Rủi ro “chạy cửa sau” để giải chấp sổ đỏ

Bùi Trang| 30/06/2021 07:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh doanh khó khăn, không trả được nợ, chủ một doanh nghiệp tư nhân đã nhờ một cá nhân lo giúp việc giải chấp mảnh đất 8.887 m2. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp mất tiền "oan" mà không giải quyết được khoản nợ.

 

Được biết, ông Đỗ Quang N. (SN 1954) là chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Đạt. Do cần vốn kinh doanh nên từ năm 2009-2013, ông N. đã thế chấp thửa đất nông nghiệp và tài sản trên đất, diện tích 8.887,4m2 tại thôn Nghĩa Hào, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, để vay vốn Ngân hàng A. số tiền 27,9 tỷ đồng.

Đến năm 2015, dư nợ khoản vay trên là 19,6 tỷ đồng. Từ năm 2015, ông N. không có khả năng thanh toán khoản vay nên ngân hàng chuyển sang nợ xấu và bán cho Công ty Quản lý tài sản – VAMC.

Khoảng tháng 3/2018, thông qua một số cá nhân, ông N. biết và gặp Lê Tuấn (SN 1981, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lê Tuấn giới thiệu bản thân làm ở Hội sở Ngân hàng A., có thể giải quyết được khoản nợ xấu trên với chi phí 6 tỷ đồng. Tuấn cam kết trong vòng 3 tháng sẽ giải quyết dứt điểm khoản nợ xấu của ông N. và rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông N.

Tin lời Lê Tuấn, ông N. đồng ý nhờ Tuấn giúp. Ngày 2/4/2018, hai bên viết giấy thỏa thuận, Tuấn cam kết đến ngày 30/7/2018 sẽ giải quyết dứt điểm khoản nợ xấu. Từ ngày 2-23/4/2018, ông N. giao cho Tuấn 1 tỷ đồng. Đến tháng 6/2018, Tuấn tiếp tục yêu cầu ông N. chuyển thêm 720 triệu đồng để làm thủ tục sang tên một phần thửa đất trên.

Hết thời hạn cam kết trên, thấy mọi việc không có tiến triển. Ông N. yêu cầu Tuấn trả lại tiền. Tuấn trả lại 500 triệu đồng, còn chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng. Qua xác minh, từ năm 2015-2017, Tuấn làm nhân viên kế toán Ngân hàng A. - Chi nhánh huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đến ngày 8/12/2017, Tuấn nghỉ việc.

Với hành vi trên, Lê Tuấn đã bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo khai đã đến VAMC, UBND TP. Hà Nội, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để giải quyết công việc. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra xác minh không có cá nhân, tổ chức nào đến nộp hồ sơ để giải quyết khoản nợ xấu trên.

Vụ việc cho thấy doanh nghiệp, cá nhân cần hết sức thận trọng khi "nhờ" giải chấp sổ đỏ vì nợ quá hạn, cần làm rõ cá nhân nhận làm "dịch vụ" có chức năng, nhiệm vụ, có đủ khả năng giải quyết món nợ xấu hay không, tránh trường hợp tiền mất mà nợ vẫn còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rủi ro “chạy cửa sau” để giải chấp sổ đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO