Diễn biến từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng gây ra tác động lên ngành sản xuất.
Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đang kéo lùi tăng trưởng của ngành sản xuất toàn cầu. Không chỉ ngành sản xuất điện thoại thông minh, bán dẫn và hàng điện tử suy giảm, nhu cầu với các sản phẩm máy móc đồng thời yếu đi bởi đầu tư vốn ở mức thấp.
Theo phân tích và tính toán của Nikkei thực hiện với kết quả kinh doanh của khoảng 13.000 doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác trong giai đoạn quý III/2023, tổng thu nhập ròng của nhóm này ước tính khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Tổng lợi nhuận ròng của ngành sản xuất trong quý này ước giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước và như vậy ghi nhận quý giảm thứ 4 liên tiếp.
Nikkei phân tích dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tính đến ngày thứ Tư (8/11), sử dụng dữ liệu từ QUICK and FactSet. Đối với những doanh nghiệp còn chưa công bố kết quả tài chính, các chuyên gia đã sử dụng dự báo thị trường. Ước tính khoảng 13.000 doanh nghiệp được đưa vào tính toán này, chiếm khoảng 90% giá trị vốn hóa thị trường của toàn ngành sản xuất toàn cầu.
9/16 nhóm ngành trên toàn cầu, chủ yếu liên quan đến ngành sản xuất, công bố lợi nhuận suy giảm.
Lợi nhuận của ngành hóa học giảm sâu nhất, mức hạ ghi nhận đến 43%. Lợi nhuận của ngành điện tử giảm 12%. Lĩnh vực máy móc ghi nhận quý giảm lợi nhuận đầu tiên trong 5 quý gần đây, mức giảm 10%.
Trong khi lợi nhuận của ngành phi sản xuất giảm 16%, sự chững lại của Trung Quốc gây ra sức ép lớn lên các doanh nghiệp sản xuất. Lợi nhuận ròng của ước tính khoảng 240 doanh nghiệp sản xuất ngoài Trung Quốc, nơi mà tỷ lệ doanh thu của thị trường Trung Quốc chiếm khoảng từ 30% trở lên được dự báo giảm khoảng 30%.
Việc các doanh nghiệp sản xuất khó khăn càng trở nên rõ ràng hơn nếu so với nhóm doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thấp hơn.
Thu nhập ròng của nhóm doanh nghiệp phụ thuộc từ 10% đến 30% doanh thu vào thị trường Trung Quốc giảm ước tính khoảng 1%. Còn đối với những doanh nghiệp có khoảng hơn 10% doanh thu đến từ Trung Quốc, lợi nhuận ròng tăng khoảng 7%.
Khi mà “công xưởng của thế giới” cần đến ít thiết bị tự động hóa hơn, người lao động mua ít điện thoại thông minh và các sản phẩm khác hơn, rất nhiều ngành đang chịu ảnh hưởng. Doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn lớn của Mỹ bao gồm Texas Instruments và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) công bố lợi nhuận giảm khoảng hơn 20%.
CEO của TSMC - ông CCWei trong cuộc họp vào ngày 19/10/2023 cho biết các khách hàng của doanh nghiệp ông vẫn đang giữ tâm lý thận trọng do tình hình vĩ mô xấu đi và sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc chững lại.
Doanh nghiệp sản xuất các chất hóa học, nền tảng của nhiều ngành sản xuất, đồng thời công bố lợi nhuận sụt giảm. Tại Dow Chemical, lợi nhuận giảm 59%. Tại DuPont, một doanh nghiệp sản xuất chất hóa học lớn khác, lợi nhuận giảm ước tính khoảng 13%.
Đầu tư vốn tại Trung Quốc chững lại, doanh số bán các thiết bị tự động hóa trong các nhà máy đồng thời giảm. Ảnh hưởng từ việc này có thể rõ ràng tại Nhật Bản, nơi mà Fanuc công bố lợi nhuận giảm 20%. Số lượng đơn hàng robot xuất khẩu tại Trung Quốc, chỉ báo quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất robot trên toàn cầu, giảm 35%.
Diễn biến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đồng thời cũng ảnh hưởng đến ngành sản xuất.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm 43% trong năm 2022. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang, Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh giảm hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Italy từng thông báo sẽ tham gia dự án Vành đai & Con đường (BRI) nhưng đến tháng 4/2023 cũng đã thông báo rút khỏi dự án.
Trong khi đó, chính phủ Hà Lan bắt đầu áp dụng biện pháp hạn chế với việc xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn sang Trung Quốc từ tháng 3/2023. Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh chính là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất và mô hình kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước này.
Chính ngành sản xuất đã đóng góp quan trọng mang đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong phần lớn thế kỷ 20. Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ của Trung Quốc trong tổng hàng nhập khẩu vào Mỹ ở mức khoảng 13,3%, giảm so với tỷ lệ 21,6% vào năm 2017, đây là ngưỡng thấp nhất tính từ năm 2003.
Nhiều nước như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Mexico hiện đang cạnh tranh thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp phương Tây thông qua các biện pháp hỗ trợ thuế, giãn thuế và nhiều chương trình hỗ trợ khác.