(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ở góc độ hoạt động ngân hàng, các giải pháp gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi; các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; thực hiện tốt các nội dung của cải cách hành chính và trách nhiệm chia sẻ với tinh thần đồng hành để phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các yếu tố đầu vào như chi phí nguyên vật liệu; chi phí vốn… tăng do yếu tố khách quan và yêu cầu phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, thì việc tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, để giảm tối đa các chi phí khác, cũng như tạo điều kiện về thị trường, về tiêu thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ở góc độ hoạt động ngân hàng, các giải pháp này gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi; các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; thực hiện tốt các nội dung của cải cách hành chính và trách nhiệm chia sẻ với tinh thần đồng hành để phát triển.
Thứ nhất, tập trung các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng gắn với việc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập trung vốn cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng (xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn) để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng trong điều kiện xuất hiện nhiều hơn khó khăn thách thức.
Thứ hai, thực hiện tốt các biện pháp thuộc nội hàm công tác cải cách hành chính ngành Ngân hàng: xử lý hồ sơ thủ tục nhanh hơn; dịch vụ tiện ích hơn; điều chỉnh giảm phí… để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong điều kiện các chi phí (nguyên vật liệu; lãi suất, tỷ giá…) tăng do yếu tố khách quan, yếu tố thị trường.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức tốt các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; cho vay doanh nghiệp bình ổn thị trường; đối thoại doanh nghiệp; truyền thông… để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời tạo sự đồng thuận, hiệu quả trong thực thi chính sách, cũng như củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Trong đó duy trì chế độ trao đổi thông tin, họp giữa NHNN thành phố và hiệp hội doanh nghiệp; hội ngành nghề trên địa bàn thành phố.
Thứ tư, thực hiện trách nhiệm cộng đồng, với tinh thần chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng hành động cụ thể. Trong đó nhân rộng những giải pháp hiệu quả tích cực từ việc một số tổ chức tín dụng đã và đang chủ động giữ ổn định lãi suất, giảm phí, giảm lãi suất cho vay đối với một số doanh nghiệp thuộc chương trình bình ổn, hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu; rút ngắn thời gian giao dịch và giảm chi phí giao dịch cho khách hàng; thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng…. Với tinh thần giảm thiểu tối đa chi phí cho khách hàng. Chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong điều kiện hiện nay, sẽ tạo sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho chính mỗi tổ chức tín dụng.
Thứ năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện khó khăn và thách thức, chủ động các giải pháp để tăng trưởng ổn định, an toàn và hiệu quả. Thực thi trách nhiệm cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHTW. Các chính sách của NHTW cùng các giải pháp thực hiện hiện nay, không ngoài việc nhằm thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ và nhiệm vụ của NHTW, tạo điều kiện để kinh tế vĩ mô ổn định hơn, phát triển hơn. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần làm tốt công tác thông tin truyền thông; tư vấn khách hàng và thông qua việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng, thông qua việc hỗ trợ cho khách hàng bằng các hành động cụ thể sẽ không chỉ củng cố quan hệ ngân hàng – khách hàng mà còn góp phần cùng ngành Ngân hàng tiếp tục củng cố niềm tin của khách hàng, người dân và doanh nghiệp để đồng hành phát triển trong điều kiện hiện nay.