Tiếp cận gần hơn với ngân hàng xanh

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh - ThS. Nguyễn Trần Dương| 29/11/2019 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng xanh được hiểu là cách thức cung ứng và đặc tính dịch vụ ngân hàng hướng tới hỗ trợ hoạt động có tác động tích cực đối với môi trường, giảm khí thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững (Kanak và nhóm tác giả, 2015). Thực chất hoạt động ngân hàng xanh cũng tương đồng như hoạt động ngân hàng thông thường có cân nhắc tới ảnh hưởng đối với cộng đồng và môi trường trong cách thức cung ứng và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Mục tiêu của ngân hàng xanh là sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm, tránh lãnh phí và dành ưu tiên đối với yếu tố cộng đồng và môi trường trong tổ chức, cung ứng dịch và giám sát sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng xanh là khái niệm ngân hàng chuyển dịch từ mục tiêu lợi nhuận đơn thuần sang mục tiêu lợi nhuận với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Ngân hàng xanh huy động nguồn lực, đầu tư an toàn và chuyển nguồn lực huy động tới hoạt động sản xuất không ảnh hưởng bất lợi tới chất lượng sống và môi trường sống. Ngân hàng thể hiện tính xanh thông qua cải thiện 6 hoạt động, bao gồm: quản trị đầu tư, quản trị tiền gửi, công tác kế toán, phát triển và sử dụng nguồn nhân sự, trách nhiệm xã hội, nhận thức của khách hàng và công chúng về môi trường.

 Thực hành ngân hàng xanh được chia làm 2 nhóm hoạt động: 1/ Chuyển tải các yếu tố về môi trường trong thực hành quản trị rủi ro, điều hành, chiến lược ngân hàng, kỹ năng và văn hóa kinh doanh. Những hoạt động ngày là phần cơ bản của chương trình khích lệ thực hành ngân hàng bền vững, điều tiết đặc trưng xã hội và môi trường của hoạt động tài trợ; Trong khi mục tiêu định hướng cần tránh hoặc hạn chế thất thoát tài chính, rủi ro suy giảm tín nhiệm và tổn hại về môi trường và xã hội, ngân hàng tiên phong nỗ lực đạt được ảnh hưởng tích cực từ tất cả các hoạt động đó; 2/ Huy động nguồn tài chính cho đầu tư xanh, bao gồm huy động tiết kiệm từ cộng đồng, và các hoạt động thị trường vốn. Hoạt động thị trường vốn bao gồm sự tích hợp các yếu tố xã hội và môi trường trong nghiên cứu đầu tư và kêu gọi vốn cho hoạt động xanh (Nick và Jeremy, 2016). 

Tính xanh được thể hiện trong dịch vụ, hoạt động ngân hàng

Đối với hoạt động tín dụng: đảm bảo đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng môi trường và xã hội trong đưa ra quyết định tín dụng; đánh giá rủi ro của danh mục cho vay theo các tiêu chí rủi ro môi trường và xã hội phát sinh từ dự án được tài trợ; nâng cao khả năng ảnh hưởng tích cực của hoạt động cho vay xanh.

Tài trợ xanh cho các hoạt động bán lẻ chủ chốt, chẳng hạn như cung ứng tín dụng xanh tài trợ ngành sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm xanh (sản xuất và sử dụng công cụ tạo năng lượng thân thiện với môi trường, giảm khí thải các bon, giao thông thân thiện môi trường, công trình xây dựng thân thiện môi trường, sử dụng, cung ứng nước và xử lý chất thải, ...).

Đối với tiết kiệm nguồn lực: giảm ảnh hưởng môi trường của hoạt động ngân hàng; cung ứng dịch vụ tiết kiện xanh tới  khách hàng (thực hiện giao dịch ngân hàng không dùng giấy, cung ứng dịch vụ ngân hàng trực tuyến).

Hoạt động thị trường vốn: tích lợp rủi ro xã hội và môi trường với hoạt động nghiên cứu đầu tư, bao gồm nghiên cứu năng lực tài chính và uy tín của bên gọi vốn; Gọi vốn qua thị trường vốn và cổ phần hóa, gọi vốn qua thị trường công cụ nợ với đảm bảo được đưa ra đối với công cụ huy động nợ xanh (Trái phiếu, cổ phiếu liên quan tới hoạt động kinh doanh có tính xanh).

Kinh nghiệm triển khai ngân hàng xanh

Nhiều quốc gia trong G20 đã tích cực ủng hộ và khích lệ hoạt động ngân hàng xanh trên nhiều góc độ khác nhau (Nick và Jeremy, 2016). Một số ngân hàng toàn cầu chủ chốt ở Mỹ đã thực hiện cam kết tài  trợ hoạt động có nội dung bảo vệ môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu. Ngân hàng CITI, vào tháng 2 /2015, đã cam kết cấp tín dụng, đầu tư và hỗ trợ lên tới 100 tỷ USD trong thời gian 10 năm, tài trợ hoạt động có tác động tới giảm biến đổi khí hậu và kiến tạo giải pháp môi trường. Ngân hàng Bank of America đã cam kết tăng cường tài trợ cho các khởi xướng kinh doanh có liên quan tới bảo vệ môi trường lên tới 125 USD tỷ tới năm 2025, bao gồm cho vay, đầu tư, huy động vốn, dịch vụ thanh toán và các giải pháp tài trợ phát triển khác.

Nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển sau hơn, đã khởi xướng ngân hàng xanh hướng tới tranh thủ lợi thế nâng cao uy tín trên thị trường.

Pháp: Hiệp hội Ngân hàng Pháp rất nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm giữa các ngân hàng về chống biến đổi khí hậu, bao gồm phát triển tài liệu tham khảo kết nối giữa ngành ngân hàng và biến đổi khí hậu, công bố hướng dẫn xác định tài trợ giải pháp cho dự án điện và năng lượng sạch.

Ấn Độ: Năm 2015 Hiệp  hội Ngân hàng Ấn Độ hoàn thành bộ hướng dẫn tình nguyện cấp quốc gia đối với chương trình tài trợ có trách nhiệm, là bộ hướng dẫn kết hợp và bao hàm thực hành ngân hàng xanh, bao gồm chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm quốc gia.

Mexico: Hiệp hội Ngân hàng Mexico dẫn đầu chương trình tự nguyện phát triển bộ quy chuẩn về tính bền vững, được thông qua vào tháng 4/2016.

Hà Lan: Hiệp hội Ngân hàng Hà Lan đã phát triển Tuyên Thệ của ngân hàng Hà Lan như một cơ chế điều tiết qui định về liêm chính kết hợp với bộ nguyên tắc về trách nhiệm thành Qui chuẩn ứng xử chuyên nghiệp. Bộ Quy chuẩn điều tiết hoạt động của hơn 90.000 người tham gia hoạt động ngân hàng ở Hà Lan. Bộ Qui chuẩn nhấn mạnh ngân hàng có trách nhiệm xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế bềnh vững.

Singapore: vào tháng 10/2015, Hiệp hội Ngân hàng Singapore, ban hành Hướng dẫn về tài trợ có trách nhiệm, xác định chuẩn mực tối thiểu về thực hành tài trợ có trách nhiệm. Bộ hướng dẫn thúc đẩy sự tích hợp về điều hành, yếu tố xã hội và môi trường trong đánh giá rủi ro của ngân hàng và quyết định cấp tín dụng, tập trung nguyên tắc chính về minh bạch thông tin, kiểm soát nội bộ, tăng hiểu biết, xây dựng nội lực, và phát triển kỹ năng.

Thổ Nhĩ Kỳ: Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ nguyên tắc hoạt động thúc đẩy ngân hàng phát triển bền vững. Năm 2014, Hiệp Hội Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ban hành Hướng dẫn hoạt động bền vững cho ngành ngân hàng, bao gồm trách nhiệm môi trường được bao hàm trong quy định về chuẩn mực đạo đức ngân hàng.

Hàm ý chính sách

Phổ cập ngân hàng xanh là tất yếu khách quan, thể hiện tính trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của hoạt động ngân hàng tiên tiến. Với nỗ lực bảo vệ môi trường và cộng đồng, dịch vụ ngân hàng xanh sẽ trở nên thân thiện và khích lệ niềm tin từ cộng động đối với ngân hàng, có tác dụng tích cực đối với tăng huy động vốn từ cộng đồng, tạo nguồn lực cho tăng trưởng hoạt động tài sản có.

Phổ cập ngân hàng xanh trong ngắn hạn phát sinh chi phí lớn cho ngân hàng, từ chi phí cho tổ chức ngân hàng xanh tới giảm nguồn thu trong cung ứng dịch vụ có tính xanh. Đây được đánh giá là khó khăn không dễ vượt qua đối với tất cả đối tác kinh doanh ngân hàng. Sự chia sẻ từ các cấp quản lý và chính sách tài chính có liên quan tới kinh doanh ngân hàng xanh có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần giảm khó khăn cho đối tác cung ứng dịch vụ ngân hàng xanh. 

Phổ cập ngân hàng xanh phát sinh một số rủi ro, trong đó rủi ro cung ứng dịch vụ ngân hàng không xanh được đánh giá phổ biến, là biểu hiện của trục lợi trong cung ứng dịch vụ ngân hàng không xanh. Vì vậy, để kiểm soát rủi ro phổ cập ngân hàng xanh, khuôn khổ pháp lý có tính hiệu lực cao và đồng bộ cần được xây dựng. Hơn nữa, các đối tác có trách nhiệm kiểm soát hoạt động ngân hàng, trong đó có công cụ bảo hiểm tiền gửi, cần có cơ chế tham gia tích cực và chủ động.

Tài liệu tham khảo:

Nick Robins and Jeremy McDaniels (2016), GREENING THE BANKING SYSTEM Taking Stock of G20 Green Banking Market Practice, Sep. 2016, http://unepinquiry.org/wp-content/uploads/2016/09/9_Greening_the_Banking_System.pdf

KANAK TARA , SAUMYA SINGH and RITESH KUMAR (2015),  Green Banking for Environmental Management: A Paradigm Shift http://dx.doi.org/10.12944/CWE.10.3.36 September 19, 2015)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận gần hơn với ngân hàng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO