Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế

Quỳnh Lê - Bùi Trang| 18/10/2022 17:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 18/10, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Cùng tham dự Hội thảo có: bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an...

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có: ông Tạ Quang Đôn, Vụ Trưởng, Vụ Pháp chế; bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Truyền thông; ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC); bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng, Viện chiến lược Ngân hàng; bà Hoàng Huyền Châm, Phó Giám đốc, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội…

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị trong cơ quan thường trực; cùng đại diện các Ủy ban, Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện: các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng, đại diện Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân; đại diện Hội phụ nữ; lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, pháp luật…

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu của Chi nhánh NHNN 63 tỉnh thành và các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ, hoạt động tài chính tiêu dùng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Huy Hoàng

Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Bên cạnh đó, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

“Chúng ta cần tìm kiếm giải pháp nhằm tạo nên môi trường lành mạnh, thuận lợi, hợp lý để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển; đồng thời quán xuyến đến cả những loại hình mà chúng ta đã, đang triển khai trong tập thể hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay; cần có hệ thống đa dạng với nhiều phân khúc khác nhau để cung ứng vốn cho các đối tượng khác nhau với các mức độ khác nhau tại nhiều địa bàn tỉnh, thành phố”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen” như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng; thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; cho vay với lãi suất hợp lý; đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận tín dụng của đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân...

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu - Ảnh: Huy Hoàng

“Kết quả, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng TCTD tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tín dụng tiêu dùng và quy mô dư nợ (trong 5 năm qua, dư nợ tăng 1,8 lần; và tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua). Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010 - 2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%)”, bà Phạm Thị Thanh Tùng nói.

Cũng theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ đầu năm 2022, theo sự phục hồi của kinh tế - xã hội, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng nhanh trở lại và đạt mức cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế (từ 8,17% năm 2010 lên xấp xỉ 20% cuối năm 2021 và ước trên 21% cuối năm 2022), từ đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen theo chủ trương của Chính phủ.

“Tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

Chia sẻ tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua, lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ với 4.941 đối tượng, trong đó: đã khởi tố 1.575 vụ với 3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ, 1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, với 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, với 2.025 bị can; xử phạt hành chính 359 vụ, 485 đối tượng.

Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an phát biểu - Ảnh: Huy Hoàng

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau tác động của dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Các đối tượng tín dụng đen có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống, có sự tham gia của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau.

Ví dụ như vụ việc tại Công ty Newstar trên địa bàn Hà Nội, Công an TP. Hà Nội đã đồng loạt tiến hành bắt, giữ gần 300 đối tượng, các đối tượng tạo lập nhiều App cho vay tiền với lãi suất từ 15-20%, nhưng thực tế, khách hàng vay từ các App này phải chịu lãi suất trên 2.000%/năm.

Hay như vụ triệt phá đường dây cho vay qua App trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ cho vay các gói từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160 nghìn người đã vay qua các App do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.

Thúc đẩy mạnh mẽ tài chính tiêu dùng, quyết liệt đẩy lùi “tín dụng đen”

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (thương hiệu FE CREDIT) phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (thương hiệu FE CREDIT) cho biết, thời gian qua, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của FE Credit nói riêng và các công ty tài chính nói chung lại bị hiểu nhầm là tín dụng đen. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. 

Không những vậy một bộ phận người dân còn lôi kéo, rủ rê nhau bùng nợ, khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp càng nhiều khó khăn. Ngoài ra, dù pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng FE CREDIT vẫn đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng cho người yếu thế. Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, FE CREDIT liên tục đưa ra các gói vay ưu đãi, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm trên nền tảng số, giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, FE CREDIT có đầy đủ nền tảng ngân hàng lõi giúp quản lý khoản vay, thu hồi nợ hiệu quả, triển khai thành công công nghệ cho vay trực tuyến để rút ngắn khoảng cách, thời gian tiếp cận khách hàng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát thông tin, khoản vay một cách an toàn.

“Với thế mạnh công nghệ sẵn có, FE CREDIT tự tin sẽ triển khai thành công gói vay tiêu dùng 10.000 tỷ đồng cho đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp với lãi suất giảm 50% so với lãi suất hiện hành. Sản phẩm vay cũng đa dạng và linh hoạt với giá trị vay từ 10-70 triệu đồng có kỳ hạn từ 6-24 tháng”, ông Nguyễn Thành Phúc khẳng định.

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei (Mcredit) phát biểu

Cũng cho rằng hoạt động của các công ty tài chính được NHNN cấp phép còn gặp nhiều khó khăn. Để các công ty này phát huy được thế mạnh, ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei (Mcredit) đưa ra 4 vấn đề cần phải tháo gỡ, cụ thể: thứ nhất, quy định pháp luật chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các tổ chức tín dụng ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng; thứ hai, thị trường thiếu các công cụ để hỗ trợ các công ty tài chính triển khai thu hồi nợ đối với các khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ; thứ ba, pháp luật chưa thể hiện rõ vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty tài chính tiêu dùng; thứ tư, khách hàng chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ trả nợ hoặc cố tình chây ỳ, gian lận.

Đối tượng phục vụ của các công ty tài chính tiêu dùng là người dân có thu nhập trung bình/thấp, do vậy khó tránh khỏi việc khách hàng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ trong việc tiếp cận các quy định pháp luật, các quy định về điều khoản vay và trả nợ. "Để thay đổi điều này không thể ngay lập tức nhưng các công ty tài chính tiêu dùng mong muốn sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn truyền thông,… để người dân tăng cường hiểu biết và tiếp cận hiệu quả với kênh tài chính tiêu dùng", ông Lê Quốc Ninh bày tỏ.

Tại hội thảo, ông Lê Quốc Ninh cũng cho biết, Mcredit đang tích cực phối hợp với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để được tham gia các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn và chung tay cùng Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng đen ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

Hiểu đúng về công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép

Có thể thấy, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính do NHNN cấp phép, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Từ thực trạng đó, theo TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị 12 về hạn chế “tín dụng đen”, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp ngành Ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động của các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng trên địa bàn.

TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN phát biểu - Ảnh: Huy Hoàng

"Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí truyền thông, cơ quan liên quan phối hợp với ngành công an, ngân hàng đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến, dễ tiếp cận tới người dân. Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Các cơ quan thẩm quyền thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính để phát hiện xử lý sai phạm, không để các hoạt động lợi dụng loại hình này để thực hiện các hành vi “tín dụng đen”", bà Nguyễn Thị Hiền đề xuất.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Huy Hoàng

Phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu 13 điểm khác nhau giữa công ty tài chính và công ty khác cũng hoạt động cho vay. Chẳng hạn về giấy phép hoạt động, công ty tài chính được NHNN và Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động, các công ty khác không được NHNN cấp phép.

Về tên gọi, các công ty do NHNN cấp phép được sử dụng từ “tài chính” trong tên gọi, các công ty khác không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng. Đây là quy định tại Điều 5 Luật các TCTD.

Các công ty tài chính hoạt động theo Luật các TCTD và phải tuân thủ các hành lang pháp lý nghiêm ngặt từ quy định về đối tượng cho vay, hạn mức dư nợ đối với khách hàng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, chỉ được thu phí trả nợ trước hạn và phí khác nếu có quy định của pháp luật… Trong khi đó, các công ty khác không có một hạn chế nào về hạn mức, lãi suất, đối tượng, mục đích cho vay…

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON phát biểu

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cho rằng, bản thân những người yếu thế trong xã hội gặp nhiều hạn chế trong nhận thức về tài chính tiêu dùng cũng như tài chính nói chung. Để giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc của liên bộ, ban, ngành chứ không chỉ là sự vào cuộc của riêng NHNN, các TCTD, mà đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng.

“Vấn đề đầu tiên là làm sao để người dân hay những người yếu thế phân biệt được tài chính chính thống và tài chính phi chính thống. Việc tuyên truyền, giáo dục, định hướng đối với xã hội về tài chính tiêu dùng, thậm chí là quản lý tài chính cá nhân là việc vô cùng quan trọng. Từ đó, bản thân cá nhân người dân có thể tự hoạch định được kế hạch tài chính tiêu dùng cho gia đình và cho chính mình. Từ đó, họ mới có thể cân đối được nguồn trả nợ và cách trả nợ như thế nào cho hợp lý. Tôi cho rằng, đây là yếu tố quan trọng", ông Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh và kiến nghị thêm: "để phân biệt tài chính chính thống và tài chính phi chính thống, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Công an cần có sự phối hợp liên thông chặt chẽ, tạo ra “gọng kìm” để đưa khái niệm tài chính chính thống đến với người dân, giúp người dân nắm bắt và nhận thức rõ ràng”.

Ngoài ra, hiện nay công nghệ rất phát triển và các hình thức “tín dụng đen” hầu như đều dùng công nghệ và không gian nghệ để trá hình. Dịch vụ cầm đồ hiện tại cũng hầu như không tồn tại và phát triển được nữa. Do vậy, ông Nguyễn Đình Đức đề xuất: "các bộ, ban, ngành phối hợp với NHNN để tìm ra giải pháp tổng thể để ngăn chặn ngay những App “tín dụng đen” trá hình, không chính thống".

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, khẳng định, phát triển tài chính tiêu dùng là xu hướng tất yếu, không cần phải bàn cãi. Trước những vấn đề đang tồn tại gây bức xúc và sau khi lắng nghe các kiến nghị của các công ty tài chính, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đã đưa ra một số quan điểm cụ thể:

Thứ nhất, về hạn mức tín dụng, vị chuyên gia này đồng tình với quan điểm, nếu cứ quy định tỷ lệ như hiện nay thì chưa thể thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển. Tỷ trọng quá nhỏ trong khi cộng đồng những người yếu thế rất nhiều, người nghèo ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại còn quá nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh sau hai năm dịch bệnh. Do đó, năm 2023 cần phải xem xét vấn đề này.

Thứ hai, cần xem xét mô hình của các công ty tài chính hiện nay một cách đúng nghĩa hơn. Mô hình như hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên, trong bối cạnh xu hướng mà công nghệ, việc rà soát, xem xét lại mô hình là cần thiết để thúc đẩy tài chính tiêu dùng mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, cần rà soát lại các cơ chế, chính sách phát triển tín dụng tiêu dùng nói riêng và tài chính tiêu dùng nói chung. Nên chăng có văn bản quy định riêng chi tiết hơn, đầy đủ hơn, sát thực hơn với đặc thù của tài chính tiêu dùng.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay, tại địa bàn Đà Nẵng nói riêng và trên cả nước nói chung, hoạt động “tín dụng đen” đang diễn ra mạnh mẽ qua các ứng dụng (App) không chính thống của các công ty tài chính không được NHNN cấp phép. Vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. "Tôi đề nghị những cơ quan có thẩm quyền quản lý có biện pháp triệt tiêu ngay lập tức các App này, đồng thời xử lý nghiêm người vi phạm để tạo lập một xã hội công bằng, tránh gây ra những hệ lụy nặng nề cho người dân", ông Võ Minh đề nghị.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng thông qua Hội thảo các vấn đề như: thực trạng hoạt động tài chính tiêu dùng; phân biệt hoạt động của các công ty tài chính do NHNN cấp phép và hoạt động theo các quy định pháp luật về ngành Ngân hàng và các công ty hoạt động cho vay tiêu dùng nhưng không được NHNN cấp phép đã được làm rõ.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng có quy mô còn hạn chế, hoạt động còn nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là trong công cuộc giảm, hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen. Chưa kể, tình trạng các công ty cho vay tiêu dùng nhưng không được NHNN cấp phép, thậm chí vi phạm quy định tại Luật các TCTD, cố tình gây sự nhầm lẫn khiến người dân hiểu nhầm, ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thức.

"Sau Hội thảo, Hiệp hội sẽ tập hợp ý kiến từ đó kiến nghị cơ chế, chính sách chẳng hạn như mở rộng đối tượng cho vay để tạo điều kiện cho hoạt động công ty tài chính tiêu dùng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen, tạo điều cho người dân được tiếp cận nguồn vốn chính thức. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị rà soát vấn đề đặt tên doanh nghiệp, có biện pháp xử lý để hạn chế tình trạng vi phạm Luật các TCTD nhiều năm như hiện nay, tránh gây hiểu lầm", Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài chính tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO