Các Hiệp hội ngành, nghề

Sự bội tín trong thương mại và điều kiện thanh khoản làm khó doanh nghiệp ngành hàng cà phê

Nguyễn Huyền 03/05/2024 - 16:48

Giá cà phê tăng mạnh khiến ngành hàng này đã bộc lộ 2 yếu điểm lớn, đó là sự "bội tín" trong giao dịch và ở lĩnh vực tài chính. Điều này gây bất lợi lớn nhất vì đây là thời điểm thu hoạch rộ cà phê doanh nghiệp rất cần tiền để mua hàng.

gia-ca-phe.jpg
Ảnh minh họa

Những biến động giá làm tăng sự "bội tín" trong chuỗi cung ứng cà phê

Ngày lễ 30/4, giá cà phê trong nước tăng 200 đồng/kg, đạt đỉnh mới ở mức 134.400 đồng/kg tại Đắk Nông, còn tại Đắk Lắk, Gia Lai cùng mức giá 134.200 đồng/kg, Lâm Đồng 133.700 đồng/kg.

2 ngày đầu tháng 5/2024, giá cà phê đồng loạt giảm 1.200 đồng/kg và 1.500 đồng/kg. Ngày 3/5, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm mạnh 12.500 đồng/kg so với ngày hôm trước, giao dịch trung bình ở mức 118.100 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 118.200 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong 3 ngày đầu tháng 5/2024, giá cà phê giảm đến 15.200 đồng/kg, mặc dù giá cà phê giảm nhưng vẫn còn cao rất nhiều so với trước đây và lượng cà phê trong dân còn rất ít.

Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, ngành cà phê đang gặp một số thách thức lớn đó là những biến động về giá. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm người nông dân trồng cà phê có được lợi ích tốt nhất nhờ mức giá cao kỷ lục mà so với trước đây biến động thường trong khoảng từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng năm nay đã tăng hơn gấp đôi.

Tuy nhiên, những biến động tăng về giá đã phát sinh một số vấn đề, đó là sự "bội tín" trong việc thực thi các hợp đồng thương mại với các đối tác liên quan, vào thời điểm ký và giao hàng cho đến thời điểm thanh khoản đã xảy ra hàng loạt các vấn đề liên quan trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, hiệp hội tổ chức một phiên thảo luận và ở đó Vicofa đã trình bày những thách thức và đánh giá các thực trạng, bên cạnh đó chia sẻ những khó khăn của việc thực hiện hợp đồng.

“Đứng về mặt luật pháp thì ngành hàng cần phải hoàn thiện hơn nữa những điều kiện bồi thường hợp đồng, nhưng không chỉ đơn thuần bồi thường ở mức giá mà phải bồi thường doanh thu hay một phương thức nào đó, để bảo đảm hợp đồng được thực thi cho dù đó là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn hay các nhà cung ứng nhỏ và thông thường thì việc hủy hợp đồng lại xảy ra ở các nhà cung ứng nhỏ. Về mặt chính quyền địa phương, sau khi nhận được phản hồi của doanh nghiệp họ cũng đã hỗ trợ để bảo đảm thực thi các quyền lợi liên quan, nhưng vấn đề này đặt ra và cũng là bài học cho hiệp hội”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Điều kiện thanh khoản “rơi” vào thời gian khoảng 31/12, gây khó cho doanh nghiệp

Đối với lĩnh vực tài chính, đứng về góc độ thương mại Vicofa đề nghị Bộ Công Thương cần có những chính sách quốc gia, vì với ngành nông sản thì cơ chế tài chính của Việt Nam và điều kiện thanh khoản “rơi” vào thời gian khoảng ngày 31/12 và có những bước bắt buộc khi ngân hàng yêu cầu phải thu hồi xong các khoản vay cũ rồi mới tiến hành cho vay mới. Đây cũng là thời điểm thu hoạch rộ vụ cà phê mới nguồn cung hàng hóa ra thị trường dồi dào, là lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần lượng tiền mặt để mua được hàng nhiều nhất, nhưng buộc phải trả nợ vay xong mới được vay mới.

Theo ông Tuấn, việc này vô tình tạo nên một khoảng trống trên thị trường khi lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường dồi dào nhưng tài chính của doanh nghiệp không đủ đáp ứng. Nên chăng nghiên cứu một cơ chế nào đó để hỗ trợ cho các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản nói chung và cà phê nói riêng, vì đây là ngành hàng đặc thù ở lúc cao điểm cần một lượng tiền rất lớn.

Sắp tới, hòa vào bối cảnh giảm thiểu phát thải khí carbon và các quy định của EU về EUDR thì thông tin của từng thị trường, từng quốc gia sẽ khác nhau, do vậy Vicofa rất mong thương vụ ở các nước chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa, bao gồm chính sách và các cơ hội thậm chí các chương trình, dự án mà ở đó xúc tiến thương mại không chỉ thuần túy là một đơn hàng mà có những chương trình viện trợ, các chương trình, dự án xúc tiến ở cấp độ hai quốc gia, như vậy sẽ giúp hình ảnh của ngành hàng rất thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam, Vicofa sẽ xây dựng một quy chế chất lượng mới khác với trước đây, đó là lấy tiêu chuẩn của sàn giao dịch Luân Đôn và New York làm tiêu chuẩn chất lượng của cà phê Việt Nam để bảo đảm được tính liên thông trong việc thanh khoản và luân chuyển hàng hóa ở cấp độ toàn cầu.

“Nếu trước đây chỉ làm ở cấp độ quốc gia thì nay phải hình dung Việt Nam đang trở thành một nguồn cung cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Do vậy, các hệ thống tiêu chuẩn của cà phê Việt Nam phải tương thích và phải được quốc tế công nhận là tiêu chuẩn thương mại toàn cầu. Tiêu chuẩn chất lượng không chỉ lấy tiêu chuẩn của sàn giao dịch Luân Đôn và New York làm cơ sở về cách tính lỗi và một số lỗi mà nó còn bảo đảm được các quy định về chống phá rừng, quyền phụ nữ và trẻ em”, ông Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự bội tín trong thương mại và điều kiện thanh khoản làm khó doanh nghiệp ngành hàng cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO