Ngày 15/6, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn nhằm giảm chi phí đi vay do doanh số bán bất động sản và sản xuất công nghiệp suy yếu, trong khi tình trạng thất nghiệp của thanh niên ngày càng sâu sắc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố cắt giảm lãi suất đối với công cụ cho vay trung hạn thêm 10 điểm cơ bản, từ mức 2,75% xuống 2,65%.
Lần gần đây nhất PBOC giảm loại lãi suất này là vào tháng 8 năm ngoái sau khi lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng do COVID-19 ở Thượng Hải gây thiệt hại cho nền kinh tế. Động thái giảm lãi suất cho vay trung hạn này đã được các nhà kinh tế dự đoán rộng rãi sau khi PBOC hạ lãi suất repo đảo ngược 7 ngày – một loại lãi suất chủ chốt sử dụng khi cấp thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng - xuống 1,90% từ 2,00% vài ngày trước đó.
Việc cắt giảm lãi suất được đưa ra khi dữ liệu mới cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 3,5% trong tháng 5, giảm so với mức tăng 5,6% trong tháng 4. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 tăng 12,7%, cũng đánh dấu sự chậm lại so với mức 18,4% của tháng trước.
"Việc điều chỉnh cơ cấu trong nước có áp lực ngày càng lớn và nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, ám chỉ đến môi trường quốc tế "vẫn còn phức tạp và khắc nghiệt".
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt mức tăng trưởng 4,5% trong quý II/2023, tốt hơn mong đợi trong quý đầu tiên. Nhưng hoạt động của các nhà máy trì trệ và tình hình ngoại thương yếu đi đã gây lo ngại trong những tháng gần đây trong khi suy thoái trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ. Trung Quốc cũng phải đối mặt với thách thức về tình hình việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng từ 20,4% trong tháng 4 lên 20,8% vào cuối tháng 5.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong 5 tháng đầu năm, đầu tư bất động sản đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán bất động sản theo khu vực trong cùng kỳ giảm 0,9%, trong khi diện tích nhà ở chưa bán tăng 15,9% lên 310 triệu mét vuông. Con số đó tương đương với 2,7 triệu đơn vị nhà ở, dựa trên diện tích nhà ở trung bình của Trung Quốc là 111,18 mét vuông.
Tăng trưởng giá nhà mới trên 70 thành phố lớn đã giảm xuống 0,1% trên cơ sở hàng tháng trong tháng 5, so với 0,4% trong tháng 4, do nhu cầu yếu hơn.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan về nhà ở dường như đặc biệt gay gắt ở các thành phố nhỏ, chẳng hạn như Từ Châu ở phía đông, khi nguồn thu của chính quyền địa phương phần lớn là từ việc bán quyền sử dụng đất để phát triển bất động sản.
Capital Economics cho biết: “Có lẽ cần phải có thêm hỗ trợ chính sách để ngăn nền kinh tế bước vào một đợt suy thoái mới”.
Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng nhẹ lên 0,2% trong tháng 5 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm 3%, điều này cũng báo hiệu cần sự can thiệp chính sách hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng.
"Sẽ cần nới lỏng nhiều hơn, và mặc dù có vẻ như có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới, có lẽ sẽ cần đến các biện pháp tài chính có mục tiêu nhiều hơn", Robert Carnell, người đứng đầu khu vực của nghiên cứu về Châu Á-Thái Bình Dương tại ING Research nhận định.
(Nguồn: Nikkei Asia)