(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn, những năm gần đây, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo bền vững hiện còn đối mặt với nhiều bất cập và thách thức

Ngày 12/3/2019 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc tế Phát triển Năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon tại Việt Nam, do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), Hội đồng Công nghiệp năng lượng (EIC), Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc Việt Nam (BBGV) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, một trong những ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực. Với mong muốn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã triển khai ban hành các cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió,… các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư như những ưu đãi về tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế: Phát triển Năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon tại Việt Nam

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng tái tạo của Việt Nam, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức: chi phí đầu tư còn cao, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên.... Tuy nhiên, có thể thấy rõ tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo, công suất điện gió có thể đạt tới 1000MW, đối với năng lượng điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8100 MW được bổ sung quy hoạch, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW, ông Nguyễn Văn Vy cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề vốn, ông Benjamin Treves, Phó Giám đốc khối cơ sở hạ tầng và bất động sản HSBC, cho biết, các cơ quan tín dụng xuất khẩu đóng vai trò quan trọng cho các dự án năng lượng tái tạo. Họ sẽ thu xếp tài chính, xây dựng các hợp đồng mua bán điện, phối hợp với các ngân hàng Việt Nam để phát hành bảo lãnh cho các dự án,… Tuy nhiên các dự án còn gặp nhiều vấn đề về bảo lãnh khi mà các ngân hàng nhận thấy các dự án năng lượng “xanh” có rủi ro cao, khả năng sinh lời thấp. Do đó, việc tiếp cận nguồn tài chính là một thách thức với các doanh nghiệp hiện nay. Ở góc nhìn khác, tài chính xanh là xu hướng cho thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu nên HSBC vẫn sẵn sàng đưa ra những tư vấn cụ thể cho doanh nghiệp, cố vấn xây dựng cấu trúc các khoản vay, sẵn sàng phối hợp với các ngân hàng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu các khoản vay xanh cho các dự án thực sự tiềm năng.

Ông Benjamin Treves, Phó Giám đốc khối cơ sở hạ tầng và bất động sản HSBC phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu về việc tăng cường các cơ hội đầu tư trong các dự án giảm thiểu các-bon tại Việt Nam, ông Rusel Marsh, Công ty Ernst & Young Sollutions cho biết, văn phòng nước ngoài và khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh đang triển khai Chương trình năng lượng các-bon thấp ASEAN (LCEP) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài chính xanh cho các nước khu vực ASEAN bắt đầu từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2022. Chương trình sẽ tăng cường chính sách và khung pháp lý về tài chính xanh và hiệu quả năng lượng; tạo điều kiện đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ carbon thấp, bao gồm dòng tài chính xanh được cải thiện; tăng cường đổi mới và chuyển giao kiến ​​thức về hiệu quả năng lượng và công nghệ carbon thấp; và tạo điều kiện sử dụng năng lượng hiệu quả hơn ở các nước mục tiêu. Bên cạnh đó, chương trình cũng mở ra các cơ hội thương mại quốc tế, bao gồm cả doanh nghiệp Vương quốc Anh và các doanh  nghiệp khu vực ASEAN.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài chính xanh cho các dự án năng lượng tái tạo tại VIệt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO