Doanh nghiệp

Pacific Airlines thua lỗ suốt nhiều năm, vì sao Vietnam Airlines không thể thoái vốn?

Hoàng Hà 21/03/2024 - 10:47

Mặc dù Pacific Airlines thua lỗ liên tiếp nhiều năm và vừa phải tạm ngừng khai thác các đường bay nhưng Vietnam Airlines khó có thể thoái vốn khỏi công ty con này do còn những vướng mắc về cơ chế.

pacific.jpg
Dù thay đổi logo và bộ nhận diện mới, Pacific Airlines vẫn tiếp tục thua lỗ (Ảnh minh họa)

2 lần tái cơ cấu bất thành và số lỗ lũy kế hơn 10.700 tỷ đồng

Pacific Airlines được thành lập năm 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên của Việt Nam. Trong đó, Cục Hàng không dân dụng và 4 doanh nghiệp thành viên nắm 86,5% cổ phần, Saigon Tourist nắm 13% cổ phần và Tradevico nắm 0,5% cổ phần. Tới năm 1993, Cục Hàng không dân dụng chuyển giao cổ phần sang cho Vietnam Airlines (VNA) nắm giữ. Năm 2006, Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước SCIC tiếp quản phần vốn của VNA tại Pacific Airlines.

Đến tháng 7/2007, Pacific Airlines có thêm sự tham gia của cổ đông chiến lược là Qantas Group sau khi hãng hàng không đến từ Australia ký hợp đồng đầu tư với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas Group đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng đổi lại sẽ chuyển sang dùng thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.

Dù được cổ đông nước ngoài rót vốn nhưng đến cuối năm 2011 Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam và vẫn lỗ lũy kế 2.500 tỷ đồng, buộc hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động.

Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC (69%) và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai đối với Jetstar Pacific. Vietnam Airlines được giao nhiệm vụ đưa Jetstar Pacific trở lại đà phục hồi và phát triển đội bay.

Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific từng bước giảm lỗ và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, dù mức lãi chỉ hơn 30 tỷ đồng/năm.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại. Vietnam Airlines theo đó sở hữu gần 99% cổ phần của Jetstar Pacific.

Sau sự rút lui của Qantas Group, Jetstar Pacific trở lại với thương hiệu cũ Pacific Airlines, đồng thời thay đổi logo và bộ nhận diện mới. Với sự thay đổi này, Pacific Airlines đặt nhiều kỳ vọng sẽ cải thiện được hoạt động sản xuất và khả năng thu về lợi nhuận. Tuy nhiên, "cú bồi" của đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không lao đao và đập tan kỳ vọng của Pacific Airlines.

Theo đó, năm 2020, Pacific Airlines lỗ lũy kế 2.143 tỷ đồng, năm 2021 lỗ trước thuế hơn 2.308 tỷ đồng và năm 2022 lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng. Ước tính, lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo báo cáo tài chính năm 2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến cuối năm 2023 giá trị nợ xấu của Pacific Airlines tại ACV lên tới 850 tỷ đồng và tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu lên đến hơn 97%. ACV đang phải dự phòng 760 tỷ đồng cho khoản nợ xấu tại Pacific Airlines.

Vietnam Airlines không thể thoái vốn vì vướng cơ chế

Với tình hình kinh doanh càng làm càng lỗ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp hãng này vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Cũng trong nỗ lực để tái cơ cấu, mới đây Pacific Airlines xác nhận tạm ngừng khai thác các đường bay kể từ ngày 18/3, sau khi trả toàn bộ máy bay đã thuê của đối tác. Việc trả toàn bộ máy bay cho đối tác sẽ giúp Pacific Airlines xóa được các khoản công nợ khoảng 220 triệu USD (tương đương hơn 5.000 tỷ đồng), làm giảm gánh nợ tài chính cho Pacific Airlines và công ty mẹ Vietnam Airlines.

Theo lộ trình tái cấu trúc, Pacific Airlines sẽ thuê máy bay của Vietnam Airlines để tối ưu hóa nguồn lực, theo đó dự kiến sẽ thuê 3 tàu của Vietnam Airlines. Điều này nhằm giúp hãng duy trì giấy phép AOC. VNA cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Pacific về dùng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách (như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất).

Với việc xóa được số nợ “khủng” từ chủ tàu, Pacific Airlines kỳ vọng nhà đầu tư mới sẽ có cơ hội lớn hơn tham gia tái cơ cấu hãng hàng không này. Trước đó, từ đầu năm 2022 Vietnam Airlines đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến quá trình tái cơ cấu cổ đông của hãng bay giá rẻ này. Tuy nhiên quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Vướng mắc cơ chế từ trường hợp của Vietnam Airlines trong thoái vốn tại Pacific Airlines cũng đã được Bộ Tài chính lấy làm dẫn chứng để đề xuất một số sửa đổi liên quan đến quy định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đang bị lỗ khi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên không thể triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Để được thoái vốn, hoạt động kinh doanh của Pacific Airlines phải có 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Như vậy, với tình hình tài chính hiện tại, việc thoái vốn của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines rất khó khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pacific Airlines thua lỗ suốt nhiều năm, vì sao Vietnam Airlines không thể thoái vốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO