Mô hình khu công nghiệp (KCN) truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tham khảo các mô hình KCN trên thế giới để chuẩn bị triển khai giai đoạn 3 xây dựng các KCN sinh thái…
Thông tin tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững (PTBV) KCN Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 28/3, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện cả nước có khoảng 418 KCN đã được thành lập, trong đó có 298 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Vì vậy, dư địa để phát triển các KCN xanh, KCN bền vững là rất lớn.
Cũng theo đại diện Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua Bộ KH&ĐT đã rất nỗ lực để phát triển các mô hình KCN mới theo định hướng tăng trưởng xanh, PTBV và đã thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.
Bộ đã cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế triển khai hai giai đoạn phát triển KCN sinh thái, tương tự như mô hình Hàn Quốc đó là: Giai đoạn 1, thí điểm thực hiện từ năm 2014-2019 với 3 KCN tại 3 tỉnh thành phố đại diện cho ba miền, với những giải pháp can thiệp tại 72 DN trong KCN, đạt được hiệu quả tiết kiệm tương đối lớn; Giai đoạn 2, từ năm 2020 đến nay, các tỉnh thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh là những địa phương có mật độ KCN rất lớn và điển hình về phát triển KCN trên toàn quốc, với thời gian phát triển KCN rất lâu, có nhiều đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.
“Quá trình triển khai hiện nay vẫn đang tiếp tục và dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh thành phố khác. Bộ KH&ĐT cũng có hợp tác với một số tổ chức quốc tế như World Bank và gần đây là kết hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu trong việc thiết kế là một số dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên toàn quốc…”- Bà Hiếu cho hay.
Chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn
Chia sẻ tại Diễn đàn, lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết, nguyên lý của việc phát triển các KCN bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Như vậy, những định hướng PTBV, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ DN, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo,...
“Chúng ta sẽ hướng tới việc kết nối các KCN với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng quản lý tốt rác thải, tái sử dụng, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng DN, cộng đồng sản xuất công nghiệp…”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho hay.
Cũng theo vị Phó Vụ trưởng này, yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi xanh là sự hợp tác giữa các nhân tố trong cùng một mạng lưới. Ví dụ, trong KCN thì đó là giữa các DN với nhau, trong quy mô thành phố là quan hệ giữa khu vực sản xuất công nghiệp với khu vực dân cư. Tiếp đó là khả năng hợp nhất giữa các khoảng cách địa lý. Và với các khoảng cách gần thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn...
Nhiều mô hình hay
Trong quá trình nghiên cứu, Bộ KH&ĐT đã tham khảo một số mô hình ở các khu vực như châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển tại Đông Bắc Á. Một trong những ví dụ điển hình về KCN sinh thái đó là KCN Kalundborg của Đan Mạch, với chu trình khép kín và khả năng liên kết, trong đó có 11 DN tham gia hưởng lợi từ 7 mạng lưới hợp tác, trao đổi nguyên vật liệu và 6 hệ thống hợp tác trao đổi đổi về nước và năng lượng. Mục tiêu là giảm chi phí của các DN trong mạng lưới, tăng mức độ kết nối phát triển các hoạt động sản xuất của mình.
Gần với Việt Nam hơn , ví dụ mô hình của TP Kawasaki tại Nhật Bản, là một thành phố công nghiệp rất lớn. Chỉ trong 10 năm, họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, đặc biệt những ngành nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng.
Hay KCN sinh thái Hàn Quốc được tiến hành trong khoảng 15 năm từ năm 2005 đến những năm 2019 và trải qua 3 giai đoạn. Ban đầu, họ chỉ thí điểm ở một vài KCN. Sau đó, mô hình này đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế lớn và tiết kiệm được nhiều tài nguyên từ việc tái sử dụng nguyên vật liệu. Vì vậy, Hàn Quốc quyết định nhân rộng mô hình trên toàn quốc, cho đến khi kết thúc chương trình thì đã có khoảng 150 KCN sinh thái. Hiện nay, Hàn Quốc đã chuyển sang một chương trình mới hơn, đó là kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải hướng tới giảm phát thải bằng 0.
“Có thể nói, lợi ích của KCN sinh thái và KCN bền vững là rất lớn, giúp các DN sản xuất kết hợp được với nhau thực hiện các giải pháp xanh sạch hơn, tiết kiệm được chi phí và tối ưu hóa hoạt động sản xuất của mình. Bên cạnh đó, họ cũng tăng thêm trách nhiệm về mặt môi trường, xã hội với cộng đồng xung quanh, từ đó nhận diện hình ảnh của DN trên thị trường sẽ được cải thiện…”, đại diện Bộ KH&ĐT phân tích.
Đặc biệt, mô hình PTBV cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh bằng cách giảm ô nhiễm, tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, giảm hóa chất độc hại ra môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
“Thực tế, để chuyển đổi thành công cần sự nỗ lực của các DN. Sự nỗ lực đó không chỉ giới hạn ở những DN được Bộ KH&ĐT hỗ trợ, mà đơn cử như KCN Nam Cầu Kiền đã chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điển hình của KCN tư nhân trong việc chủ động thực hiện cam kết quốc tế về PTBV của Chính phủ..”, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế Vương Thị Minh Hiếu nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện 1 nghiên cứu, khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 KCN trên cả nước.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp, có chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, nhận thức về KCN PTBV còn yếu khi kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN PTBV, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN PTBV cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.