(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã giảm mạnh trong năm 2020. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, các ngân hàng vẫn không thể chủ quan bởi nợ xấu ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi con số nợ xấu hiện nay chưa phản ánh hết thực tế do có nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Không thể chủ quan
Tổng hợp báo cáo tài chính các ngân hàng công bố cho thấy, bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã giảm mạnh trong năm 2020.
Số liệu cập nhật từ Vietcombank cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trong năm 2020 ở mức 0,62% và là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLRC) của ngân hàng lên tới 370%, đây là mức trích lập cao kỷ lục của Vietcombank cũng như trong hệ thống.
Một ngân hàng khác trong nhóm “big 4” là VietinBank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong những năm gần đây. Cuối quý IV/2020, VietinBank đã thực hiện mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC và thực hiện trích lập dự phòng 100% cho tài sản này, với giá trị trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong năm 2020 vào khoảng 5.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank cuối quý IV/2020 giảm về mức 0,94%, là mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Tỷ lệ LLRC tăng lên mức 132%, là mức cao nhất trong 9 năm gần đây.
Ở khối NHTM cổ phần cũng ghi nhận nợ xấu giảm ở nhiều ngân hàng như SHB, MB, Techcombank... Trong năm 2020, SHB trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của SHB giảm xuống mức 1,6%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu NHNN giao. Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tại MB, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý IV/2020 ở mức 1,09%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua của MB. Trong năm qua, MB cũng thực hiện trích lập ở mức cao, nhờ đó đã đưa tỷ lệ LLRC lên 134%, là mức cao nhất trong 10 năm gần đây.
Hay tại VPBank, năm 2020 nợ xấu được kiểm soát tốt, với mức hợp nhất (theo Thông tư 02) vẫn duy trì ở mức dưới 3%, đạt 2,9% tại cuối năm 2020; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.
Trong số các ngân hàng công bố số liệu hoạt động kinh doanh 2020, Techcombank ghi nhận là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn ngành. Theo công bố, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank tính đến ngày 31/12/2020 ở mức 0,5%, giảm mạnh so với mức 1,3% hồi đầu năm 2020. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử Techcombank và thấp nhất hệ thống ngân hàng trong năm 2020. Bên cạnh đó, tỷ lệ LLRC trong năm 2020 của Techcombank tăng lên 171%, mức cao nhất trong lịch sử của ngân hàng và cao thứ 2 trong hệ thống (chỉ sau Viecombank).
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo “nợ xấu vẫn đáng lo ngại trong năm 2021”. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, áp lực nợ xấu trong năm 2021 vẫn rất lớn. Bởi lẽ, con số về nợ xấu hiện nay tại các ngân hàng chưa phản ánh hết thực tế, do khá nhiều món nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về bản chất đã là nợ xấu.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, lượng nợ đang được các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt gần 335.000 tỷ đồng, nếu chia cho tổng dư nợ hiện tại là khoảng 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. “Đây sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn tài chính
Với dự báo diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp trong năm 2021, thì áp lực nợ xấu tiềm ẩn gia tăng sẽ đè nặng lên vai ngành Ngân hàng. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị các ngân hàng đặc biệt lưu tâm đến các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu khi được cơ cấu lại theo Thông tư 01.
Để giảm áp lực và giải bài toán nợ xấu cho ngân hàng, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, nên kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nhóm nợ theo Thông tư 01 đến cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 có thể đã kết thúc, tiềm lực của doanh nghiệp, ngân hàng đã vững hơn.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của SSI cũng khuyến nghị: Nên cho phép các TCTD kéo dài việc thực hiện Thông tư 01 đến đầu năm 2022.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu, ngoài việc theo dõi chặt diễn biến các khoản nợ, ngân hàng cũng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên xem xét lập một quỹ dự phòng rủi ro đủ lớn để xử lý các khoản nợ xấu trong tương lai”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Ngoài các giải pháp trên, để tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, giới chuyên môn cũng khuyến nghị nên có những điều chỉnh về mặt hành lang pháp lý, cụ thể là có văn bản thay thế Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Bởi lẽ, Nghị quyết 42 đã triển khai được hơn 3 năm, tạo ra những dấu ấn rõ nét trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm (có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017), nên cần có văn bản thay thế khi Nghị quyết này hết hiệu lực. Để đạt hiệu quả cao nhất, giới chuyên môn cho rằng, cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại Nghị quyết này, giúp tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ xấu.