Với sự phát triển của nền kinh tế số, cơ hội việc làm sẽ mở rộng cho những nhân lực nữ chất lượng cao đang làm việc tại các ngân hàng. Trên cơ sở hệ thống các số liệu đã được điều tra về nguồn nhân lực nữ từ nhiều nghiên cứu, bài viết phân tích những lợi thế của lao động nữ so với lao động nam, đồng thời đưa ra đề xuất nhằm phát huy năng lực của nguồn nhân lực nữ đang làm việc tại các ngân hàng.
Tóm tắt: Với sự phát triển của nền kinh tế số, cơ hội việc làm sẽ mở rộng cho những nhân lực nữ chất lượng cao đang làm việc tại các ngân hàng. Trên cơ sở hệ thống các số liệu đã được điều tra về nguồn nhân lực nữ từ nhiều nghiên cứu, bài viết phân tích những lợi thế của lao động nữ so với lao động nam, đồng thời đưa ra đề xuất nhằm phát huy năng lực của nguồn nhân lực nữ đang làm việc tại các ngân hàng. Từ đó, tác giả đi đến kết luận nhân lực nữ chất lượng cao là đối tượng rất dễ thích nghi với thời đại “số” và sẽ có những đóng góp lớn cho ngành tài chính - ngân hàng trong tương lai.
Developing female human resources in the Vietnamese banking sector in the context of the influence of the digital economy
Abstract: Together with the development of digital economy, job opportunities will open more for female proffesionals working in banks. On the basis of systematically investigated data on female human resources from many studies, the article analyzes advantages of female employees compared to male workers, and at the same time makes suggestions to promote ability of female employees working in banks. From this, the author comes to the conclusion that high-quality female human resources are easily adaptable to the "digital" era and will make great contributions to the finance and banking sector in the future.
1. Đặt vấn đề
Với việc áp dụng ngày càng phổ biến các sản phẩm công nghệ số, trong tương lai không xa rất nhiều vị trí việc làm sẽ được thay thế bằng máy. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghệ mới đã thay thế con người ở nhiều hoạt động như: nhân viên tổng đài, thanh toán, phân tích dữ liệu... Khi phát triển các dịch vụ “số”, sự tương tác trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng sẽ dần ít đi; các văn phòng giao dịch, chi nhánh cũng sẽ sụt giảm. Cùng với đó, nhiều vị trí mới cũng được tạo ra để phục vụ cho việc phát triển, vận hành và ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Theo báo cáo của HSBC, trong tương lai ngân hàng sẽ rất cần 6 vị trí công việc gồm: Thiết kế trải nghiệm hỗn hợp, thuật toán máy, thiết kế giao diện đàm thoại, cố vấn dịch vụ toàn cầu, kỹ sư xử lý kỹ thuật số, kết nối cổng đối tác (HSBC, 2018). Có thể thấy, nhân lực ngành Ngân hàng vừa là đối tượng chịu áp lực mạnh mẽ bởi sự phát triển của nền kinh tế số, đồng thời cũng là những người đón nhận được nhiều cơ hội hơn cả nếu đáp ứng được đòi hỏi của cuộc cách mạng mới này.
Như vậy, ngoài việc đầu tư phát triển công nghệ, ngân hàng sẽ ngày càng chú trọng tới việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Trong đó các kỹ năng được chú ý đến là: tầm nhìn toàn cầu, năng lực sáng tạo, tư duy nhạy bén và khả năng thích nghi linh hoạt của ứng viên trước mọi thay đổi.
Trong một vài năm tới, để bám trụ và thăng tiến trong công việc, người lao động buộc phải nâng cao trình độ, phát triển các kỹ năng của bản thân, trang bị những năng lực mà máy móc không thể thay thế, cũng như liên tục cập nhật và nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Việc phát triển của nền kinh tế số sẽ giúp nguồn nhân lực nữ có cơ hội thể hiện được năng lực của mình. Bởi vậy, các ngân hàng cần có chiến lược để phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực lao động nữ nói riêng. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho bản thân nữ nhân viên phát huy khả năng của mình, mà còn giúp phát huy nguồn lực dồi dào, sẵn có của ngành tài chính - ngân hàng trong điều kiện mới. Phát triển nguồn nhân lực nữ không chỉ giúp họ phát huy tố chất và nâng cao năng lực làm việc; mà còn là cách chắc chắn nhất để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội.
2. Thực trạng của nguồn nhân lực nữ trong ngành ngân hàng
2.1. Vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển kinh tế
Nguồn lực nữ là bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu nguồn lực con người của mỗi quốc gia. “Nguồn nhân lực nữ được hiểu không chỉ đơn thuần là lực lượng lao động nữ đang và sẽ có, mà còn bao gồm thể lực, trí lực, tâm lực của các cá nhân nữ trong một tổ chức, địa phương, quốc gia được sử dụng hoặc có khả năng sử dụng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, (Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008). Như vậy, với tư cách là lực lượng lao động của xã hội, nguồn nhân lực nữ bao gồm nhóm phụ nữ trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động cùng với những tố chất thuộc về thể lực, trí lực, tâm lực của họ. Trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao là yêu cầu thiết yếu.
Với hơn một nửa dân số (thường chiếm trên 51% dân số), song do tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam giới nên lao động nữ thường chiếm tỷ lệ ít hơn (khoảng 49%) so với lực lượng lao động nam. Tuy nhiên, với những tố chất của mình, nguồn nhân lực nữ luôn là đối tượng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, bởi vậy cần được quan tâm phát triển. Đặc biệt, với nỗ lực của mình nhân lực nữ ngày càng có học vấn cao hơn và thể hiện vai trò quan trọng hơn trong xã hội. Chuyên gia kinh tế - lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho biết: “Trong số những phụ nữ đang tham gia thị trường lao động, 10% đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này của nam thanh niên chỉ là 5%. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM) là 37% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên” (ILO, 2020). Điều này cho thấy nếu được tạo những điều kiện phát triển bình đẳng như nam giới, thì phụ nữ không hề thua kém nam giới.
Phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao là một trong những yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra quan điểm: đầu tư vào sự phát triển của phụ nữ mang lại lợi ích cao hơn bất kỳ sự đầu tư nào khác ở các nước đang phát triển (Nguyễn Thị Tố Uyên, 2018). Thực tế cho thấy, trình độ và năng lực của nguồn nhân lực nữ ngày càng được công nhận trong mỗi vị trí, công việc mà họ tham gia. Nếu được tạo những điều kiện thuận lợi thì nhân lực nữ sẽ phát huy nhiều hơn tiềm năng sẵn có của mình. Theo đó, những lao động nữ chất lượng cao chính là những đối tượng sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế số. Ngành Ngân hàng lại là một lĩnh vực rất phù hợp và thu hút nhiều nhân lực nữ. Nhân lực nữ trong ngành Ngân hàng là những người làm việc trí óc, có năng lực, có trình độ và những kỹ năng phù hợp với đòi hỏi của thời kỳ mới. Bởi vậy, hiện ngành Ngân hàng Việt Nam cũng đã và đang có nhiều dự án nhằm phát huy vai trò của nguồn nhân lực nữ, đồng thời tạo điều kiện nâng cao vai trò lãnh đạo nữ trong ngành Ngân hàng.
2.2. Năng lực của nguồn nhân lực nữ
Trước tác động của cách mạng 4.0, nhân sự ngành tài chính-ngân hàng cần có sự nỗ lực để thay đổi, đặc biệt là nhân lực nữ. Muốn thành công thì ngoài trình độ chuyên môn, kỹ thuật, một nhân viên ngân hàng giỏi cần trang bị cho mình nhiều tố chất và kỹ năng. Bên cạnh những tố chất cần có của nhân viên ngân hàng như: đạo đức; tỉ mỉ, cẩn thận; kiên nhẫn, chỉn chu; giao tiếp tốt…, nhân viên ngân hàng cần trang bị thêm những kỹ năng như: tư duy nhạy bén; biết cách hợp tác với người khác; học hỏi tích cực; kỹ năng quản lý con người; khả năng đánh giá và ra quyết định chính xác; sự linh hoạt, sáng tạo; có trí tuệ cảm xúc; thích ứng nhanh trước sự thay đổi của môi trường làm việc... Có thể thấy, đây đều là những kỹ năng chiếm ưu thế ở nữ giới.
Một số đặc điểm tâm lý tích cực của lao động nữ
Theo số liệu từ bảng thống kê trên có thể thấy, các chỉ số năng lực của lao động nữ đều ở mức khá cao. Đặc biệt là ý thức, trách nhiệm, thực hiện kỷ luật lao động nghề nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ người khác, làm việc đúng kế hoạch, siêng năng cần cù. Bởi vậy, nếu có những giải pháp đúng đắn các ngân hàng sẽ tận dụng được những thế mạnh của nguồn nhân lực nữ, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng trong điều kiện mới.
Thêm nữa, dù nam và nữ có sự khác biệt về mặt sinh học, nhưng không có nghĩa cứ nam giới là mạnh mẽ, quyết đoán, tự chủ..., còn nữ giới dễ thay đổi, không quyết đoán, bị chi phối bởi tình cảm... Thực chất, có sự bình đẳng giữa hai giới về mặt tính cách. Theo nghiên cứu của Pavlov1, nếu coi tính cách, hành vi của mỗi người đều chịu sự chi phối của hệ thống thần kinh, thì không có kiểu thần kinh nào mang đặc trưng giới. Pavlov đã khái quát bốn kiểu thần kinh cơ bản như: mạnh - thăng bằng - linh hoạt; mạnh - thăng bằng - không linh hoạt; mạnh - không cân bằng và kiểu thần kinh yếu, tất cả được chia đều cho hai giới. Những tính cách xưa nay vốn được gán cho giới nam hay giới nữ không phải là những đặc tính tự nhiên, mà là những khuôn mẫu về giới mà xã hội đã gán cho họ. Những định kiến này phụ thuộc vào bối cảnh xã hội, tư tưởng - văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng cấu trúc não bộ của nam tuy lớn hơn nữ (1,4 so với 1,25) nhưng không có nghĩa là nam giới thông minh hơn; mà có sự khác nhau về đặc tính sinh học của bộ não: “Phụ nữ thường hoạt động mạnh ở bán cầu não trái (thiên về ngôn ngữ, trí nhớ, khả năng phân tích), nam giới thường xuyên sử dụng bán cầu não phải (thiên về định hướng không gian, khả năng tổng hợp, khái quát), tuy nhiên, do tính bù trừ chức năng của hệ thần kinh nên sự khác biệt này không đáng kể. Hơn nữa, khi phải giải quyết một vấn đề, não bộ của phụ nữ có nhiều điểm sáng kết nối với nhau hơn và các điểm sáng này lan tỏa trên diện rộng hơn so với não bộ của nam giới. Điều này cho thấy để giải quyết vấn đề, phụ nữ đã sử dụng não bộ triệt để hơn so với nam giới” [Trần Thị Minh Đức và cộng sự, (2006)]. Như vậy, nếu xét về khả năng làm việc của bộ não, nữ giới không hề kém nam giới; còn nếu xét đến một số kỹ năng “mềm” thì nữ giới còn chiếm ưu thế hơn.
2.3. Những khó khăn nguồn nhân lực nữ ngành Ngân hàng phải đối mặt
Ngân hàng là một trong những ngành đặc thù mà tỷ lệ lao động nữ thường lớn hơn nam giới. Hội thảo Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính đưa ra nhận định: Ở Việt Nam, ngành Ngân hàng có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao, thống kê năm 2017 tỷ lệ này là gần 60% trong tổng số cán bộ (SBV, 2017). Thống kê đến tháng 7/2022, nữ giới cũng chiếm hơn 58% tổng số lao động trong ngành Ngân hàng (Công Thái - Đức Khanh, 2022). Có thể nói, nhân lực nữ sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình và vận hành hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, dù nữ giới chiếm số đông, nhưng mức lương trung bình mà phụ nữ được hưởng thường không bằng nam giới, các vị trí quan trọng cũng thường dành cho nam, dù khả năng và những đóng góp của nữ không kém nam giới. Một nghiên cứu chỉ ra: 54% số người được phỏng vấn đều đồng ý với quan điểm so với nam giới, phụ nữ khó được đề bạt hay bổ nhiệm lên cấp quản lý cao nhất cho dù họ có kỹ năng và trình độ tương đương (ILO, 2020). Điều này cho thấy vẫn có những định kiến nhất định đối với lao động nữ. Trong ngành Ngân hàng, mặc dù lao động nữ luôn chiếm ưu thế, nhưng định kiến này cũng vẫn tồn tại.
Như vậy, trong quá trình làm việc và phấn đấu của mình, nữ giới nói chung và nữ giới làm việc trong ngành ngân hàng thường gặp nhiều khó khăn, cụ thể là:
Gánh nặng gia đình: phụ nữ thường nặng gánh gia đình hơn đàn ông, dù họ làm ở bất kể vị trí nào và trình độ học vấn ra sao; tâm trí, sức lực của họ thường bị ràng buộc bởi việc chăm sóc con cái, công việc nội trợ; điều đó khiến họ đánh mất đi nhiều cơ hội nghề nghiệp. Khi thời gian lao động của phụ nữ bị xé lẻ bởi nhiều việc gia đình dẫn đến khó chuyên tâm vào công việc, trong khi ngân hàng là một ngành có yêu cầu cao về cường độ làm việc, điều này đã trở thành một trở ngại đối với nữ nhân viên làm việc tại ngân hàng.
Quan điểm không bình đẳng về “giới”: Phụ nữ vốn được coi là “phái yếu”, đàn ông là “phái mạnh”, nên phụ nữ thường chỉ hướng đến những công việc nhẹ nhàng, ít thử thách để nhường “việc lớn” cho đàn ông. Phụ nữ cũng thường không muốn thể hiện sự đam mê với công việc và mong muốn quyền lực, bởi e ngại dư luận. Do đó, họ chỉ được giao những công việc không nhiều áp lực, bởi thế cũng ảnh hưởng đến mức lương nhận được. Thực tế này làm giảm nỗ lực vươn lên và làm mất đi cơ hội thăng tiến của phụ nữ.
Những định kiến lạc hậu: Hiện vẫn có quan điểm đồng nhất các phẩm chất, năng lực của nữ nhân viên ngân hàng (nữ trí thức) với các khuôn mẫu của người phụ nữ truyền thống, như: cả tin, không quyết đoán; dễ bị cảm xúc tri phối; không thích hợp làm những công việc thiên về công nghệ, kỹ thuật... (Trần Thị Minh Đức, 2016). Có thể trình độ và năng lực của họ đã đáp ứng tiêu chí, nhưng do định kiến về năng lực của phụ nữ dẫn đến việc nữ giới được bố trí vào các vị trí lãnh đạo cấp cao không nhiều. Đây cũng là những rào cản gây ảnh hưởng đến vị thế của phụ nữ khi đã trở thành lãnh đạo.
Hiện nay, nữ giới đã giữ nhiều vị trí quản lý ở cả ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, tuy nhiên đa phần vẫn chỉ được nắm các vị trí quản lý ở cấp trung (SBV, 2017). Có thể thấy, vẫn còn các rào cản trong nhận thức, gây ảnh hưởng đến vị thế của phụ nữ trong ngành Ngân hàng. Chính vì người lao động nữ luôn bị đánh giá thấp hơn về khả năng và giá trị, khiến họ bị đặt ở địa vị thấp kém hơn nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra những tố chất mà phụ nữ có được rất phù hợp và cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế số.
2.4. Những ưu điểm của nguồn nhân lực nữ ngành Ngân hàng
Có thể kể đến một số kỹ năng nổi trội ở nữ giới, rất cần thiết và phù hợp với sự thay đổi của nghiệp vụ ngân hàng trong nền kinh tế số, gồm:
Tư duy nhạy bén, tinh tế: Phụ nữ vốn là người nhạy bén và tinh tế. Họ có khả năng quan sát tốt dù đó là những chi tiết rất nhỏ, nhờ đó dễ nắm bắt được tâm lý, nhu cầu, sở thích của khách hàng, điều này giúp nữ giới luôn tạo ra mối quan hệ tốt với khách hàng.
Nhận thức linh hoạt: Phụ nữ cũng là người có nhận thức linh hoạt trước mọi vấn đề, điều này đã giúp nhân sự nữ luôn có cách nhìn nhận đa chiều và có khả năng giải quyết các vấn đề đan xen cùng một lúc. Cũng bởi sự linh hoạt, nhạy bén với những thị hiếu của khách hàng, đôi khi phụ nữ có thể tạo nên những thay đổi, đột phá cho ngân hàng. Tư duy linh hoạt cũng giúp phụ nữ đưa ra các giải pháp sáng tạo trước những chuyển biến bất ngờ của thị trường.
Có khả năng kết nối: Bản năng của phụ nữ là chia sẻ và kết nối với mọi người. Khả năng này rất cần thiết trong thời đại thông tin phong phú, đa chiều như hiện nay. Ở thời đại kinh tế số, không còn những cản trở về không gian trong việc tiếp cận khách hàng, nhân viên có thể kết nối khách hàng từ bất kỳ nơi đâu cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bởi thế, khả năng chia sẻ và hợp tác tốt thực sự sẽ mang lại hiệu quả hơn trong việc kết nối với khách hàng, từ đó giúp khách hàng gắn bó với ngân hàng lâu dài hơn.
Có trí tuệ cảm xúc: Đây là khả năng “quản trị” cảm xúc của bản thân, tối ưu năng lượng tích cực để điều phối hiệu quả công việc và ứng xử với các tình huống phức tạp. Phụ nữ thường có trí tuệ cảm xúc cao hơn nam giới. Nhờ biết tiết chế cảm xúc và điều tiết hành vi nên trong quá trình làm việc, thường giữ thế chủ động trước những tình huống phức tạp. Tùy từng đối tượng khách hàng, phụ nữ biết đưa ra những câu hỏi khéo léo để hiểu rõ hơn về khách hàng đồng thời cũng nhằm tạo được thiện cảm với họ. Vì thế, trong các cuộc đàm phán nếu có sự tham gia của nữ giới bao giờ cũng dễ thành công hơn so với khi chỉ có mình nam giới.
Như vậy, với những kỹ năng của mình phụ nữ hoàn toàn có thể làm tốt như nam giới, thậm chí ở một số kỹ năng còn tốt hơn nam giới. Nữ giới hoàn toàn có thể thích ứng trước sự phát triển của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến tại nhiều ngân hàng hiện nay. Các ngân hàng nên có những chính sách nhằm tạo điều kiện cho nguồn nhân lực nữ - một lực lượng chiếm số đông đang làm việc tại ngân hàng để phát huy thế mạnh của họ, đồng thời tạo ra những ưu thế hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực nữ chất lượng cao trong tương lai.
3. Một số đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực nữ ngành ngân hàng
Sự phát triển của công nghệ số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho nguồn nhân lực nữ chất lượng cao phát huy thế mạnh của mình. Có thể thấy, những định kiến về năng lực hay tính cách của nữ so với nam ngày nay đã lạc hậu, đặc biệt là với nữ trí thức. Tuy nhiên, hiện nhân lực nữ vẫn gặp khó khăn, rào cản trong công việc. Để phát huy tốt thế mạnh của nguồn nhân lực nữ, cần sự nỗ lực và hỗ trợ từ phía ngân hàng, từ gia đình và bản thân mỗi lao động nữ.
3.1. Vai trò của ngân hàng
Ngân hàng đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc phát huy năng lực của nguồn nhân lực nữ của ngành. Hiện tại, một số ngân hàng vẫn thiếu các biện pháp hiệu quả trong việc tạo động lực và cảm hứng cho nhân viên. Vì vậy, trước mắt các ngân hàng cần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bảo đảm các điều kiện làm việc phù hợp đối với phụ nữ như quan tâm tới tâm lý, sở thích đặc thù của phụ nữ để phát huy được năng lực sở trường của nguồn nhân lực nữ. Phụ nữ và nam giới có cấu tạo cơ thể và sinh lý khác nhau, vì vậy khi phân tích dữ liệu có liên quan, dữ liệu nam giới và phụ nữ nên được thu thập riêng biệt. Sức khỏe thể chất, giai đoạn cống hiến và phát triển sự nghiệp của phụ nữ thường kém hơn nam giới, vì vậy cần có chiến lược phù hợp nhằm tối đa hóa sự thành công, cũng như khắc phục những hạn chế cho sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ. Để khuyến khích phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, các ngân hàng cũng cần có chính sách cải cách tiền lương hợp lý nhằm nâng cao mức sống của lao động nữ và đảm bảo tái tạo sức lao động cho họ. Khi các ngân hàng thực sự quan tâm tới nhân viên nữ, sẽ truyền cảm hứng để họ nỗ lực cống hiến hơn nữa.
Ngoài ra, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nhân lực nam và nữ; tạo điều kiện cho nhân lực nữ cũng được quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm vào các vị trí quản lý. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cần có chiến lược và lựa chọn cân đối giữa tỷ lệ nam giới và nữ giới trong bộ phận quản lý cấp cao nhằm hội nhập vào thị trường toàn cầu một cách hiệu quả. Vì nam và nữ sẽ có những phong cách lãnh đạo và sự nhạy cảm khác biệt, nhưng lại bổ sung cho nhau trong công việc. Bởi vậy, các ngân hàng cần có kế hoạch bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ và trọng dụng nhân tài nữ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình. Có như vậy mới phát huy tối đa được khả năng của nguồn nhân lực nữ hiện tại và thu hút được nhân lực chất lượng cao từ các ngành khác tới làm việc.
3.2. Vai trò của người lao động nữ
Để nâng tầm giá trị của bản thân, lao động nữ cần phải thoát ra khỏi định kiến sai lầm về “giới”. Phụ nữ nỗ lực phấn đấu nhằm giải phóng khỏi những nỗi sợ hãi và thiết lập sự tự tin cho bản thân, thông qua ý thức tham gia hoạt động cộng đồng và dấn thân cho công việc một cách mạnh mẽ. Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và nhiều bằng cấp chưa đủ để quyết định hiệu quả trong công việc, mà cần trang bị nhiều kỹ năng mềm. Nhân lực nữ trong ngành Ngân hàng dù có trình độ, có kỹ năng đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ mới, nhưng nếu thiếu sự tự tin vào bản thân, vẫn sẽ mất đi những cơ hội cải thiện cuộc sống của mình. Tự tin cũng giúp họ từ chối sống theo những khuôn mẫu cổ hủ, để sống theo những chuẩn mực phù hợp với tính cách, năng lực, nguyện vọng mình. Để làm được điều đó, bản thân họ phải không ngừng học hỏi để trở thành một người phụ nữ hiện đại. Thông qua những buổi hội thảo, chia sẻ từ những phụ nữ thành đạt ở trong và ngoài nước, họ sẽ được học hỏi nhiều kinh nghiệm để bản thân phát triển hơn. Đồng thời, nữ nhân viên ngân hàng cũng cần tiếp cận với nhiều nền văn hóa trên thế giới, để có được những thông tin tích cực về bình đẳng giới, qua đó bồi đắp thêm niềm tin vào bản thân và vững vàng theo đuổi con đường sự nghiệp mình lựa chọn.
3.3. Vai trò của gia đình
Trong tương lai, cùng với sự ra đời của nhiều công nghệ mới, robot thông minh sẽ giúp giải phóng phụ nữ khỏi rất nhiều công việc nhà. Tuy nhiên, nguồn nhân lực nữ vẫn rất cần sự chia sẻ, cảm thông và sự hỗ trợ từ phía gia đình. Khi đó người lao động nữ sẽ có nhiều thời gian chuyên tâm vào công tác, trau dồi kỹ năng làm việc. Khi nghĩa vụ gia đình được giảm bớt, họ sẽ có cơ hội học tập nâng cao trình độ và tham gia vào các vị trí và công việc mới có thu nhập cao hơn. Hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Bởi vậy nghĩa vụ với công việc gia đình thường chiếm nhiều tâm trí và sức lực của phụ nữ, điều này đã hạn chế cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động tại ngân hàng và thời gian phấn đấu cho sự nghiệp. Quan niệm cho rằng phụ nữ phải có trách nhiệm chính là chăm sóc nhà cửa và con cái, lo lắng cho chồng cần phải thay đổi. Gia đình, trong đó đặc biệt là người chồng cần hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ, đồng thời làm chỗ dựa tinh thần để họ vui vẻ, an tâm làm việc. Nếu nhân lực nữ xóa bỏ được những định kiến và được giảm bớt gánh nặng gia đình, sẽ thể hiện trình độ và kỹ năng không thua kém đồng nghiệp nam. Bởi vậy, gia đình chính là điểm tựa vững vàng, giúp người phụ nữ giảm bớt những gánh nặng, tạo điều kiện để khơi dậy được sự tự tin, sức mạnh trong bản thân họ.
4. Kết luận
Hiện nay, ngoài các ngân hàng thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (công ty fintech) cũng đang chuyển hướng sang tuyển dụng nhiều nhân sự có khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ mới, để phục vụ cho quá trình hội nhập nền kinh tế số. Bên cạnh đó, các ngân hàng và doanh nghiệp này cũng đang quan tâm tới việc đào tạo lại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của mình. Trong tương lai, thị trường lao động trong ngành Ngân hàng sẽ thay đổi theo hướng giảm những vị trí việc làm chỉ cần các thao tác và kỹ năng giản đơn; gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều kỹ năng: vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ vừa thành thạo công nghệ thông tin. Để không bị rớt khỏi guồng quay này, nhân lực ngành Ngân hàng cần nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu công việc và cùng ngân hàng “chuyển mình” trong thời đại mới. Trong công cuộc chuyển đổi này, lực lượng lao động nữ luôn chiếm tỷ lệ lớn hơn lại luôn gặp những khó khăn, trở ngại khiến họ không có được vị thế xứng đáng dù bản thân có rất nhiều tiềm năng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số.
Sự phát triển của nền kinh tế số giúp nguồn nhân lực nữ phát huy được lợi thế và có cơ hội thể hiện được năng lực của mình, bởi vậy xã hội cần có những đánh giá đúng đắn về lao động nữ, đặc biệt là nữ nhân viên ngân hàng.
Trước những biến chuyển mới của lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các ngân hàng không chỉ chạy đua với nhau, mà còn phải cạnh tranh với các công ty fintech trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số. Để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả hoạt động thì ngân hàng cần phát triển nguồn nhân lực vốn có của mình, trong đó cần đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực rất tiềm năng và chiếm số lượng lớn hơn đó chính là những nhân viên nữ. Với những kỹ năng sẵn có của mình, nguồn nhân lực nữ sẽ có những ưu điểm hơn so với nam giới trong nền kinh tế số. Bởi vậy, họ sẽ là nguồn lực không thể thiếu khi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo được ứng dụng ngày càng phổ biến tại các ngân hàng. Nếu có những giải pháp phù hợp, các ngân hàng sẽ tận dụng tối đa khả năng và những đóng góp hiệu quả từ nguồn nhân lực này trong hiện tại và tương lai.
Chú thích:
1. . Ivan Petrovich Pavlov (1849 – 1936) là một nhà sinh lý học, tâm lý học và thầy thuốc người Nga, ông đã nhận được giải Nobel sinh lý và y khoa năm 1904.
Tài liệu tham khảo:
Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2008), Giáo trình kinh tế nguồn nhân lực, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
Trần Thị Minh Đức và cộng sự (2006). Định kiến và sự phân biệt đối xử theo giới, lý thuyết và thực tiễn. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 2006. tr.207.
Thiều Quang Hiệp (2021). Phát triển nguồn nhân lực ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Luận án Tiến sĩ. Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Bộ luật Lao động (sửa đổi, 2019). Số 45/2019/QH14.
Nguyễn Thị Phương Thủy (2017). Phát triển nguồn nhân lực nữ ở Việt Nam: Thực trạng và những thách thức. Truy cập ngày 20/7/2022 trên trang web http://www.tapchicongsan.org.v....
Công Thái - Đức Khanh (2022). Hội nghị Phụ nữ ngành Ngân hàng năm 2022. Tham khảo ngày 22/7/2022 trên trang web: http://vnubw.org.vn.
HSBC (2018). The most important intelligence isn’t artificial…. [online] HSBC. Available at: https://www.hsbc.com/media/med... ;
Nguyễn Thị Tố Uyên (2020). Thực trạng nguồn nhân lực nữ Việt Nam hiện nay và giải pháp phát triển. tham khảo ngày 13/7/2022 trên trang web: https://tapchi.ftu.edu.vn.
ILO (2020). Phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong doanh nghiệp, truy cập ngày 18/7/2022 trên trang web: https://www.ilo.org.
Nguồn: SBV (2017). Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính. Truy cập ngày 14/7/2022 trên trang web: thoibaonganhang.vn.
. Ivan Petrovich Pavlov (1849 – 1936) là một nhà sinh lý học, tâm lý học và thầy thuốc người Nga, ông đã nhận được giải Nobel sinh lý và y khoa năm 1904.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 23 năm 2022