Tin tức

Quốc hội đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hết sức mình vì lợi ích của nhân dân và vì sự phát triển của đất nước

P.V 30/11/2023 - 08:45

Trao đổi với phóng viên sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tất cả các hoạt động, các quyết sách của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về giám sát tối cao đều tập trung thực hiện khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến tạo sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

291120231000-z4927799032127_c26c100047bac506a57720bea9d06ca3.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phóng viên: Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XV vừa bế mạc sau 22,5 ngày làm việc. Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết những kết quả nổi bật của Kỳ họp này?.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Sau 22,5 ngày làm việc, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự. Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, rất hệ trọng trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung thảo luận, xem xét kỹ lưỡng từng nội dung. Các nội dung được thông qua hay một số nội dung chưa được thông qua thì đều đạt sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội.

Rất nhiều con số ấn tượng, phản ánh sinh động không khí làm việc của Quốc hội và kết quả Kỳ họp như: đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 39 lượt đại biểu tranh luận...

Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần thứ 3 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Quốc hội cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phóng viên: Trước thềm Kỳ họp thứ 6, ông từng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng tốc xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện quyết liệt các giải pháp “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ và khẩn trương kiến tạo các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và bất định. Nhìn lại những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo ông đã thể hiện yêu cầu và tinh thần đó như thế nào?.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện quyết liệt các giải pháp “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ và khẩn trương kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là đề cập ở góc độ kinh tế. Nhưng không chỉ như vậy mà rộng hơn là phải khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến tạo sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Đây là nhiệm vụ, là đòi hỏi vừa cấp bách vừa lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta trong bối cảnh thế giới nhiều bất định như hiện nay. Do đó, tất cả các hoạt động, các quyết sách của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về giám sát tối cao đều tập trung thực hiện nhiệm vụ này, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc kỳ họp đã khẳng định, chúng ta đã “đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn”.

Như trong hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tổng thể rà soát toàn diện việc triển khai thực hiện 10 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn và trả lời chất vấn. Có thể nói rằng, tại phiên chất vấn đặc biệt này, những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh... đều đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra, yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình, làm rõ trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, cam kết thực hiện trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.

Qua đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung thực hiện trong từng lĩnh vực để khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến tạo sự phát triển mới.

Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ từng việc trong từng lĩnh vực rất cụ thể; đồng thời yêu cầu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phải thực hiện Nghị quyết và phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các Kỳ họp sau.

Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu giám sát việc thực hiện và kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan không hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong hoạt động lập pháp, lần đầu tiên Quốc hội đã xem xét kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có cuộc tổng rà soát mà cả Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thành lập Tổ công tác, Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng và Tổng công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng, để tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật và đưa nội dung này ra thảo luận công khai tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Qua một số quyết sách cụ thể như vậy để thấy rằng, Quốc hội đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hết sức mình để cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn nữa vì lợi ích của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và vì sự phát triển của đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

291120230927-z4925390774689_66ee0c26b476ad6f163ef228a42755ed.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Xin ông cho biết thêm thông tin về vấn đề này?.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án Luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Qua 3 kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, trong đó, tập trung vào các nội dung về: thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài...

Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội vẫn phải quyết định chưa thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất dự thảo Luật và việc chuẩn bị hoàn thiện đồng bộ các dự thảo nghị định, văn bản quy định chi tiết Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật sau khi được ban hành.

Tương tự với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây cũng là dự án luật khó, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội. Qua 2 kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, hoàn thiện rất nhiều nội dung về: Ngân hàng chính sách; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; bảo mật thông tin; về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, người điều hành; kiểm soát nội bộ; kiểm toán nội bộ…; về hoạt động cấp tín dụng; về tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng, nhất là các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; xử lý ngân hàng yếu kém; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng... Tuy nhiên, đánh giá tổng thể dự thảo Luật so với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, Quốc hội cũng vẫn phải quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, bảo đảm tính phù hợp và tính khả thi trong thực tiễn để hoàn thiện dự thảo luật.

Như vậy, việc điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật này thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội để bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bền vững, đặc biệt là không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Cũng nên xác định đây là điều bình thường trong hoạt động của Quốc hội, không riêng gì hoạt động lập pháp. Chúng ta đã nỗ lực hết sức, đã chủ động với tinh thần từ rất sớm, rất xa trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội nhưng nếu có nội dung nào chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải tiếp tục hoàn thiện chứ không phải là chạy theo tiến độ, dù tiến độ cũng rất quan trọng nhưng chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Phóng viên: Để các quyết sách của Quốc hội khẩn trương vào cuộc sống, theo ông cần lưu ý vấn đề gì?.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Về phần mình, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua; đồng thời đôn đốc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động giám sát việc thực hiện.

Đặc biệt, ngay trong những ngày tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp. Tôi cho rằng, đây là kênh rất quan trọng để các đại biểu thông tin chi tiết hơn với cử tri về những quyết sách của Quốc hội để cử tri nắm bắt sâu sắc hơn các chính sách mới, từ đó chủ động thực hiện và đồng thời cũng sẽ giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước và của cả cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Không gì giám sát chặt chẽ, kịp thời bằng tai mắt của Nhân dân. Chúng ta có những quyết sách đúng đắn rồi, kịp thời rồi nhưng khâu tổ chức thực hiện phải tập trung hơn, quyết liệt hơn và phải phát huy hơn nữa sức mạnh của cử tri và Nhân dân trong giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các quyết sách này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hết sức mình vì lợi ích của nhân dân và vì sự phát triển của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO