Vấn đề - Nhận định

OECD dự báo GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4,3% 

Đoàn Hằng 30/04/2023 08:47

Đánh giá Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, OECD dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2023 và 6,6% trong năm 2024, với các mức lạm phát tương ứng là 4,3% và 3,7%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức Lễ Công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD và ADB trong các hoạt động này là rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao việc hoàn thành “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” là tài liệu quan trọng, lần đầu tiên OECD thực hiện cho Việt Nam, với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới.

4.jpg
Quang cảnh Lễ Công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”

3 thông điệp chính

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng, Tổ chức OECD cho rằng, thị trường tài chính có những thay đổi lớn; những yếu tố bất định đang diễn ra do giá lương thực, nhiên liệu; cuộc xung đột giữa các nước;… điều này đòi hỏi các quốc gia cần có những đổi mới về cơ cấu để tăng khả năng phục hồi và khả năng chống chịu.

Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp nhanh chóng, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả mà rất ít quốc gia có thể đạt được.

Trình bày một số nội dung chính của Báo cáo, ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng, Tổ chức OECD, đưa ra 3 thông điệp chính, gồm:

Thứ nhất, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.

Trong trung hạn, Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.

Thứ hai, để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị tư nhân.

Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi và tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng các-bon.

Cũng theo ông Vincent Koen, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều bất ổn. Thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục nâng cao lãi suất để đối phó với lạm phát khiến các chi phí cho hoạt động kinh tế tăng cao trong tương lai gần, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của một số quốc gia.

Tuy nhiên, diễn biến của nền kinh tế Việt Nam có những điểm khác biệt, đạt được nhiều tiến bộ trong cải cách và đổi mới để ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế. “Tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá cao, dự báo năm 2023 tăng trưởng 6,5% và tăng lên 6,6% vào năm 2024, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế”, ông Vincent Koen nhấn mạnh.

Tiếp tục phục hồi kinh tế, hướng tới chuyển đổi số và tăng trưởng xanh

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Quy mô, tiềm lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế không ngừng được nâng lên; an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động việc làm; đời sống người dân,... tiếp tục được cải thiện.

Dù vậy, là quốc gia đang phát triển, độ mở kinh tế lớn, có những vấn đề riêng trong dài hạn như năng suất lao động còn thấp, năng lực sản xuất còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đầu vào nhập khẩu,... Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng chung của thế giới, khu vực.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, Việt Nam vẫn kiên trì, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

“Với tinh thần cải cách và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các mô hình kinh tế, định hướng phát triển mới về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các vùng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện thể chế liên kết vùng,...”, ông Nguyễn Đức Tâm chia sẻ và cho biết thêm: “Bộ đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô. Qua đó, góp phần hướng tới mục tiêu khát vọng của Việt Nam đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Tại Lễ công bố, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, Báo cáo có ý nghĩa rất tích cực, nêu rõ được những đặc điểm của nền kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu dòng vốn thương mại, thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu thì Việt Nam cần tập trung vào việc cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; giải ngân đầu tư công để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; tập trung vào các lĩnh vực y tế, nâng cao kỹ năng, chất lượng lao động… Những điều này mang tính quyết định trong việc nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư; Việt Nam sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình trạng dân số sẽ già hóa nhanh sẽ gây áp lực với chi tiêu công khi độ bao phủ của hệ thống hưu trí vẫn ở mức thấp. Lao động làm việc tự do và lao động làm việc không thường xuyên đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi Chính phủ cần tăng mức độ bảo trợ xã hội.

Cùng với đó, quá trình biến đổi khí hậu cũng đang là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trước mắt và dài hạn. Tỉ trọng thuế/GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực; mức độ tích lũy vốn và khả năng năng suất lao động là yếu tố then chốt cần lưu ý.

“Do vậy, vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là thực hiện các giải pháp trước mắt để thúc đẩy tiếp tục phục hồi kinh tế. Đồng thời, phải có chính sách dài hạn tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải cách thể chế hướng tới chuyển đổi số và tăng trưởng xanh”, ông Nguyễn Minh Cường lưu ý.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, đây là báo cáo đầu tiên do OECD thực hiện với nội dung bao quát; là tài liệu quan trọng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

“Ngay sau buổi Lễ này, Viện sẽ tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo, trình Chính phủ về kết quả của báo cáo; cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của OECD và ADB trong quá trình xây dựng Báo cáo và mong muốn tiếp tục có nhiều cơ hội hợp tác để trao đổi về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới”, bà Trần Thị Hồng Minh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OECD dự báo GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4,3%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO