(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, Thông tư quy định số dư của quỹ được gửi tại ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng phải đảm bảo an toàn.
Mở tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch Kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại
Theo Thông tư 41/2021/TT-BTC, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.
Quỹ được vận động và tiếp nhận các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin và các loại hình vật chất khác (không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch) của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Được sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân theo nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Y tế; Được mở tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước (KBNN) và ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi bằng đồng Việt Nam của Quỹ để gửi có kỳ hạn tối đa không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 18 Thông tư này nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn.
Thông tư quy định, nguồn thu của Quỹ gồm: Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ, gồm: tiền (tiền Đồng Việt Nam, ngoại tệ), vắc-xin và các loại hình vật chất khác; Lãi tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; Các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Thu chi quỹ đảm bảo công khai, minh bạch
Thông tư này hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư quy định rõ nguyên tắc hoạt động Quỹ, đó là: Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sử dụng con dấu, kinh phí và bộ máy của Kho bạc Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Về nguyên tắc quản lý tài chính Quỹ, Quỹ thực hiện thu, chi, kế toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính của Quỹ theo hướng dẫn tại thông tư này. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Sau khi Quỹ chấm dứt hoạt động và giải thể, số dư của Quỹ (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương để bổ sung nguồn lực mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
Đáng chú ý, thông tư quy định rõ về xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ theo quy định tại Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Công khai quỹ hàng tháng
Một nội dung quan trọng đó là thẩm quyền quyết định chi của Quỹ đã được quy định rõ trong thông tư này. Theo đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 theo quy định.
Căn cứ các nội dung chi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế lập hồ sơ đề nghị xuất Quỹ để chi theo quy định. Hồ sơ đề nghị xuất Quỹ bao gồm: văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung chi từ Quỹ; văn bản đề nghị của Bộ Y tế về việc chi từ Quỹ (trong đó nêu rõ: nội dung chi; số tiền; tên đơn vị nhận tiền, địa chỉ, số tài khoản, tên ngân hàng).
Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ Quỹ để mua, nhập khẩu vắc-xin, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước; quản lý, sử dụng vắc-xin đã mua, nhập khẩu và vắc-xin đã tiếp nhận từ các nhà tài trợ theo đúng quy định.
Để thực hiện công khai, minh bạch nguồn Quỹ này, thông tư đã quy định về báo cáo tài chính Quỹ. Cuối kỳ kế toán (tháng, 6 tháng, năm), phải lập và gửi báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính. Thời hạn gửi báo cáo tháng và 6 tháng chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, 6 tháng. Thời hạn gửi báo cáo năm chậm nhất vào ngày 15 /1 của năm sau.
Khi kết thúc hoạt động, Ban quản lý phải lập báo cáo quyết toán Quỹ, gửi Bộ Tài chính phê duyệt theo quy định. Ngoài ra còn phải lập báo cáo trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn gửi báo cáo quyết toán chậm nhất sau 3 tháng kể từ ngày kết thúc hoạt động của Quỹ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bộ Tài chính có trách nhiệm định kỳ 6 tháng tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thu, chi tài chính Quỹ. Căn cứ báo cáo quyết toán của Quỹ, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Quốc hội trong các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Ban quản lý có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính quỹ hàng tháng, 6 tháng, năm và báo cáo quyết toán theo các mẫu biểu tại Phụ lục kèm theo thông tư này.
Nội dung công khai bao gồm: Số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại. Thời điểm công khai báo cáo tháng, 6 tháng chậm nhất sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng, 6 tháng; công khai báo cáo năm chậm nhất ngày 31 của tháng 1 năm sau và báo cáo quyết toán chậm nhất 30 ngày sau khi báo cáo được Bộ Tài chính phê duyệt.
Việc công khai của Quỹ được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 2/6/2021.
Đã có trên 124,6 nghìn cá nhân và gần 1.000 tổ chức ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ban Quản lý quỹ vắc xin phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 4/6/2021 đã có 950 tổ chức và 124.600 cá nhân ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Trong số 950 tổ chức ủng hộ Quỹ, có 125 tổ chức ủng hộ Quỹ với số tiền gần 225 tỷ đồng (224.798.545.000 đồng). Mức ủng hộ của các tổ chức này từ 100 triệu đồng đến 50 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP tập đoàn Hòa Phát ủng hộ số tiền 50 tỷ đồng. Tập đoàn Bảo Việt Nhân thọ ủng hộ 30 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam ủng hộ số tiền 23,2 tỷ đồng; 20 tỷ đồng là số tiền mà Công ty CP tập đoàn Đất xanh và Công ty CP VNG ủng hộ Quỹ. Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã đóng góp số tiền 5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ. Ngoài các tổ chức, đã có 124.600 cá nhân đóng góp, ủng hộ quỹ. Trong đó có 1954 cá nhân đóng góp vào quỹ với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên. Riêng gia đình cháu Nguyễn Bình An ủng hộ Quỹ với số tiền 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đóng góp vào quỹ của 1954 cá nhân này là trên 26,4 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý Quỹ Vaccine phòng COVID-19, đến 16h ngày 4/6, Quỹ Vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận được hơn 264,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ cũng đã tiếp nhận được hơn 8.700 USD và hơn 2.700 EUR. Cho đến nay, ngoài hình thức quyên góp qua tài khoản được công bố công khai, người dân cũng có thể giam gia ủng hộ qua hình thức nhắn tin theo cú pháp, soạn: COVID NK gửi 1408. Trong đó, N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2.000, K thể hiện đơn vị nghìn đồng. Mỗi tin nhắn được gửi đi, người nhắn đã đóng góp số tiền 1.000 đồng nhân N lần. |