc tại một ngân hàng quốc tế cho biết: “Hầu như không có bất kỳ giao dịch nào được thực hiện. Các công ty bất động sản lớn hơn, mạnh mẽ hơn cũng bắt đầu nhận ra áp lực do thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu. Tất cả họ đều có một số khoản nợ sắp đáo hạn”. Lãi suất trung bình trên chỉ số Bank of America theo dõi trái phiếu lãi suất cao của Trung Quốc đã tăng lên 32,9% vào tháng 3/2022, vượt qua mức cao trước đó gần 32% vào năm 2008, là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chỉ số này là thước đo niềm tin của nhà đầu tư quốc tế về sức khỏe của các DN bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, một số trong đó đã vỡ nợ năm 2021 như một phần của cuộc khủng hoảng thanh khoản xoay quanh Evergrande. Lãi suất tăng, khiến các nhà phát triển tốn kém hơn trong việc tiếp cận nguồn tiền họ cần để vận hành các công việc kinh doanh, cũng báo hiệu tâm lý thị trường xấu đi đáng kể từ đầu tháng 2/2022 đến thời điểm cuối tháng 4/2022 này. 

Theo các hãng đánh giá tín dụng như Moody’s và Fitch Ratings, các vụ vỡ nợ TPDN ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022 khi các nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều và các DN thuộc sở hữu của chính quyền địa phương và khu vực phải vật lộn để tiếp cận nguồn vốn mới sau một thời gian vay nợ kéo dài nhiều năm. Quả bom hẹn giờ đang bắt đầu đếm ngược đối với con nợ TPDN khổng lồ là tập đoàn Evergrande của Trung Quốc. Tập đoàn bất động sản này đang cần phải huy động một lượng lớn tiền mặt và thanh toán số TPDN trị giá 7,4 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm 2022 này. Theo đánh giá từ ngày 2/9/2021 của công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất Trung Quốc đã hạ mức xếp hạng đối với trái phiếu nội địa do Evergrande phát hành, áp lực lên thanh khoản của Evergrande đến nay càng tăng lên nếu như Tập đoàn này không thể thực hiện suôn sẻ việc bán tài sản và vay nợ thêm. Một số chủ nợ không phải ngân hàng đã yêu cầu Evergrande phải trả nợ ngay lập tức, càng tăng thêm sức ép về thanh khoản của Tập đoàn này. Theo tính toán của Bloomberg, Evergrande là Tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới với tổng nợ phải trả đã lên tới 300 tỷ USD. Điều này càng nguy hiểm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế như hiện nay. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Evergrande cũng đã giảm khoảng 70%, cổ phiếu của hàng loạt công ty con cũng lao dốc mạnh. Cổ phiếu của Evergrande càng giảm giá thì khả năng huy động nguồn vốn để trả nợ của Tập đoàn càng sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều công ty, tập đoàn khác tại Trung Quốc cũng nằm trong tình trạng tương tự bởi sự chững lại của nền kinh tế khổng lồ này do COVID-19 ngáng đường. Thực tế, các khoản đã vỡ nợ trong nước của các công ty phi tài chính Trung Quốc đã tăng 19% lên 98,7 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) trong 3 quý đầu năm 2021, trong khi các khoản vỡ nợ ở nước ngoài tăng 28% lên 7,8 tỷ USD.

Các nhà phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao, như China Evergrande Group và Kaisa Group, cũng đã phải đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản và phải chậm chưa có nguồn trả các khoản thanh toán lãi suất đến hạn cho các món nợ nước ngoài của họ trong những tháng gần đây. Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc nỗ lực siết chặt kiểm soát bong bóng đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, sức ép lên các công ty, tập đoàn càng mạnh hơn. Các biện pháp của Trung Quốc được gọi là “3 làn ranh đỏ”, đã khiến các nhà phát triển càng khó khăn hơn trong việc vay vốn ngân hàng, cắt đứt một nguồn thanh khoản quan trọng. Các nhà phát triển khác, như Fantasia Group Holdings, Modern Land và Sinic Holdings Group, đã không trả được nợ nước ngoài trong những tuần cuối quý III/2021. Trong khi quả “bom nợ” khổng lồ 300 tỷ USD của Tập đoàn Evergrande chưa tháo được ngòi nổ, thì thị trường Trung Quốc lại nhận thêm 2 quả “bom nợ” trái phiếu mới là: Fantasia Holdings Group và Sinic Holdings vào cuối năm 2021. Trong khi đó, Jack Siu, Giám đốc đầu tư Trung Quốc của Credit Suisse, cho biết tỷ lệ vỡ nợ tích lũy của TPDN bằng đô la có lãi suất cao của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 42 đến 45% trong 3 đến 6 tháng tới. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tỷ lệ vỡ nợ trong phân khúc TPDN có lãi suất cao bất động sản của Trung Quốc sẽ lên tới 28,7% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11/2021 đến cuối năm 2022. Điều đó sẽ góp phần làm cho tỷ lệ vỡ nợ TPDN có lãi suất cao nói chung ở châu Á có thể lên tới 12% vào năm 2022, trong đó 90% đến từ ngành bất động sản Trung Quốc.   

Thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tăng cường tìm mọi cách để loại bỏ các DNNN bị gánh nặng nợ quá sức và cố gắng không gây xáo trộn trên TTTC thông qua giải pháp “xử lý nợ có quản lý”. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành qui chế 3 làn ranh đỏ với TPDN bất động sản. Theo đó, TPDN lĩnh vực này chỉ được cấp phép phát hành khi có chứng nhận: tỷ lệ nợ phải trả/tài sản dưới 70%; tỷ lệ thanh toán ròng dưới 100% và tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn lớn hơn 1. Theo tiêu chí quản lý này, nhiều DN phát hành của Trung Quốc đã vi phạm và đang bị thanh lọc dần. Nợ TPDN có quản lý là nợ mà mọi loại TPDN Nhà nước cũng như TPDN tư nhân chỉ được phát hành khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước. Mọi loại TPDN phát hành ra mà không có giấy chấp thuận của cơ quan quản lý TPDN của Bộ tài chính đều là trái phiếu phát hành bất hợp pháp, phải bị thu hồi và nhà đầu tư (trái chủ) sẽ không được bên nào bồi thường.

Nhìn về thị trường TPDN Việt Nam

Tại Việt Nam cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ các hoạt động huy động vốn của DN qua hình thức phát hành TPDN trong hơn hai năm trở lại đây. Theo đó dường như thị trường TPDN đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn của DN.

Số liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường - FiinRerearch thu thập được từ 26 ngân hàng (chiếm 85% thị phần toàn hệ thống) cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 5,07%, trong khi hút vốn qua TPDN tăng tới 48,1%. Thị trường TPDN Việt Nam cũng có nét giống như ở Trung Quốc, rủi ro ngày càng gia tăng bởi năng lực quản lý vốn quá sức của cầu sử dụng do thu hút quá mức nguồn vào trực tiếp từ người dân, tổ chức phi chuyên nghiệp qua TPDN với số lượng lớn đang dịch tới ngày đáo hạn! Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp càng là cơ hội cho các DN phát hành trái phiếu để thu hút lượng tiền nhàn rỗi bởi nhà đầu tư sẵn sàng chọn TPDN có lợi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Do đó, nhu cầu đầu tư trái phiếu DN từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vẫn duy trì tích cực bởi chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất tiền gửi đang bị găm ở mức cao. Đối với đơn vị cần huy động vốn, một phần bởi vay tiền ngân hàng phải thỏa mãn nhiều điều kiện ràng buộc và nhất là bởi lãi suất khi vay qua trái phiếu rẻ hơn vay ngân hàng, vì DN chỉ cần trả cho người mua trái phiếu với lãi cao hơn lãi suất tiền gửi đang thấp và nhỏ hơn lãi suất tiền vay ngân hàng. Dần dần, thị trường vốn phát triển theo hướng các DN quy mô nhỏ hơn, uy tín kém hơn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng hoặc không đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng, đã đồng loạt chuyển sang vay nợ qua kênh trái phiếu với những cái được rất hấp dẫn bởi thời hạn dài, lãi suất rẻ và thu được nguồn vốn lớn cùng một thời điểm! Xu hướng này đang ngày càng tạo điều kiện cho quá trình doanh nghiệp hóa ngân hàng ngày càng phát triển.

Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN Việt Nam trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhanh và dần bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) - là điều chưa từng xảy ra trước năm 2018. Số liệu cho biết(2), năm 2018, TPDN phát hành đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng. Năm 2020, TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP chỉ phát hành hơn 330.000 tỷ đồng. Đặc biệt, kể từ 1/1/2021, khi nhiều quy định mới về phát hành TPDN bắt đầu triển khai và áp dụng rộng rãi thì năm 2021 là năm “bùng nổ” của thị trường TPDN. Ngoại trừ TPDN của khối ngân hàng (hầu như chỉ bán lẻ chéo cho nhau trong thị trường tài chính (TTTC) và ít phát hành ra công chúng) thì phần lớn TPDN trên thị trường là trái phiếu của các DN bất động sản. Tổng giá trị TPDN phát hành năm 2021 lên tới 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020. Trong đó tài chính-ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành năm 2021, chiếm 42%; nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% tổng giá trị phát hành, tăng 36,2% so với năm 2020.

Thị trường TPDN tăng trưởng “nóng" đang dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán! Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021, có tới 94,5% lượng TPDN phát hành là trái phiếu riêng lẻ số lượng lớn. Trong 826 đợt phát hành TPDN trong 11 tháng của năm thì có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ. Theo báo cáo từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư chứng khoán SSI (SSI Research), trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 318.200 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong số các TPDN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bằng các dự án hình thành trong tương lai, có tính biến động rất cao về giá và khó định giá chính xác, càng khó đòi tiền khi đáo hạn hoặc nếu DN vỡ nợ hay phá sản! Tuy nhiên thị trường TPDN vẫn phát triển mạnh mẽ bởi tính dễ dãi và khó kiểm soát của chúng. Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ đầu năm 2022 này, có tới 26 DN thua lỗ mà vẫn phát hành TPDN thành công...!

Hiện nay, trên chợ tài chính, các hội nhóm buôn bán trái phiếu, kể cả trên các diễn đàn “có tổ chức”, nhiều TPDN luôn được tự do chào bán với lãi suất trên 10%, có nơi đến 13-18% /năm với những lời cam kết hấp dẫn như: mua trái phiếu được thế chấp trái phiếu để vay lại vốn ngân hàng, được ngân hàng bảo lãnh, được mua lại bởi chính công ty phát hành, được đảm bảo bằng bất động sản hoặc cổ phiếu của công ty phát hành…đã gây hỗn loạn thị trường ngay trong bối cảnh covid-19 đang ngáng chân các nhà sản xuất.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 2 tháng đầu năm 2022, TTTC đã có tới 8 đợt phát hành TPDN ra công chúng với tổng giá trị 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng. Bất chấp các quy định cấm bán trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không chuyên nghiệp nhưng nhiều đơn vị phát hành có vẻ không quan tâm đến phía nhà đầu tư có chuyên nghiệp hay không, thậm chí trong qui chế cũng không rõ đối tượng nào là chuyên hay không chuyên nghiệp nên DN phát hành dễ dàng bỏ qua quy định này. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hơn 40% giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân, dù rất nhiều trong số đó không có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức là không đủ điều kiện mua TPDN riêng lẻ. Nếu so với cùng kỳ năm 2021, tổng giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng tăng 31% và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%. Như vậy, thị trường trái phiếu vẫn đang tăng nóng. Gần đây theo điều tra của Bộ Công an đã xác định trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, các công ty của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật để huy động tiền với số lượng rất lớn của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu…Theo đó, ngày 4/4/2022, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng bởi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ(3).

Một trong những lý do đang làm xáo động thị trường chứng khoán hiện nay là chúng ta chưa có luật về các tiêu chí cho phép phát hành TPDN. Thậm chí tại điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế còn qui định: “...doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành” - Nghĩa là DN được quyền tự quyết với nhà đầu tư về thời hạn, số lượng, giá cả, điều kiện bảo đảm và mục tiêu phát hành TPDN.... Điều này đã tạo khe hở về cơ chế cho DN tự do huy động vốn trên TTTC vốn rất nhiều rủi ro. Ngay cả Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 mới đây nhất của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN cũng chỉ “chấn chỉnh” ở mức nhắc nhở: "...Thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của DN phải theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng…”.

Thời gian qua, sức nóng của thị trường cũng như những lỗ hổng lớn trong quản lý, phát hành TPDN đã liên tục gây nhức nhối trên TTTC cũng đã được các báo chí và các chuyên gia cảnh báo ở cường độ khá mạnh. Tuy nhiên, công cụ để phản ánh còn rất yếu và hẹp vì cơ sở pháp lý cho hoạt động phát hành TPDN trên TTTC còn thiếu, mờ nhạt . Vụ việc cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua chỉ là một điển hình trên bề nổi của tảng băng, bề chìm chắc chắn còn rất nhiều. Điều đó cũng cho thấy rõ những hành vi nhiễu loạn trên TTTC cần phải khẩn cấp có sự can thiệp của chính quyền các cấp và đặc biệt là phải khẩn cấp hoàn thiện môi trường pháp luật cho TTTC nước ta có môi trường hoạt động lành mạnh, minh bạch.

Một số đề xuất và các giải pháp phát triển thị trường TPDN lành mạnh

Một là, cần sớm có Luật phát hành chứng khoán toàn diện để điều chỉnh các hành vi phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Trong đó đối với trái phiếu phải qui định rõ: Trên TTTC mọi loại TPDN không có giấy phép đồng ý cho phát hành cả về thời hạn, mệnh giá, số lượng và đợt phát hành của cơ quan chức năng chuyên ngành tài chính thì đều là trái phiếu bất hợp pháp, phải bị thu hồi không bồi thường.

Hai là, Nhà nước sớm thành lập cơ quan quản lý cấp phép chuyên ngành tài chính về phát hành TPDN đặt tại Bộ Tài Chính. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Bộ Trưởng tài chính về tính hợp pháp của các loại TPDN đã được cấp phép phát hành và về tính minh bạch của thị trường TPDN.

Ba là, công bố danh mục các TPDN đã được phép và nhà đầu tư phải kiểm tra tính hợp pháp của TPDN trước khi mua nếu không muốn phải tự chịu hậu quả rủi ro khi mua phải TPDN bất hợp pháp chưa được phép phát hành.

Bốn là, mọi loại TPDN bán lẻ phải là TPDN phát hành qua trung gian tài chính là Công ty chứng khoán hoặc công ty tài chính chuyên nghiệp sau khi đã được cấp phép phát hành của Bộ tài chính.

Năm là, rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, Việt Nam cũng cần loại bỏ cả các DNNN đang bị gánh nặng nợ quá sức sao cho không gây xáo trộn trên TTTC bằng giải pháp “xử lý nợ có quản lý”. Nợ TPDN có quản lý là nợ mà mọi loại TPDN Nhà nước cũng như TPDN tư nhân chỉ được phát hành khi và chỉ khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước cấp phép về thời hạn, số lượng, giá cả và các điều kiện đảm bảo phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Mọi loại TPDN không được công bố công khai của cơ quan phát ngôn Nhà nước tại mọi thời điểm và thời hạn cụ thể thì đều là TPDN phát hành bất hợp pháp phải bị thu hồi và không bồi thường cho bên nào. 

Chú thích:

1. Báo Sài Gòn giải phóng - Võ nợ trái phiếu DN nhìn từ TRUNG QUỐC số ra 11/4/2022

2. Bùng nổ thị trường TPDN...TTXVN/Vietnam+

3. VietNam+ Vụ Tân Hoàng Minh: “góc nhìn pháp lý phát hành TPDN” số ra 7/4/2022  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc - Nhìn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO