(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 7/10, Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1992 -2022). Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: "TYM đã khẳng định là một mô hình tài chính vi mô bền vững, an toàn và hiệu quả, khẳng định vai trò của tài chính vi mô trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và giảm nghèo bền vững".
Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú; Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPN), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) Đỗ Thị Thu Thảo cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế,...
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, trong 30 năm qua, TYM luôn tiên phong trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động khoa học, có cơ chế giám sát chặt chẽ với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong đời sống kinh tế, xã hội.
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, mạng lưới của TYM đã trải khắp 13 tỉnh, thành phố phía Bắc với 21 chi nhánh, 39 phòng giao dịch, phục vụ 190.000 khách hàng với tổng dư nợ cho vay đạt gần 2.400 tỷ đồng.
TYM luôn nỗ lực đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định, tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp (tính đến 31/8/2022 là 0,0001% tương đương 2,6 triệu đồng); tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú: "TYM đã khẳng định là một mô hình TCVM bền vững, an toàn và hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội LHPN Việt Nam, khẳng định vai trò của TCVM trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và giảm nghèo bền vững".
Bên cạnh các hoạt động tài chính, TYM đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội như: khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho thành viên, xây dựng nhà Mái ấm tình thương, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình thành viên nghèo nhân dịp lễ, tết, trao tặng học bổng cho con em thành viên để chi trả học phí thông qua chương trình “TYM - chắp cánh ước mơ”, hỗ trợ xây dựng “Nông thôn mới” và tham gia bảo vệ môi trường... như chúng ta vừa xem trong video thực sự tôi rất cảm động với những hình ảnh, video ngắn gọn, xúc động.
"Có thể nói, các kết quả mà TYM đạt được và những nỗ lực mà TYM đã mang lại cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ nữ nghèo, yếu thế trong suốt 30 năm qua đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng, Nhà nước", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tại buổi Lễ, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HLHPN, Chủ tịch Hội đồng thành viên TYM chia sẻ, năm 1992 dự án quỹ Tình Thương được gọi tắt là TYM ra đời - và mọi người còn hay gọi đầy yêu thương là “tao yêu mày”. Với mô hình dự án cung cấp TCVM phục vụ khách hàng là hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo phụ nữ khó khăn làm phát triển kinh tế, có sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đoàn Chủ tịch Trung ương HLHPN giao, và mang lại quyền lợi góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế của hội viên phụ nữ.
Sau 30 năm mỗi người cán bộ hội cán bộ của TYM, thành viên của TYM với một tinh thần dù khó vẫn miệt mài vì chị em phụ nữ nghèo, vì vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đã dìu dắt cùng nhau vượt qua thách thức đã quyết tâm đem những đồng vốn nhỏ mang đầy ý nghĩa lớn đến tận nhà cho chị em nghèo khó vay.
Xác định nguồn vốn nhỏ, tiết kiệm nhỏ vừa là một chất men xúc tác, đến việc thay đổi nhận thức, ý thức chắt chiu, tiết kiệm từng đồng, để quyết tâm không để gia đình cứ mãi nghèo; vừa là cái cần câu cá, cán bộ TYM là người hướng dẫn, chỉ cho chị em cách để cải thiện đời sống cho hơn 200.000 phụ nữ hộ gia đình thoát khỏi đói nghèo để góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.
"Mục tiêu của TYM là trở thành một trong những tổ chức TCVM hàng đầu ở Việt Nam trong cung ứng các dịch vụ tài chính theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, bền vững; gắn chuyển đổi số trong việc quản trị và cung ứng dịch vụ cho khách hàng, đảm bảo đến năm 2030, 100% khách hàng TYM tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua ứng dụng trên thiết bị thông minh; 100% khách hàng TYM được đào tạo kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin và thương mại điện tử để thực hiện các hoạt động kinh doanh và sinh kế”, bà Phạm Thị Thùy Linh, Tổng Giám đốc TYM chia sẻ.
Để quản trị hiệu quả khối tài sản quý báu này, TYM sẽ tiếp tục chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có đạo đức tốt và chất lượng cao.
Với định hướng phát triển của TYM, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định: “Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án TCVM hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu trên, Phó Thống đốc đề nghị TYM thực hiện sứ mệnh giảm nghèo cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính đa dạng hơn nữa, phù hợp hơn nữa với từng đối tượng khách hàng cụ thể, lấy sự kết hợp giữa trách nhiệm và tình thương làm giá trị cốt lõi cho phương thức hoạt động, lấy việc nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao vị thế của người phụ nữ là kết quả cuối cùng của hoạt động TCVM.
Từng bước mở rộng phạm vi hoạt động một cách vững chắc trên cơ sở huy động nguồn vốn, tín dụng. Xây dựng lộ trình tăng vốn từ các nguồn vốn đóng góp, hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các tổ chức quốc tế và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong xã hội cũng như các khoản tiết kiệm của thành viên vay vốn của TYM.
Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán, quản trị vốn tín dụng và cải cách quy trình vay, trả với từng thành viên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của TYM và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành viên trong việc tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của TYM.
Phó Thống đốc cũng đề nghị, TYM tăng cường hơn nữa sự gắn kết chặt chẽ với tổ chức Hội phụ nữ và chính quyền địa phương các cấp, nhất là Hội phụ nữ và chính quyền cơ sở ở xã, thôn để giúp các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ nữ nghèo, yếu thế dễ dàng hơn trong tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của TYM và sử dụng vốn vay có hiệu quả; đồng thời cũng giúp TYM hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững hơn.
TYM nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Thống đốc NHNN |
Tại buổi Lễ kỷ niệm, TYM đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân và Bằng khen của Thống đốc NHNN dành cho tổ chức đã có thành tích xuất sắc đột xuất về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đối tượng phụ nữ nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp.
Nhân dịp này, Đoàn Chủ tịch HLHPN đã trao Bằng khen cho 21 tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, các chi nhánh TYM và 09 cán bộ TYM có thành tích xuất sắc đóng góp vào kết quả hoạt động 30 năm. Hai người bạn quốc tế đã gắn bó với TYM từ những ngày “khởi nghiệp” đến nay cũng được HLHPN trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”.
Cũng trong dịp này, TYM vinh danh 30 phụ nữ khách hàng tiêu biểu. Họ là những người đã sử dụng đồng vốn hiệu quả, có sự nỗ lực và thay đổi lớn trong cuộc sống để thoát nghèo, mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân khác. Họ cũng là những người có đóng góp tích cực vào hoạt động của TYM và của Hội.