Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
"Xây tổ"...
Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực không ngừng cải thiện trình độ, năng lực, nâng cao khả năng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. “Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong nước trong công cuộc phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết thêm, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
Chẳng hạn, ngày 9/1, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Đây là cơ hội lớn để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với mục tiêu cụ thể.
Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa.
Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.
“Để đạt được những mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện là xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác”, Thứ trưởng Trần Quốc cho biết.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
"Đón đại bàng"
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức tăng trưởng 6 - 7% trên tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, với mức tập trung lớn nhất là 44% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là những thông tin được đưa ra bởi ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2013 trở lại đây, bất động sản công nghiệp phát triển rất "nóng", vì Luật Đất đai 2013 cho phép nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, thuê hạ tầng của khu công nghiệp, còn dự án bên ngoài khu công nghiệp nhà nước chỉ thu hồi đất một số dự án nhất định để cho nhà đầu tư thuê, nhưng xu hướng đó không nhiều.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, trong xu hướng đầu tư vào Việt Nam, có hơn 60% số vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành này thu hút nguồn vốn lớn tập trung vào các khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, mặt bằng sạch, khả năng cung cấp năng lượng, xử lý nước thải ổn định, có hạ tầng xã hội tiện ích cho người lao động, đây là một lợi thế rất lớn.
Cùng với các nhà đầu tư truyền thống từ khu vực Đông Bắc Á và Singapore, thời gian gần đây, Việt Nam đang đón dòng vốn đầu tư mới dịch chuyển từ khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ vào ngành năng lượng tái tạo và sản xuất chip.
Ông Đỗ Văn Sử cho biết, trước đây top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Bởi vì có một điểm chung là các nhà đầu tư Đông Bắc Á với Việt Nam có sự tương đồng về mặt văn hóa. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần nhau cũng có tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư khu vực này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
"Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip", lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển này, ông Đỗ Văn Sử cho rằng xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia để chia sẻ rủi ro, hay tạm gọi là không muốn bỏ trứng vào một giỏ. Chiến lược Trung Quốc + 1 khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tiếp là Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ. Bên cạnh yếu tố này, còn nhiều yếu tố khác như chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á nổi lên như một “bệ đỡ” trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Đỗ Văn Sử chia sẻ, thời gian tới, Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong 2 năm vừa qua, khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Cùng với các tập đoàn này, có hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng muốn đầu tư vào Việt Nam để sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo.
Nhận định về sự chuyển dịch trong các dự án sản xuất công nghiệp, ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Frasers Property Vietnam cho biết, Việt Nam đang nổi lên nhiều tỉnh thành mới trong thu hút công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện sự chuyển dịch các dự án low-end (cấp thấp) tới các địa bàn công nghiệp mới để hưởng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Tại các trung tâm kinh tế như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… các dự án công nghiệp mới, tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ được ưu tiên.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang có xu hướng thiết lập nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đón đầu sự chuyển dịch của các doanh nghiệp, nhà đầu tư “đại bàng”. Với các doanh nghiệp này, yêu cầu là có nhà máy, cơ sở thật nhanh để lập tức nhận đơn hàng và sản xuất.
Đó cũng là lý do tại sao ngày càng có nhiều hơn những cơ sở hạ tầng cho thuê giúp khách hàng có thể vận hành nhanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để các SME đón được "đại bàng", ông Chong Chee Keong cho rằng, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ các SME.
Ông Chong cũng khẳng định đã nhìn thấy một số động thái của Chính phủ. Ví dụ, đầu năm nay, Chính phủ đã có một khoản ngân sách khá lớn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2023. Các doanh nghiệp FDI đang rất trông đợi và tiến độ thực hiện các dự án này, vì sẽ cải thiện sức cạnh tranh tại các tỉnh, thành phố cấp 2 cũng như tăng cưởng sự thông suốt trong giao thông, kết nối từ tỉnh thành cấp 1 tới cấp 2.
“Chúng ta sẽ thấy sự chuyển mình của các khu công nghiệp đi từ tỉnh thành cấp 1 sang cấp 2, cùng với đó là sự chuyển dịch dân số cũng như chuyển dịch tới các tỉnh thành cấp 3. Chúng tôi vẫn đang quan sát những quy hoạch mới của Chính phủ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa để có những hành động phù hợp với các chính sách mới”, ông Chong Chee Keong cho biết.
Đánh giá về xu hướng thời gian tới, ông Bruno Jaspaert cho rằng, nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon.
Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.