(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm một số ngân hàng trên thế giới trong việc phát triển ngân hàng xanh, từ đó đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho các NHTM Việt Nam.
Tóm tắt: Để phát triển bền vững nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã lựa chọn phát triển kinh tế xanh. Chủ trương này tại Việt Nam đã được thể hiện rõ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 và nhiều văn bản khác. Hoạt động ngân hàng xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của chiến lược này, tuy nhiên, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam còn nhiều khó khăn, tồn tại. Bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm một số ngân hàng trên thế giới trong việc phát triển ngân hàng xanh, từ đó đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho các NHTM Việt Nam.
Green banking – international experience and lessons for commercial banks in Vietnam
Abstract: To develop the economy sustainably, many countries in the world, including Vietnam, have chosen green economy development. In our country, this policy has been recorded in the National Strategy on Green Growth; National Action Plan on Green Growth in the period of 2014 - 2020 and many other documents. Green banking activities play an important role in the success of this strategy. However, the development of green banking activities in commercial banks in Vietnam still faces many difficulties and shortcomings. This article will study the experience of some banks in the world in developing green banking, then gives some lessons for Vietnamese commercial banks.
1. Lời nói đầu
Ngân hàng xanh, hiểu theo nghĩa rộng là ngân hàng bền vững (Imeson M., và Sim A., 2010), hay thuật ngữ này còn có thể được hiểu là việc ngân hàng thực hiện các hoạt động trực tiếp và gián tiếp nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (Millat và cộng sự (2012), Lalon (2015). Các hoạt động ngân hàng bền vững – tác động trực tiếp tới môi trường như sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hạn chế rác thải, triển khai các dịch vụ điện tử và tự động hóa… Các tác động gián tiếp tới môi trường thường được ngân hàng thực hiện thông qua việc ưu tiên cho vay hoặc đầu tư vào dự án có đánh giá các rủi ro liên quan đến môi trường, hỗ trợ các dự án xanh, thân thiện với môi trường; quan tâm đến các mục tiêu xã hội, mục tiêu phát triển bền vững và phát triển xanh; giám sát, hướng dẫn các dự án của khách hàng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thay đổi năng lực đánh giá của cán bộ ngân hàng và khách hàng về các hoạt động thân thiện với môi trường... Do vậy, ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; góp phần lớn vào quá trình phát triển và chuyển dịch kinh tế, để định hướng việc phát triển xanh, phát triển bền vững.
2. Kinh nghiệm về phát triển ngân hàng xanh của các ngân hàng trên thế giới
Với xu thế và nhận thức của cộng đồng quốc tế ngày càng cao về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, hệ thống ngân hàng - tài chính quốc tế đã chứng kiến sự tham gia và cam kết mạnh mẽ của rất nhiều tập đoàn ngân hàng - tài chính lớn trên thế giới trong việc phát triển ngân hàng xanh - hành động một cách có trách nhiệm với môi trường. Dưới đây là kinh nghiệm phát triển ngân hàng xanh hiệu quả của Bank of America (Mỹ), Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), Ngân hàng Societe Generale (Pháp), Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), Ngân hàng ANZ (Úc). Đây là các ngân hàng – tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới, có quan hệ với các NHTM Việt Nam.
2.1. Kinh nghiệm của Bank of America (BoA, Mỹ)
Bank of America (BoA) là một tập đoàn ngân hàng đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Mỹ có trụ sở tại Charlotte, North Carolina. Với tổng tài sản hơn 2.325 tỷ USD, đây là ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ và nằm trong top 10 trên thế giới.
Về mặt chính sách chung, ở cấp tập đoàn, BoA cam kết cải thiện môi trường sống thông qua cách tiếp cận, xây dựng chiến lược kinh doanh toàn cầu, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ cán bộ công nhân viên và cải tổ mô hình hoạt động và quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững. Ngoài hỗ trợ tài chính, BoA còn cùng với khách hàng nghiên cứu, triển khai các giải pháp đối kháng biến đổi khí hậu và các thách thức về môi trường nói chung. Các dự án BoA cho vay tập trung vào tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và giao thông, tiết kiệm nước, quy hoạch sử dụng đất và xử lý chất thải. BoA hướng tới đáp ứng nhu cầu vốn cho tất cả đối tượng khách hàng (từ khách hàng doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư cho tới khách hàng cá nhân và SME). Đây là điểm cốt lõi của chiến lược kinh doanh vì môi trường: ưu tiên các khoản tài trợ vốn hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào phát triển bền vững, tạo hiệu ứng tốt cải thiện môi trường sống.
Về thực tế triển khai, từ năm 2007, các sáng kiến vì môi trường (Environmental Business Initiatives) của BoA đã tài trợ hơn 126 tỷ USD cho các dự án có lượng phát thải các-bon thấp ra môi trường và hướng tới phát triển bền vững trên toàn cầu. Tính từ năm 2013, khối ngân hàng đầu tư của BoA cũng đã thực hiện nhiều dự án tư vấn (tổng trị giá 33 tỷ USD) có mục tiêu nghiên cứu bảo vệ môi trường. Riêng trong năm 2018, BOA đã tài trợ 21,5 tỷ USD cho các dự án thân thiện với môi trường, phân theo các mảng dịch vụ. Tổng cam kết tài trợ của BoA trong việc đầu tư vào phát triển bền vững, tạo hiệu ứng tốt cải thiện môi trường sống là 455 tỷ USD (bao gồm 2 đợt: 125 tỷ USD đến 2025, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019; và 330 tỷ USD đến năm 2030).
2.2. Kinh nghiệm của Ngân hàng BNP Paribas (BNPP, Pháp)
Ngân hàng BNP Paribas (BNPP) có trụ sở ở Paris và trụ sở toàn cầu ở London. Đây là tập đoàn ngân hàng lớn thứ nhất tại Pháp và lớn thứ 6 trên thế giới với tổng tài sản xấp xỉ 2.360 tỷ USD. Tại lễ trao giải của Euromoney ngày 10/7/2019, BNPP đã được vinh danh là “Ngân hàng tốt nhất thế giới về trách nhiệm doanh nghiệp năm 2019”. Để đạt được điều này, từ năm 2017, ngân hàng đã thành lập Bộ phận cam kết doanh nghiệp nhằm đưa BNPP trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong các cam kết đối với môi trường, xã hội và tài chính bền vững. Từ đó, tất cả các đơn vị thành viên của BNPP đã nghiên cứu và phát triển các sáng kiến nhằm tăng tác động tích cực từ các hoạt động của ngân hàng tới môi trường và xã hội. Đặc biệt, đối với các vấn đề về môi trường và khí hậu, BNPP đã thể hiện sự cam kết của mình đối với lĩnh vực tài chính bền vững qua một số phương thức tích cực, cụ thể:
BNPP dành riêng vốn cho các quá trình biến đổi sinh thái: Nhằm tăng tốc cho nỗ lực đối với chuyển đổi năng lượng, BNPP sẽ đầu tư 100 triệu EUR vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2020. Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng tổng giá trị tài trợ vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo từ 9,3 tỷ EUR năm 2016 lên 15 tỷ EUR năm 2020. Để đạt những mục tiêu này, BNPP tài trợ trực tiếp và đầu tư vào hoạt động có lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Ngân hàng đang dần tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào phương pháp đánh giá của mình cho các dự án và công ty mà BNPP tài trợ. Bên cạnh đó, Bộ phận quản lý tài sản BNPP đã cam kết giảm lượng sản xuất khí thải các-bon của hơn 100 quỹ quản lý, nhằm cung cấp một lượng lớn các quỹ với lượng các-bon thấp tới các nhà đầu tư.
BNPP hướng tới vị trí Top 3 trên thị trường phát hành trái phiếu xanh (green bond - trái phiếu để tài trợ cho các dự án/doanh nghiệp thân thiện với môi trường và khí hậu) được phát hành bằng EUR trước 2020; BNPP cam kết sẽ bảo vệ rừng bằng việc ký kết Hiệp ước hàng hóa mềm BEI (BEI Soft Commodities Compact) và hỗ trợ triển khai hệ thống định giá các-bon toàn cầu bằng việc tham gia Liên minh định giá các-bon.
BNPP thoái vốn khỏi lĩnh vực năng lượng bẩn: BNPP đặt mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống 2,41 teqCO2/FTE vào năm 2020, so với mức 2,72 của năm 2016. Ngân hàng cam kết sẽ đưa hoạt động tài chính và đầu tư của mình phù hợp với các kịch bản của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhằm giữ cho mức nóng lên của toàn cầu dưới 2°C vào cuối thế kỷ. Việc này đòi hỏi cần phải giảm sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đáng kể, bắt đầu từ những năng lượng có tác động tiêu cực nhất đến môi trường và khí thải nhà kính cao nhất. Theo đó, Ngân hàng đã đưa ra những quyết định như: không hợp tác với những doanh nghiệp có hoạt động chính là thăm dò, sản xuất, phân phối, tiếp thị và kinh doanh dầu khí từ đá phiến và/hoặc cát dầu nặng (tar sand); không tài trợ cho các dự án chủ yếu liên quan tới việc vận chuyển hoặc xuất khẩu dầu khí từ đá phiến hoặc dầu từ cát dầu nặng; giảm hỗ trợ cho các hoạt động khai thác than và sản xuất điện than; chấm dứt việc tài trợ và đầu tư các hoạt động liên quan tới các nhà sản xuất thuốc lá cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh có nguồn thu chủ yếu từ thuốc lá.
Vào cuối năm 2017, BNPP đã đạt được mục tiêu trung hòa các-bon của mình. BNPP cam kết trở nên trung lập các-bon về chất thải CO2 từ các hoạt động của mình thông qua 3 sáng kiến.
Quỹ BNP Paribas là một trong những tổ chức đầu tiên tài trợ cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Từ năm 2017 đến 2019, Quỹ BNP Paribas đã cấp ngân sách 6 triệu EUR cho chương trình và tài trợ cho 8 dự án nghiên cứu quốc tế mới.
2.3. Kinh nghiệm của Ngân hàng Societe Generale (SocGen, Pháp)
SocGen là tập đoàn ngân hàng lớn thứ ba tại Pháp và lớn thứ 20 trên thế giới với tổng tài sản đạt hơn 1.531 tỷ USD. SocGen có quan điểm tài chính là trung tâm của sự thay đổi thiết yếu để phát triển bền vững hơn dựa trên nền kinh tế toàn diện và bền vững. Để thổi hồn vào tham vọng tác động tích cực này đối với xã hội, SocGen đã đề ra khái niệm về “Tài chính với tác động tích cực” thông qua việc xây dựng một mô thức tài trợ kiểu mới.
Với quan niệm thực tế và cách tiếp cận từng bước, SocGen cam kết tăng cường các giải pháp tài chính bền vững cho khách hàng của mình nhìn đồng thời từ các góc độ kinh tế, xã hội và môi trường. Ngân hàng chủ trương các giải pháp tài chính cần được xem xét trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện đối với xã hội, tính đến những đóng góp tích cực đồng thời và xác định và giảm thiểu các tác động tiêu cực. Trong những thập kỷ gần đây, SocGen đã phát triển chuyên môn sâu về đánh giá tác động môi trường và xã hội trong các dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (Business-to-Business) của ngân hàng để giúp khách hàng tập trung vào các hiệu ứng nhằm tăng giá trị dài hạn của họ. Ngân hàng đã thực hiện trên toàn bộ chuỗi giá trị: nghiên cứu và tư vấn, tài trợ và thị trường vốn, cũng như các giải pháp và dịch vụ cho nhà đầu tư. Nhằm hỗ trợ cho sự chuyển đổi của khách hàng – doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, SocGen đã triển khai một dịch vụ riêng, tập hợp tất cả kiến thức chuyên môn của ngân hàng về môi trường và xã hội trên toàn bộ các giải pháp đầu tư và tài chính.
2.4. Kinh nghiệm của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản)
Tập đoàn Mizuho là một trong 3 siêu tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và đứng thứ 18 trên thế giới với tổng tài sản hơn 1.715 tỷ USD. Mizuho là ngân hàng đầu tiên tại châu Á tuân thủ quy chuẩn “Nguyên tắc xích đạo” (Equator Principles, EPs) và là một trong 10 thành viên tham gia Ban chỉ đạo của “Nguyên tắc xích đạo” này. “Nguyên tắc xích đạo” (EPs) là một khung quản trị rủi ro, đã được 97 định chế tài chính từ 37 quốc gia trên thế giới tham gia và đồng thuận áp dụng, nhằm xác định, đánh giá và quản trị các rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động tài trợ dự án với mục đích xác định một chuẩn mực tối thiểu trong ngành tài chính đối với việc thẩm định và giám sát tài trợ dự án nhằm hỗ trợ cho việc ra quyết định tài trợ có trách nhiệm với môi trường. Phần lớn các dự án đầu tư quốc tế ở các quốc gia phát triển và các thị trường mới nổi đều được tài trợ bởi các ngân hàng tham gia EPs. Theo đó, Ngân hàng Mizuho cam kết các nỗ lực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu theo “nguyên tắc xích đạo”.
Về thực tế triển khai, quy mô thu xếp vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo của Mizuho xét theo giá trị thu xếp vốn tăng gần gấp đôi sau 5 năm từ năm 2013 đến 2017:
|
Xét về quy mô thu xếp vốn tài trợ cho các dự án có liên quan tới môi trường, tính đến ngày 31/3/2018, quy mô này của Ngân hàng đạt 393,3 tỷ JPY (xấp xỉ 3,71 tỷ USD), trong đó 47,6% là trong lĩnh vực điện mặt trời, 44,3% trong lĩnh vực điện gió, còn lại là các lĩnh vực như điện địa nhiệt, thủy điện, nhiệt điện mặt trời, xử lý và tái chế rác thải, cũng như một số lĩnh vực khác.
2.5. Kinh nghiệm của Ngân hàng ANZ (Úc)
ANZ là ngân hàng lớn thứ 2 trong nhóm 4 tập đoàn NHTM trụ cột của nền kinh tế Úc với tổng tài sản đạt hơn 700 tỷ USD. ANZ là tổ chức tài chính luôn nêu cao trách nhiệm xã hội và cam kết cho vay một cách có trách nhiệm. Quan điểm của ANZ là các dự án cần tránh được những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn thì cũng phải tìm mọi cách giảm thiểu được những tác động đó.
ANZ cũng là một trong 97 tổ chức tài chính từ 37 quốc gia trên thế giới tham gia vào “Nguyên tắc xích đạo” luôn hiện thực hóa các cam kết của mình bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn, thủ tục và chính sách nội bộ về môi trường và xã hội trong tài trợ vốn cho các dự án đầu tư. Theo đó, ANZ sẽ không cung cấp tài chính cho những dự án mà khách hàng không thể thực hiện theo các nguyên tắc mà EPs đã đặt ra.
Không chỉ trong nội bộ ngân hàng mà các hoạt động phát triển doanh nghiệp bền vững của ANZ còn tập trung hỗ trợ cộng đồng địa phương và giúp khách hàng thiết lập các phương thức hoạt động bền vững trên nhiều phương diện.
ANZ luôn nỗ lực tuyên truyền và có các chương trình thiết thực để hoạt động kinh doanh của các khách hàng doanh nghiệp luôn bao gồm và gắn liền với tính bền vững về môi trường và xã hội. Mục tiêu thiết thực của ANZ là đến năm 2020 đạt được quy mô dư nợ tín dụng xanh dự kiến khoảng 15 tỷ AUD.
3. Bài học cho các NHTM Việt Nam
3.1. Bối cảnh ngành Ngân hàng Việt Nam
Chủ trương phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam đã được thể hiện rõ trong Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Ngân hàng xanh là nguồn lực quan trọng để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh vì hệ thống ngân hàng có thể góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội, thông qua việc không cho vay vốn đối với những dự án gây ô nhiễm hoặc có tác động xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân. Mặt khác, việc kiểm soát chặt ngay từ khâu thẩm định tín dụng còn khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất - kinh doanh sạch và an toàn hơn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường của Đảng, Chính phủ để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. NHNN cũng đã xây dựng danh mục tiêu chí dự án xanh, tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường - xã hội (với sự hỗ trợ của GIZ) và đã gửi 23 ngân hàng áp dụng thí điểm qua đó xanh hóa danh mục tín dụng trong chương trình cho vay hiện tại của NHNN (vốn JICA) đối với DNNVV.
NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia bảo vệ môi trường, quản trị rủi ro môi trường, xã hội thông qua việc tạo các nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp khi triển khai các dự án xanh, dự án áp dụng các công nghệ bảo vệ môi trường, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngay sau khi có những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các TCTD đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình; một số NHTM cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên hỗ trợ, những lĩnh vực, ngành nghề cần hạn chế trong chiến lược phát triển ngân hàng xanh để làm căn cứ cho các NHTM trong quá trình thẩm định, cấp tín dụng. Ngoài ra, hiện còn thiếu văn bản quy định trách nhiệm đối với những ngân hàng tài trợ tín dụng cho các dự án có tác động xấu đến môi trường và xã hội. Văn bản pháp lý cao nhất quy định về các hoạt động bảo đảm an toàn môi trường là Luật Bảo vệ môi trường mới chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của các ngành nghề quan trọng, chưa nhắc đến trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng. Các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự - phần quy định về tội phạm môi trường - cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm.
Ngoài ra, đối với các NHTM Việt Nam, nhận thức về khái niệm ngân hàng xanh vẫn còn khá hạn chế (Trần Thị Thanh Tú, Trần Thị Hoàng Yến (2016)). Theo Phương Linh (2019), ngành Ngân hàng Việt Nam đang từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, các NHTM đang xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động về tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình. Ngoài ra, một số NHTM cũng chủ động tham gia các dự án có vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh tính đến hết tháng 6 năm 2019 tăng gần 30% so với năm 2018 (theo vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN), trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm hơn 75% dư nợ tín dụng xanh. Các lĩnh vực mà dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu là nông nghiệp xanh (46%); năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (15%); quản lý nước bền vững (11%); lâm nghiệp bền vững (5%). Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng – ngân hàng xanh còn gặp một số khó khăn (Phương Linh (2019). Nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai hệ thống đánh giá rủi ro về môi trường của các dự án được cấp tín dụng hay việc thực hiện ngân hàng xanh của các ngân hàng chỉ mới ở mức rất đơn giản so với thông lệ quốc tế. Trong hoạt động nội bộ, hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay cũng chưa đi tiên phong trong việc giảm rác thải, sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng như giảm giấy thải và in ấn tiết kiệm…Việc huy động vốn xanh không thuận lợi, hoạt động cho vay còn gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin của hệ thống NHTM và các cơ quan chức năng khác của Nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng còn chưa chặt chẽ. Hầu hết các NHTM Việt Nam chưa xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh, ví dụ như lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh chưa được ưu đãi nhiều so với các dự án thông thường đã làm giảm động lực của các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh.
3.2. Bài học kinh nghiệm cho các NHTM Việt Nam
Để hoạt động ngân hàng xanh tại các NHTM Việt Nam phát triển bền vững, cần học hỏi kinh nghiệm từ các ngân hàng trên thế giới về việc tăng cường các hoạt động ngân hàng xanh trong nội bộ, thúc đẩy quản lý rủi ro môi trường ở cấp độ dự án đầu tư và danh mục tín dụng cũng như huy động vốn hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường.
3.2.1 Bài học kinh nghiệm về tăng cường các hoạt động ngân hàng bền vững trong nội bộ ngân hàng
Như kinh nghiệm từ các ngân hàng BNPP, SocGen, BoA…, các NHTM Việt Nam có thể học tập cách thành lập một bộ phận chuyên trách nhằm đưa ngân hàng trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong các cam kết đối với môi trường, xã hội và tài chính bền vững. Có các đơn vị thành viên trong ngành, lĩnh vực liên quan, hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác định các dự án an toàn với môi trường, miễn trách nhiệm cán bộ tín dụng ngân hàng trong việc thẩm định các vấn đề liên quan đến môi trường, nội dung này sẽ thuộc trách nhiệm của bộ phận chuyên trách, có chuyên môn và kinh nghiệm thẩm định các vấn đề liên quan đến môi trường.
Công tác đào tạo về quản trị rủi ro môi trường, xã hội cho các cán bộ, nhân viên ngân hàng cần được thường xuyên chú trọng thực hiện để bộ phận chuyên trách này hoạt động hiệu quả. Một bước tiến xa hơn, đó là việc liên kết với các trường đại học, đưa các nội dung này vào một trong những nội dung bắt buộc phải đào tạo tại các trường đại học.
Bộ phận chuyên trách sau khi được thành lập sẽ thực hiện đào tạo và xây dựng các chính sách thống nhất để tất cả các đơn vị thành viên của ngân hàng cùng nghiên cứu và phát triển các sáng kiến nhằm tăng tác động tích cực từ các hoạt động của ngân hàng tới môi trường và xã hội.
Bộ phận chuyên trách cũng là đầu mối trong việc khuyến khích toàn bộ ngân hàng thực hiện sáng kiến trong nội bộ nhằm giảm thiểu tác động của chính bản thân ngân hàng tới môi trường bằng cách quản lý và giảm lượng khí thải các-bon của mình như kinh nghiệm từ ANZ. Cụ thể, các NHTM Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin, khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, phát triển kênh thanh toán xanh, từ đó giúp hạn chế nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp loại bỏ lãng phí giấy, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí in ấn, giảm phát thải các-bon. Hay ngân hàng có thể thực hiện xây dựng trụ sở xanh và tuyên truyền cho khách hàng về tín dụng xanh nhằm nâng cao uy tín, hình ảnh, vị thế của ngân hàng và là một kênh truyền thông hiệu quả tới khách hàng.
3.2.2. Bài học kinh nghiệm về thúc đẩy quản lý rủi ro khí hậu và môi trường ở cấp danh mục tín dụng và dự án đầu tư
Xanh hóa hoạt động cấp tín dụng và đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính của mỗi ngân hàng.
Bộ phận chuyên trách của ngân hàng sẽ phát triển chuyên môn sâu về việc đánh giá sự tác động tới xã hội và môi trường của các kế hoạch tài chính trong các dự án, dịch vụ của ngân hàng để giúp khách hàng tập trung vào các hiệu ứng nhằm tăng giá trị dài hạn của họ như kinh nghiệm từ SocGen.
Nâng cao năng lực thẩm định về cam kết đối với môi trường của khách hàng vay vốn, tích hợp các câu hỏi về sự ưu tiên của khách hàng đối với các khía cạnh quản lý, xã hội và môi trường trong các cuộc tư vấn.
Các NHTM nên hướng tới việc tuân thủ “Nguyên tắc xích đạo” như kinh nghiệm từ Ngân hàng Mizuho Nhật Bản. Khi tài trợ cho một dự án, ngân hàng đảm bảo khách hàng vay đã thực hiện đầy đủ đánh giá tác động về môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn của “Nguyên tắc xích đạo”. Với tất cả các dự án đầu tư, khách hàng cam kết trong hợp đồng tín dụng sẽ tuân thủ mọi quy định pháp luật cũng như giấy phép của nước sở tại về đảm bảo sự bền vững về môi trường và xã hội. Ngân hàng sẽ không tài trợ các dự án mà khách hàng từ chối hoặc không đảm bảo tuân thủ mọi tiêu chuẩn của “Nguyên tắc xích đạo”. Một trong các ưu tiên NHTM có thể xem xét là việc tài trợ cho các nghiên cứu về biến đổi khí hậu như kinh nghiệm từ BNPP.
Sau khi nghiên cứu và có năng lực đánh giá tác động môi trường, bộ phận chuyên trách sẽ thực hiện tư vấn, cùng với khách hàng nghiên cứu, triển khai các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu và các thách thức về môi trường nói chung (cũng như các giải pháp và dịch vụ cho nhà đầu tư như kinh nghiệm từ BoA). Như vậy, bộ phận chuyên trách này sẽ tập hợp tất cả kiến thức chuyên môn của ngân hàng về môi trường và xã hội trên toàn bộ các giải pháp đầu tư và tài chính.
3.2.3 Bài học kinh nghiệm về thoái vốn khỏi các dự án cho vay có hại tới môi trường và khí hậu
NHTM thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro đối với môi trường và khí hậu. Trong quá trình lên kế hoạch để thành lập bộ phận chuyên trách và đưa bộ phận này vào hoạt động hiệu quả, một nội dung khác có thể được thực hiện đồng thời, như kinh nghiệm từ BNPP là việc thoái vốn dần khỏi lĩnh vực năng lượng bẩn. Ví dụ như việc ngân hàng không hợp tác với, không/giảm tài trợ cho những dự án hay doanh nghiệp có hoạt động chính là thăm dò, sản xuất, phân phối, tiếp thị và kinh doanh dầu khí từ đá phiến và/hoặc cát dầu nặng (tar sand); hoạt động khai thác than và sản xuất điện than; sản xuất thuốc lá hay các nhà sản xuất, kinh doanh có nguồn thu chủ yếu từ thuốc lá…
3.2.4. Bài học kinh nghiệm về huy động vốn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường
Các ngân hàng có thể tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ cho các dự án áp dụng công nghệ để xanh hóa trong sản xuất như nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế: World Bank, JBIC, ADB,…, nguồn vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường trong nước, có sự tham gia của chính cộng đồng doanh nghiệp; nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hay chương trình cho vay của các NHTM có ưu đãi lãi suất đối với công nghiệp sạch, xanh. Việc nghiên cứu và phát triển tiết kiệm xanh hay phát hành trái phiếu xanh như kinh nghiệm của BNPP cũng có khả năng mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Hữu Huân (2014), Xây dựng ngân hàng xanh tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế phát triển và hội nhập, số 14, Tr. 4-9.
- Nguyễn Thị Đoan Trang (2018), Phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam – trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ môi trường, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng số190.
- Nguyễn Minh Loan (2019), Phát triển ngân hàng xanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: http:// tapchitaichinh.vn /ngan-hang/phat-trien-ngan-hang-xanh-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40-309473.html
- Phương Linh (2019), Tín dụng ngân hàng với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh,https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu /trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?
- Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
- Số liệu thống kê từ website Ngân hàng Nhà nước.
- Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 403/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014- 2020. 10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2018).
- Trần Thị Thanh Tú, Trần Thị Hoàng Yến (2016),Đánh giá thực tiễn ngân hàng xanh ở Việt Nam theo thông lệ quốc tế, Tạp chí Ngân hàng số 16.
- Vũ Thị Kim Oanh (2015), Ngân hàng xanh, kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, số 16, Tr. 21-24.
- Imeson, M. & Sim, A (2010). Sustainable Banking: Why Helping Communities and Saving the Planet is Good for Business? SAS White Paper. Issued by SAS Institute Inc. World Headquarters.
- Kanalk Tara, Saumya Singh, Ritesh Kumar(2015), Green Banking for Environmental Management: A Paradigm Shift http://dx.doi.org/10. 12944/CWE.10.3.36 September 19, 2015
- Lalon Raad Mozib. Green Banking: Going Green. International Journal of Economics, Finance and Management Sciences. Vol. 3, No. 1, 2015, pp. 34-42. doi: 10.11648/j.ijefm. 20150301.15
- Millat, K. M. và cộng sự (2012). Green Banking in Bangladesh Fostering Environmentally Sustainable Inclusive Growth Process. Http: //www.bangladesh-bank.org/ pub/special/greenbankingbd. (31 December 2012.).
- Md. Shafiqul Islam, Prahallad Chandra Das (2013), Green Banking Practices in Bangladesh, IOSR Journal of Business and Management, Volume 8. PP. 39-44.
- Raad (2015), Green Banking: Going Green, International Journal of economics, Finance and Management Science, No 1. pp. 34 – 42
- Vikas. N, Nitin. N và Ankit. G (2014), Green Banking Practice - A Review, Institute of Management and Research, pp. 45- 62.
- YunWen. B, Michael. F và Jing. L (2014), The Role of China’s Banking Sector in Providing Green Finance.