Nghiên cứu - Trao đổi

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thanh Cai 15/08/2024 - 07:47

Bài viết nghiên cứu mối quan hệ tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế (qua tăng trưởng GDP) ở Việt Nam trong giai đoạn 1991-2020 bằng phương pháp định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, FDI có quan hệ đồng biến với GDP và tác động đến GDP ở mức thấp, các biến độc lập FDI giải thích được 20 % sự biến động của biến phụ thuộc GDP.

Tóm tắt: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. FDI làm gia tăng vốn đầu tư xã hội, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại, khi nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện và động lực thu hút và hấp thu vốn FDI. Bài viết nghiên cứu mối quan hệ tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế (qua tăng trưởng GDP) ở Việt Nam trong giai đoạn 1991-2020 bằng phương pháp định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, FDI có quan hệ đồng biến với GDP và tác động đến GDP ở mức thấp, các biến độc lập FDI giải thích được 20 % sự biến động của biến phụ thuộc GDP.

The impact of foreign direct investment on economic growth in Vietnam

Abstract: Foreign direct investment (FDI) and economic growth have close relationship with each other and interact with each other. FDI increases social investment capital, thereby promoting economic growth. In reverse, when the economy develops, it will create conditions and motivations to attract and absorb FDI. The article studies the interrelated relationship of FDI on economic growth (through GDP growth) in Vietnam in the period 1991-2020 by qualitative and quantitative methods. The research results show that, in the past time, FDI has a positive relationship with GDP and has a low impact on GDP economic growth, the independent variables FDI explains 20% of the variation of the GDP dependent variable.

1. TỔNG QUAN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA FDI VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm đạt được những lợi ích của một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác nền kinh tế nước chủ đầu tư, mục đích của chủ đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận và giành quyền quản lý thực sự doanh nghiệp.

- Đặc điểm của FDI

FDI có những đặc điểm chủ yếu sau:

[i] Mục đích của các nhà đầu tư FDI là tìm kiếm lợi nhuận và các lợi ích vô hình khác;

[ii] Đối với hình thức liên doanh và hợp tác đầu tư, nhà đầu tư FDI phải đóng góp một số lượng vốn tối thiểu theo quy định của từng quốc gia, sự phân chia lợi nhuận và quyền quản lý doanh nghiệp liên doanh phụ thuộc vào mức độ đóng góp vốn;

[iii] Nhà đầu tư FDI có quyền tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi; không bị chi phối bởi những ràng buộc về chính trị và những ràng buộc khác;

[iv] FDI không chỉ gắn liền với di chuyển vốn mà còn gắn liền với chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm quản lý và tạo ra thị trường mới cho cả phía đầu tư và phía nhận đầu tư;

[v] FDI trong thời đại ngày nay thường gắn liền với các hoạt động kinh doanh quốc tế của các Công ty đa Quốc gia (MNC).

- Các yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế

+ Môi trường thể chế kinh tế

Thể chế kinh tế bao gồm hệ thống pháp luật kinh tế và cơ chế chính sách quản lý điều hành kinh tế của quốc gia. Hệ thống pháp luật kinh tế minh bạch, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế là nhân tố quan trọng để thu hút FDI. Cùng với đó, các quốc gia có cơ chế quản lý điều hành kinh tế thông thoáng, có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hợp lý… sẽ có tác động rất lớn đến các nhà đầu tư FDI vào đất nước đó.

+ Trình độ giáo dục

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh đã nhấn mạnh vai trò của vốn con người (Human Capital) lên tăng trưởng kinh tế, thường được đo lường bằng trình độ giáo dục. Trình độ giáo dục cao sản sinh ra một đội ngũ quản lý giỏi, thích ứng với nền kinh tế hiện đại; tạo ra một đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao, có ý thức kỷ luật tốt, thích ứng với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại với năng suất lao động cao, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, nhân tố giáo dục luôn được xem xét đến trong các nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng, ở cả góc độ vi mô lẫn vĩ mô.

+ Chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội

Cơ sở hạ tầng kinh tế gồm có hệ thống đường sá, giao thông vận tải, thủy lợi, cấp thoát nước, sân bay, bến cảng… Cơ sở hạ tầng xã hội là các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, các công trình công cộng. Cơ sở hạ tầng được thiết kế tốt sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, gia tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô, giảm chi phí trong thương mại trao đổi hàng hóa, do đó là một nhân tố quan trọng khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh tại một quốc gia.

+ Quá trình đô thị hóa

Các thị xã, thành phố, khu đô thị lớn thường sẽ có nhiều thuận lợi cho việc hấp thụ nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như ngoài nước vì thị trường tiêu thụ rộng lớn, cấu trúc dân số đa dạng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nguồn lao động chất lượng cao, khả năng thích nghi văn hóa mới và quan trọng là dễ dàng tiếp cận với các kênh giao tiếp chính trị, đảm bảo an ninh, an toàn hơn. Các nhà đầu tư FDI có vẻ thích những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao, vì vậy các khu vực đô thị và lân cận sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư kinh doanh.

+ Tính ổn định kinh tế vĩ mô

Những chỉ báo về ổn kinh tế vĩ mô thường được dùng là lạm phát vừa phải, tỷ lệ nợ công và nước ngoài ở mức an toàn, thâm hụt ngân sách ở mức thấp so với GDP, lãi suất và tỷ giá ổn định. . . là những nhân tố thể hiện tính ổn định của kinh tế vĩ mô của quốc gia. Đó là nhân tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài FDI, tạo điều kiện thuận lợi giúp nhà đầu tư chủ động xây dựng và thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh một cách ổn định và lâu dài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Quốc gia có sự ổn định kinh tế càng cao thì càng có khả năng thu hút được đầu tư nhiều hơn và do đó lợi ích nhận được từ FDI cũng sẽ tăng lên.

- Những tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế

+ FDI bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, góp phần làm tăng thu ngân sách quốc gia và tăng nguồn hàng xuất khẩu.

Vốn FDI là dòng vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư vào trong nước, bổ sung thêm vào nguồn vốn đầu tư xã hội như một phép cộng đương nhiên, nhằm đầu tư xây dựng các tập đoàn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn xuyên quốc gia, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh với quy mô ngày càng lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp FDI sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, chiếm trên 70% sản lượng hàng năm, do đó góp phần đáng kể vào nguồn hàng xuất khẩu của quốc gia.

+ FDI chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước đầu tư sang nước tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước, tăng năng suất lao động xã hội.

Phần lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đều áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của thế giới, đặc biệt là trong một số ngành như: Điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học...Điều đó tạo ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận, học tập và tác động lan tỏa công nghệ, góp phần nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt Nam, tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước, từ đó thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước, tăng năng suất lao động xã hội.

+FDI là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực ở nước nhận đầu tư.

Sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và một số ngành công nghiệp khác, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao trong nền kinh tế. Từ đó, FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công-nông nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu.

+FDI giúp nước nhận đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, kết quả Điều tra Lao động – Việc làm quý I/2019, khu vực doanh nghiệp FDI tạo công ăn việc làm cho 3,8 triệu người lao, chiếm trên 15% trong tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI. Với việc áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, công nghệ sản xuất hiện đại, các doanh nghiệp FDI đào tạo nhân lực trong nội bộ doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

-Những tác động tiêu cực của FDI hạn chế tăng trưởng kinh tế

+ Từ khi tiếp nhận FDI, đất nước phải đối mặt với nhiều phức tạp trong môi trường mới về chính trị-kinh tế-xã hội, xung đột lợi ích, hay đơn thuần là những tranh chấp nội bộ, mâu thuẫn về những khác biệt trong tư duy truyền thống của dân tộc và tư duy mới du nhập từ nước ngoài.

+ Trong quá trình thu hút FDI, các chính sách trong nước có thể bị thay đổi bởi vì khi đưa ra yêu cầu đầu tư, các nhà đầu tư FDI thường có các biện pháp vận động Nhà nước theo hướng có lợi cho mình.

+ Mục đích của các nhà đầu tư FDI là vì lợi ích trước mắt, ít chú trọng đến lợi ích lâu dài, vì vậy, nếu không quy hoạch sử dụng tài nguyên một cách hợp lý thì dễ dẫn đến tình trạng tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường. Những tác động tiêu cực tiêu biểu bao gồm suy thoái nguồn nước, suy thoái và xói mòn đất, gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí, đồng thời gây áp lực lên đa dạng sinh học.

+ Mục đích của các nhà đầu tư FDI là tìm kiếm lợi nhuận, càng cao càng tốt, vì vậy, nếu không quản lý hoạt động FDI một cách chặt chẽ theo thông lệ quốc tế thì dễ dẫn đến tình trạng FDI thao túng, trốn thuế, chuyển giá, lũng đoạn thị trường trong nước và gây thất thoát nguồn thu nhập của quốc gia.

- Khái quát các nghiên cứu về tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế

Có khá nhiều công trình nghiên cứu về tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế, có thể đề cập đến một số kết quả tiêu biểu sau:

(i). Nghiên cứu của Nguyễn Phi Lân (2007): “ở 61 tỉnh thành của Việt Nam trong giai đoạn 1996-2005, FDI có mối quan hệ hai chiều và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế”[1];

(ii). Nghiên cứu của Khaliq, A. & Noy, I. (2007): “tại Indonesia trong giai đoạn 1997-2006, ở mức độ tổng thể, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi tính đến hiệu suất tăng trưởng bình quân khác nhau giữa các ngành, tác động có lợi của FDI không còn rõ ràng”[2];

(iii). Nghiên cứu của Behname, M. (2012): “đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động tích cực và đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Á trong giai đoạn 1977-2009”[3];

(iv). Nghiên cứu của Mehic E. và cộng sự (2013): “ở 7 quốc gia Đông Nam châu Âu trong giai đoạn 1998-2007, FDI có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế và có ý nghĩa thống kê”[4];

(v). Nghiên cứu của Liming Hong (2014): “trong giai đoạn 1994-2010 ở Trung Quốc, FDI có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế”[5];

(vi). Nghiên cứu của Nguyễn Minh Kiều và cộng sự (2016): “ở các quốc gia ASEAN từ 1995 – 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” [6];

(vii). Nghiên cứu của Nguyễn Anh Tú (2017): “ở Việt Nam, trong giai đoạn 1985-2015, FDI có tác động qua lại với GDP và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong cả ngắn hạn và dài hạn một cách rõ nét”[7];

(viii). Nghiên cứu của Lê Tài Thu (2021): “ở Việt Nam trong giai đoạn 1995 -2019, FDI tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, mạnh nhất vào trung hạn và giảm dần về dài hạn” [8].

2. DIỄN BIẾN TĂNG TRƯỞNG FDI VÀ GDP GIAI ĐOẠN 1991-2020

- Quy mô đầu tư FDI giai đoạn 1991-2020

Từ năm 1987, Việt Nam khởi đầu việc thu hút FDI, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý FDI, xác lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Nhờ vậy, hoạt động đầu tư FDI ngày càng phát triển sâu rộng, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án ngày càng tăng, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; nâng cao năng lực sản xuất; gia tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Sau hơn 30 năm, khu vực kinh tế có FDI đã phát triển nhanh chóng, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Quy mô thực hiện FDI giai đoạn 1991-2020 thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1: Thực hiện FDI giai đoạn 1991-2020
Đơn vị: Triệu USD

tacdong-1.jpg
Nguồn: Tổng Cục Thống Kê

Qua Bảng 1 cho thấy, quy mô FDI có xu hướng gia tăng hằng năm. Trong 30 năm qua, vốn FDI vào Việt Nam với số vốn lên đến 231.452 triệu USD, bình quân hằng năm 7.725,1 triệu USD, chiếm khoảng 22 % trong tổng vốn đầu tư xã hội.

- Cơ cấu đầu tư FDI phân theo ngành kinh tế

Bảng 2: Đầu tư FDI được cấp giấy phép tại Việt Nam phân theo ngành
( Còn giá trị thực hiện, lũy kế tính đến 31/12/2020)

tacdong-2.jpg
Nguồn: Tổng Cục Thống Kê và tính toán của tác giả

Cơ cấu vốn FDI giai đoạn 1991-2020 phân theo ngành kinh tế có giá trị thực hiện lũy kế đến ngày 31/12/2020 được thể hiện ở Bảng 2. Qua Bảng 2 cho thấy, vốn FDI được đầu tư vào 18 ngành nghề sản xuất và dịch vụ trong cả nước. Quy mô vốn FDI chủ yếu được tập trung vào ngành công nghiệp (chủ yếu là lắp ráp, gia công hàng tiêu dùng và xuất khẩu), khai khoáng, điện, khí đốt, điều hòa không khí,... chiếm tỷ trọng 67,86% trong tổng vốn đăng ký. Thứ hai là đầu tư kinh doanh bất động sản, chiếm tỷ trọng 15,62% trong tổng vốn đăng ký. Thứ ba là thương mại, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống, chiếm tỷ trọng 5,44% trong tổng vốn đăng ký. Cuối cùng là các ngành còn lại khác, mỗi ngành chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, trong khoảng từ 0,16 % đến 1,5 % trong tổng số vốn đăng ký, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục, y tế chỉ chiếm 1,66%.

Với cơ cấu FDI theo ngành nghề nêu trên cho thấy, FDI chủ yếu đầu tư vào lắp ráp, gia công hàng tiêu dùng và xuất khẩu, khai khoáng, kinh doanh bất động sản... nên có giá trị gia tăng thấp, từ đó mức độ đóng góp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có những hạn chế nhất định.

- Mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng GDP

FDI và tăng trưởng GDP có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. FDI gia tăng vốn đầu tư xã hội, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, khi nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện và động lực thu hút và hấp thu vốn FDI. Tuy vậy, trong ngắn hạn, sự tác động qua lại giữa FDI và GDP thường không theo những quy luật nói trên, bởi vì từ khi đầu tư đến khi sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ bao giờ cũng có những độ trễ nhất định.

Bảng 3: Tăng trưởng FDI và GDP giai đoạn 1991-2020
Đơn vị: % so năm trước

tacdong-3.jpg
Nguồn: Tổng Cục Thống Kê và tính toán của tác giả

Qua Bảng 3 và Biểu đồ 1 cho thấy, trong giai đoạn 1991-2020, tăng trưởng FDI có tính “khập khiễng”, không ổn định trong suốt cả giai đoạn, có nhiều năm tăng trưởng dương khá cao (như: năm 1991 tăng 94,38%, năm 1994 tăng 100,%, năm 2007 tăng 95,93%, năm 2008 tăng 43,14%...), ngược lại có nhiều năm tăng trưởng FDI khá thấp, thậm chí tăng trưởng âm (như: năm 1998 tăng trưởng âm -0,28, năm 2000 âm -0,05, năm 2001 âm -0,07, năm 2009 âm -0,13...). Trong khi đó, tăng trưởng GDP có nhịp độ khá ổn định, nếu loại trừ năm 2020 tăng trưởng GDP chỉ có 2,91% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID, thì trong suốt giai đoạn 1991-2019, GDP có mức độ dao động tăng trưởng từ 4,8 % (1999) đến 9,5% (1995). Mức tăng trưởng giai đoạn 1991-2020 bình quân GDP hàng năm là 7,025 %/năm.

Biểu đồ 1: Tăng trưởng FDI và GDP giai đoạn 1991-2020 (% năm)

tacdong-4.jpg
Nguồn: Tổng Cục Thống Kê – Số liệu bảng 3

Như vậy, trong giai đoạn vừa qua, tăng trưởng FDI hằng năm không ổn định, dao động lớn, từ âm -0,28 % đến dương +100,50%, nhưng tăng trưởng GDP vẫn tăng trưởng ổn định với mức bình quân hàng năm là 7,025 %/năm. Trong nhiều năm, tăng trưởng FDI rất lớn, nhưng GDP vẫn tăng trưởng không tương xứng. Ngược lại, có nhiều năm FDI giảm sút rõ rệt, liên tục tăng trưởng âm rất lớn, nhưng tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao (như năm 2000-2004). Điều đó cho thấy, FDI ít ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong giai đoạn vừa qua.

3. NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA FDI ĐẾN GDP THỜI KỲ 1991-2020 BẰNG PHƯƠNG PHÁP KINH TẾ LƯỢNG

- Phương pháp nghiên cứu:

Xác định mối tương quan, tác động của FDI đến GDP thời kỳ 1991-2020 bằng mô hình kinh tế lượng. Sử dụng dữ liệu nghiên cứu ở bảng 3, dùng phương pháp bình phương bé nhất (OLS), phân tích hồi quy với phần mềm Eviews.

Tác động của đầu tư vốn FDI đến tăng trưởng GDP là 1 hàm số có dạng như sau:

Y = f (x) = ax + k

Trong đó : Y là tăng trưởng GDP ; x là tăng trưởng FDI; k là một hằng số

Đồ thị biểu hiện mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và FDI.

tacdong-6.jpg
Nguồn dữ liệu: Bảng 3

Qua đồ thị trên cho thấy, tăng trưởng GDP có mối tương quan đồng biến với tăng trưởng FDI.

- Mô hình phân tích hồi quy và các kết quả chủ yếu

Phân tích mối tương quan giữa 2 biến FDI và GDP, nhằm đánh giá mối quan hệ tác động của FDI đến GDP. Sử dụng dữ liệu ở bảng 3, dùng phương pháp bình quân bé nhất (Least Squares) trên Eviews cho ta cho các kết quả sau:

tacdong-7.jpg

Với kết quả trên, Eviews cho ta phương trình hồi quy sau:

GDP = 0,022931 * FDI + 6,583222

Mô hình trên thể hiện mối quan hệ đồng biến giữa FDI và GDP. Cụ thể là, khi các điều kiện khác không đổi, nếu FDI bằng 0 (không tăng) thì tăng trưởng GDP là 6,58%/năm; nếu FDI tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm 0,0229%. Ngược lại, nếu FDI giảm đi 1% thì GDP giảm đi 0,0229%

Với giá trị R2 = 0,20, tức là các biến độc lập FDI giải thích được 20% sự biến động của biến phụ thuộc GDP. Phần còn lại 80% được giải thích bởi các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Như vậy, trong thời gian qua, FDI tác động đến GDP ở mức thấp.

- Kết quả và nhận xét chung

Qua phân tích phương trình hồi quy bằng phương pháp OLS với phần mềm Eviews về tác động của FDI đến GDP trong giai đoạn 1991 – 2020 ở Việt Nam cho thấy, FDI biến động cùng chiều với GDP và tác động đến GDP ở mức thấp. Điều đó là phù hợp với phân tích định tính ở phần 2, FDI biến động không ổn định, chênh lệch mức tăng trưởng FDI qua các năm rất lớn, trong khi GDP tăng trưởng ổn định qua các năm. Hơn nữa, trong giai đoạn 1991-2020, cơ cấu FDI vào các ngành trực tiếp sản xuất chiếm khoảng 80%, có tác động trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhưng tập trung chủ yếu đầu tư vào lắp ráp, gia công hàng tiêu dùng và xuất khẩu, khai khoáng... nên có giá trị gia tăng thấp. Số còn lại khoảng 20% đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản, y tế, giáo dục… không có tác động trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP (Bảng 2). Thực tiễn cũng cho thấy, trong nhiều năm, tăng trưởng FDI âm, nhưng tăng trưởng GDP vẫn ổn định ở mức khá cao (bảng 3).

4. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Qua phân tích, xem xét, đánh giá mối quan hệ tác động giữa FDI và GDP bằng phương pháp định tính và định lượng trong thời kỳ 1991-2020 cho thấy, ảnh hưởng của FDI đến tăng trưởng GDP trong giai đoạn vừa qua ở mức thấp. Tuy nhiên, mối quan hệ tác động đó chỉ mang tính tương đối, vì tăng trưởng GDP còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố quan trọng khác như: Đầu tư công, đầu tư tư nhân, tăng trưởng tín dụng, chuyển giao công nghệ, tăng năng suất lao động xã hội... Ngoài ra, FDI còn đóng góp cho tăng trưởng GDP qua việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất phụ trợ, giải quyết việc làm và tăng nguồn hàng xuất khẩu. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư FDI. Để nâng cao hiệu quả FDI, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới cần xem xét thực hiện một số giải pháp sau đây.

- Thực hiện chính sách thu hút FDI theo hướng ưu tiên tiếp nhận các dự án FDI ứng dụng công nghệ cao, công nghệ cốt lõi, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có tác động đẩy nhanh năng suất lao động xã hội. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo tiền đề để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

FDI không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật sản xuất, phương thức quản lý tiên tiến. Từ đó để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm phong phú và đa dạng mẫu mã hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới… cho nước tiếp nhận đầu tư. Trong trường hợp của Việt Nam, việc chú trọng tiếp thu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới từ nước ngoài là yêu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện chính sách thu hút FDI theo hướng ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ sản xuất cao, công nghệ cốt lõi, công nghệ hiện đại, đồng thời thực hiện chế độ khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ sản xuất và phương thức quản lý tiên tiến cho các doanh nghiệp trong nước trên cơ sở hài hòa lợi ích, đôi bên cùng có lợi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước từng bước phát triển vươn lên ngang tầm với doanh nghiệp FDI.

- Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy, thể chế và chính sách phù hợp với tình hình kinh tế thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút FDI, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản pháp quy có liên quan đến FDI như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn mới và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thu hút và thực hiện FDI. Rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động mới do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine, làn sóng lạm phát tăng mạnh ở nhiều nước trên thế giới... từ đó, để hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút FDI phù hợp với xu hướng và chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các nước phát triển, các công ty đa quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư FDI, đảm bảo sự thống nhất các quy trình, thủ tục tại các địa phương, xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình cấp phép, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư FDI phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế ngành, vùng miền và địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư của từng ngành nghề và từng địa phương, tạo điều kiện để phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút FDI.

Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền, các ngành, các địa phương để rà soát, cập nhật bổ sung các danh mục kêu gọi đầu tư FDI phù hợp với quy hoạch, nhằm khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư FDI. Chính phủ cần quy định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành, lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, cần chọn lọc các dự án FDI thuộc các ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; nông nghiệp công nghệ cao.

Khuyến khích các doanh nghiệp FDI tăng cường kết nối với các doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa liên kết phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư FDI có thể tiếp cận các thông tin cần thiết mà họ quan tâm một cách chính thống, nhanh chóng và chính xác... giúp các nhà đầu tư dễ dàng chọn lựa và quyết định đầu tư.

- Tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư FDI trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...

Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển, kho tàng, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước, hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất... hiện đại sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng trong việc vận chuyển nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm hàng hóa, giao lưu quốc tế, giảm thiểu chi phí lưu thông, hạ giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặt biệt chú trọng thực hiện các chính sách thích hợp nhằm khuyến khích tư nhân, gồm cả doanh nghiệp FDI tham gia tích cực vào đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhằm hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam.

- Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng. Tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về lao động, tiền lương phù hợp trong tình hình mới.

Thời kỳ Việt Nam thu hút FDI với lợi thế lao động phổ thông, giá rẻ đã qua, hiện xu hướng được chuyển sang thu hút FDI vào các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, với hàm lượng chất xám cao, vì vậy cần có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, thích ứng với công nghệ sản xuất hiện đại. Trước những thay đổi này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hệ thống giáo dục đào tạo nghề, phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề trong quá trình đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn FDI. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về lao động, tiền lương đảm bảo khuyến khích, động viên người lao động một cách thỏa đáng trong quá trình học tập, làm việc, nâng cao năng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Nguyễn Phi Lân: “ Tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ”, Tài liệu Hội thảo Kinh tế lượng Khu vực Châu Á Thái Bình Dương 2007 (ESAM-07), https://groups.google.com ;› qhtkqt6.

[2]. Khaliq, A. , Noy, I.: “Foreign Direct Investment and Economic Growth: Empirical Evidence from Sectoral Data in Indonesia”, https://www.economics.hawaii.e...

[3]. Behname, M. : “Foreign Direct Investment and Economic Growth: Evidence from Southern Asia”, Atlantic Review of Economics – 2st Volume – 2012, https://ideas.repec.org/.

[4]. Mehic, E. et all: “The Impact of FDI on Economic Growth: Some Evidence from Southeast Europe”, Emerging Markets Finance and Trade, Vol 49, 2013-Issue sup1, Published online: 07 Dec 2014, https://www.tandfonline.com/

[5]. Liming Hong: “Does and How does FDI Promote the Economic Growth? Evidence from Dynamic Panel Data of Prefecture City in China”, IERI Procedia 6 ( 2014 ) 57 – 62, https://pdf.sciencedirectasset...

[6]. Nguyễn Minh Kiều và cộng sự: “Tác động của FDI và phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế các quốc gia ASEAN giai đoạn 1995-2014”, Tạp chí Khoa học Đại học mở TP.HCM – số 11 (3) 2016, Tr.62-70

[7]. Nguyễn Anh Tú: “Mối quan hệ nhân quả giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam”, Tạp chí Quản lý kinh tế, số 85 (tháng 11+12/2017), Tr.66-74

[8]. Lê Tài Thu: “Sử dụng mô hình VAR phân tích ảnh hưởng của nguồn vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, https://tapchitaichinh.vn/, 29/05/2021

[9]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Kỷ yếu Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới”, ngày 04/10/2018

[10]. Thủ tướng Chính Phủ: “Quyết định phê duyệt chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030”, số 667/QĐ-TTg, ngày 02/6/2022.

[11]. Nguyễn Thị Cành và Trần Hùng Sơn: “Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển và tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Phát triển kinh tế, số tháng 7/2009, tr.2-7.

[12]. Trần Kim Cương: “Các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 26 (36) - Tháng 01 - 02/2016, tr.10-20

[13]. Phạm Thiên Hoàng: “Tầm quan trọng của khu vực FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, ">https://tapchitaichinh.vn/,###... 24/06/2019

[14]. Carkovic, M. và Levine R. : “Does foreign direct investment accelerate economic growth?” University of Minnesota Department of Finance Working Paper, https://papers.ssrn.com/, Posted: 23 Jun 2002

[15]. Baiashvili, T. & Gattini, L. : “Impact of FDI on economic growth: the role of country income levels and institutional strength”, https://www.eib.org/

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO