(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên lề Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp về chính sách thuế và hải quan năm 2020 tổ chức tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết để quản lý thuế đối với giao dịch thương mại xuyên biên giới cần sự hợp tác thông tin đa ngành giữa ngành thuế và ngân hàng, vận tải, viễn thông…
Hỏi: Một vấn đề đang được quan tâm đó là quản lý thuế thương mại điện tử. Ông có thể chia sẻ thêm về những nội dung này?
Ông Đặng Ngọc Minh: Hiện nay, các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã được phân ra các hình thức khác nhau.
Đối với các cá nhân thực hiện sản xuất, mua bán thương mại trong nước thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế giống như các hộ kinh doanh. Điều này đã có những thông tư hướng dẫn cụ thể. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền cho những người kinh doanh thương mại điện tử trong nước thực hiện nghĩa vụ thuế.
Với các hoạt động dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, chúng ta đã có những cơ sở pháp luật để thu. Trường hợp liên quan đến nghĩa vụ kinh doanh với các hoạt động không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cần có những quy định cụ thể hơn và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều Luật Quản lý thuế đã quy định rồi.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 126, trong đó có nội dung liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Chúng tôi sẽ mời các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài vào làm việc với cơ quan Thuế Việt Nam cũng như các bên tư vấn để hướng dẫn các quy định mới về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Việc thực hiện quản lý thuế với các hoạt động giao dịch thương mại xuyên biên giới rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Cụ thể, cần phải có sự hợp tác thông tin giữa ngành thuế với ngân hàng cũng như ngành viễn thông và vận tải để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp.
Hỏi: Liên quan đến việc phối hợp của ngân hàng trong cung cấp thông tin về giao dịch xuyên biên giới, việc này hiện được quy định như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Minh: Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản, thông tin về các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới với cơ quan thuế.
Thực tế thời gian vừa qua, chúng tôi đã phối hợp rất tốt với các ngân hàng thương mại cũng như Trung tâm giám sát các giao dịch bất thường của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó đã nắm được rất nhiều thông tin giao dịch và thông qua đó đã tăng cường thực hiện thu cho ngân sách nhà nước.
Một nội dung khác cũng khá quan trọng trong hoạt động thương mại xuyên biên giới là quản lý thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Hiện những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp đã được xử lý tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP và bây giờ Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng đã kế thừa về vấn đề kiểm soát chi phí lãi vay của doanh nghiệp.
Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng cụ thể hóa nội dung mới trong Luật Quản lý thuế về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ví dụ như vấn đề sử dụng dữ liệu thương mại điện tử để so sánh với các giao dịch trong nước theo thông lệ chung của quốc tế hay vấn đề về nghĩa vụ kê khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các tập đoàn lớn, sử dụng báo cáo đó trong công tác đánh giá rủi ro của doanh nghiệp.
Hỏi: Theo ông, doanh nghiệp còn quan tâm đến những vấn đề chính sách nào trong lĩnh vực thuế, hải quan?
Ông Đặng Ngọc Minh: Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp về chính sách thuế và hải quan được Bộ Tài chính tổ chức thường niên. Hiện, về chính sách, Chính phủ ban hành một loạt nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38. Thông qua hội nghị này sẽ tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp các quy định mới trong Luật Quản lý thuế cũng như một loạt chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình vượt qua dịch COVID-19.
Tại hội nghị tôi thấy doanh nghiệp rất quan tâm đến việc hoàn thuế, làm sao đảm bảo được lợi ích doanh nghiệp. Cơ quan thuế đã giải thích cho doanh nghiệp một số trường hợp hoàn thuế, cũng có những quy định về kiểm soát chống gian lận trong hoàn thuế... Đây là những vấn đề mà ngành thuế sẽ tiếp tục cùng với doanh nghiệp trao đổi để làm sao đảm bảo cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Một nội dung khác cũng được doanh nghiệp quan tâm là thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đơn cử như những biện pháp của Bộ Tài chính thực hiện miễn, giảm, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước hay hỗ trợ cho ngành hàng không... Hay như vấn đề về các dự án đầu tư mở rộng mới. Vấn đề này cũng đã được tuyên truyền rất rõ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, căn cứ vào hồi sơ, chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp.