Doanh nghiệp

Phân tích chất lượng hơn 8.000 tỷ đồng lợi nhuận của Vinamilk

Uyên Phương 03/07/2023 - 15:52

Chất lượng lợi nhuận của một công ty được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu, trong đó Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, được đo lường tương quan với lợi nhuận sau thuế là thuật ngữ quen thuộc để đánh giá chất lượng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số này thể hiện khả năng tạo ra tiền trong hoạt động kinh doanh nội tại cũng như sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Dòng tiền của một doanh nghiệp có thể khác nhau phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh và vòng đời kinh doanh. Nhìn chung, các công ty đã tăng trưởng ổn định thường có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương và biến động thấp, đủ để tài trợ cho các khoản đầu tư, chi trả cổ tức, nợ vay và được tạo ra bền vững từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi và luân chuyển vốn lưu động ổn định.

Khi đó, tỷ lệ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên lợi nhuận sau thuế sẽ duy trì quanh mức 1, đều đặn qua các năm, thể hiện chất lượng lợi nhuận cao của doanh nghiệp bởi điều đó cho thấy 1 đồng lợi nhuận thực sự là 1 đồng tiền mặt thu về. Tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM), tỷ lệ này luôn duy trì ở mức cao trong suốt thập kỷ qua.

hinh-4b-to-hop-bao-gom-trang-trai-chan-nuoi-va-nha-may-che-bien-hien-dai-1-.jpg

Yếu tố giúp Vinamilk duy trì Tỷ lệ Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/lợi nhuận sau thuế ổn định suốt 10 năm

10 năm qua thị trường sữa Việt Nam chứng kiến không ít biến động, những yếu tố vĩ mô như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa của người tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng ngày càng đa dạng hơn. Khi đó, các công ty sản xuất sữa cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động bên ngoài này nhưng một vài tên tuổi lớn vẫn duy trì doanh thu ổn định.

Năm 2022 là năm nhiều mặt hàng sữa nguyên liệu tăng giá kỷ lục, thậm chí có nhóm tăng đến 100%. Cùng với đó, giá cước vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng đẩy chi phí sản xuất lên cao. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn có thể duy trì chỉ số Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/lợi nhuận sau thuế ổn định ở mức cao. Không những thế, 2022 là năm mà chỉ số này cao thứ hai và cao nhất từ sau đại dịch COVID-19.

3.png
Tỷ lệ Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/lợi nhuận sau thuế từ 2013 đến 2022. Nguồn: Vinamilk

Trước bối cảnh biến động giá nguyên vật liệu nhập khẩu như năm 2022, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, công ty đã rà soát toàn bộ hệ thống phân phối để hoạch định kế hoạch bán hàng, đưa hàng tồn kho nguyên vật liệu và hàng bán về mức phù hợp cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất.

Tận dụng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào này, công ty tích cực đầu tư để mở rộng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu nhằm nâng cao khả năng kiểm soát chi phí đầu vào. Vinamilk đang hoàn thiện hệ thống trang trại bò sữa tự chủ nguồn nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong những năm qua. Hiện Vinamilk sở hữu 15 trang trại bò sữa tại Việt Nam và Lào, 16 nhà máy sữa hiện đại trong và ngoài nước.

Tại ngày 31/3/2023, số dư tiền ròng hợp nhất chiếm hơn 24% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản ở mức 14%, tối ưu hơn so với mức 10% vào cuối năm trước để tận dụng đòn bẩy hiệu quả trong hoạt động vận hành, luân chuyển vốn.

Kỳ vọng cho năm 2023

Giai đoạn 10 năm từ 2013 – 2022, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk bình quân đạt hơn 43%/năm, mức cao nhất nhì trong số những công ty đại chúng ngành sữa. Bên cạnh đó, với khối tài sản khổng lồ tăng trưởng liên tục qua các năm, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Vinamilk đạt xấp xỉ 27%/năm trong 10 năm qua, mức cao nhất trong số các doanh nghiệp sữa trên sàn chứng khoán. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng duy trì bình quân 36%/năm, vượt trội hơn nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành tại Việt Nam.

Nếu nhìn rộng ra hơn khi so sánh với các doanh nghiệp F&B trên thế giới, thống kê của Chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho thấy, Vinamilk có được tỷ suất sinh lời ROA và ROE ghi nhận trong năm 2022 lần lượt 26% và 17%, kết quả này vượt trội hơn rất nhiều đại gia F&B nổi tiếng như Meji (Nhật Bản), Morinaga (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Otion (Hàn Quốc), Mengniu Dairy (Trung Quốc)…

4.png
Nguồn: BVS

Năm 2022 là năm đầu tiên Vinamilk thực thi chiến lược 5 năm tiếp theo. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk thẳng thắn nhìn nhận: “Từ năm qua, chúng tôi đã bắt đầu thực thi chiến lược 5 năm bằng việc xác định quy mô, vấn đề cần cải thiện để bắt đầu thực hiện trong 2023. Tất cả khối từ sản xuất, kinh doanh, nội địa, xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển, nhân sự. Theo đánh giá của tôi, tất cả kết quả khả quan và chúng ta có thể tin tưởng tương lai sắp tới của Vinamilk”.

Để có thể đạt mục tiêu doanh thu 63.380 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế 8.622 tỷ đồng của năm 2023, trong môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn thử thách, Vinamilk quyết tâm chuyển đổi để vượt qua cái bóng của những thành công trước đây, phát huy hết tiềm năng ở thời kỳ mới.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ năm 2023, bà Mai Kiều Liên cho biết, quý II&III sẽ là mùa vụ của tất cả sản phẩm, Vinamilk sẽ tập trung để tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận trong hai quý này. Đây cũng là giai đoạn giá nguyên vật liệu ổn định. “Công ty đã chốt giá sữa bột nhập khẩu cho đến tháng 8/2023”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect cho biết, năm 2023, giá nguyên liệu bột sữa nguyên kem được kỳ vọng giảm 5%, theo đó đây sẽ là yếu tố góp phần chủ đạo đưa biên lợi nhuận gộp của Vinamilk cải thiện 0.9 điểm % lên gần 41% trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân tích chất lượng hơn 8.000 tỷ đồng lợi nhuận của Vinamilk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO