(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2018, thị trường tài sản tiền điện tử đã hứng chịu những cú sốc khi làn sóng hoài nghi của các nhà đầu tư khiến khối lượng tiền ảo phát hành lần đầu (ICO) sụt giảm đáng kể. Sự ra đời của thị trường tài sản token hóa đầy tiềm năng có thể sẽ đem tới làn gió mới cho thị trường tiền điện tử vốn đang gặp nhiều vấn đề hiện nay.
Bản chất phi tập trung và ẩn danh của các loại tiền điện tử đã thách thức nhiều chính phủ về việc cho phép sử dụng hợp pháp trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh, ngăn chặn các giao dịch tội phạm. Nhiều quốc gia vẫn đang phân tích, xây dựng kế hoạch điều tiết tiền điện tử. Đối với những quốc gia nơi tiền điện tử được hợp pháp hóa, thị trường tiền điện tử hiện còn nhiều biến động do chưa có luật quốc tế nào được ban hành để kiểm soát các hoạt động trên thị trường chung. Trên thực tế, những điều luật, quy định ban hành thiếu tầm nhìn dài hạn, không chặt chẽ khi triển khai đã tạo nên những mâu thuẫn cho các bên liên quan trong quá trình ICO là nguyên chính dẫn đến sự suy giảm này.
2019 sẽ là năm được dự báo để xây dựng thị trường tài sản token hóa (tokenized assets market) theo hướng nghiêm ngặt hơn, hạn chế được nhiều vấn đề từ thị trường tiền ảo. Để hiểu về tài sản token hóa, trước hết phải nắm được khái niệm của đồng tiền token hóa. Đây là loại đồng tiền mã hóa được phát hành trong các đợt ITO (Initial Token Offering). Tiền token hóa được phát hành dựa trên nền tảng của một loại tiền điện tử nhất định. Ví dụ, đa số tiền token hóa hiện tại được phát hành trên nền tảng Ethereum dựa theo chuẩn ERC-20 (loại chuẩn quy định hình thức của việc tạo và xây dựng cấu trúc của token). Một số tiền token hóa khác dựa trên nền tảng NEO, WAVES, STELLAR và có cả Bitcoin. Phân loại token theo tính năng, có 2 loại là ultility token và security token. Ultility token là token tiện ích, được sinh ra để phục vụ cho một dự án với mục tiêu và tính năng cụ thể. Ví dụ token cho dự án Dock.io có tính năng thanh toán, bình chọn; BNB token của Binance có tính năng giảm giá phí giao dịch… Security token (token được bảo chứng) là một dạng cổ phiếu điện tử phát hành dưới dạng token hóa. Nhà đầu tư sẽ được hưởng cổ tức dựa trên số cổ phần họ sở hữu của dự án đó. Thuật ngữ token hoá hàm ý muốn nói đến cách thức mã hoá giá trị tài sản dưới dạng tiền điện tử, như vậy, tài sản token hóa là tài sản mà giá trị của chúng được mã hóa thành các token thông qua nền tảng blockchain.
Security token sẽ là một trong những nhân tố cốt lõi cho sự phục hồi của thị trường tiền điện tử và theo sau đó là 3 yếu tố được cho là đang thúc đẩy quá trình tái định nghĩa thị trường tài chính.
Những loại tài sản nào sẽ được token hóa?
Trên lý thuyết, tất cả các loại tài sản hiện có đều có thể chuyển đổi thành chứng chỉ số “tokens”, từ vốn chủ sở hữu được niêm yết; trái phiếu; địa ốc; hàng hóa cao cấp và các loại tài sản khác đều có thể được mã hóa. Các loại tài sản sẽ được token hóa, sau đó đưa vào nền tảng blockchain phục vụ cho giao dịch thương mại. Trong bối cảnh pháp luật hiện hành, token hóa tài sản hữu hình (bất động sản, hàng hóa xa xỉ,…) không đem lại nhiều giá trị vì loại hàng hóa này vẫn có thể được giao dịch theo phương thức truyền thống mà không cần tới nền tảng blockchain. Tuy nhiên, số hóa các loại tài sản vô hình như nợ, vốn chủ sở hữu và các công cụ phái sinh khác đã tạo ra nhiều lợi ích từ hợp đồng thông minh (smart contract) trong quá trình quản lý toàn bộ vòng đời tài sản như phát hành, quyền biểu quyết điện tử, thanh toán cổ tức và đăng ký cổ đông tự động. Dưới đây là kết quả nghiên cứu của Fiona, công ty tài chính Thụy Sỹ, về tiềm năng phát triển của các loại tài sản kỹ thuật số trong 8 năm tiếp theo.
|
Có thể thấy rõ một xu hướng là tài sản vô hình sẽ chiếm phần lớn khối lượng thị trường dự kiến với hơn 95% tổng các loại tài sản tài chính vào năm 2017.
Phổ biến nhất trong các loại tài sản kỹ thuật số là security token. Security token là một tài sản được bảo chứng (giá trị được quy đổi từ tài sản của công ty), có thể giao dịch được và phải chịu sự ràng buộc của các quy định khắt khe cho tài sản là chứng khoán. Security Token Offerings (STO) là một hình thức khá mới hiện nay để gây quỹ của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Hình thức này có một số điểm tương đồng với cách doanh nghiệp huy động vốn thông qua đợt chào bán công khai ban đầu ra công chúng (IPO). Trong STO, một công ty sẽ phát hành security token cho các nhà đầu tư của mình. Các security token có thể được mô tả dưới dạng IOU (I owe You, tôi nợ bạn) được đảm bảo bằng tài sản của công ty. Các token này được coi là hợp đồng đầu tư ràng buộc pháp lý cho phép nhà đầu tư tiếp cận cổ phần của công ty, được trả cổ tức hàng tháng hoặc có tiếng nói trong quá trình ra quyết định kinh doanh. Bên cạnh đó, có thể coi STO là một biến thể mới của ICO, nhưng có nhiều điểm khác biệt hơn so với ICO.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa ICO và STO là trong khi các nhà đầu tư ICO mua các utility token (đại diện cho quyền truy cập khách hàng vào sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp phát hành) không nhận được bất kỳ quyền hoặc cổ phần nào từ công ty mà họ đầu tư, các nhà đầu tư STO có nhiều quyền hơn và có thể sở hữu cổ phần tương tự như một doanh nghiệp khởi xướng đợt chào bán IPO truyền thống.
Lợi ích của việc huy động vốn qua hình thức STO so với ICO là các nhà đầu tư nhận token được đảm bảo bởi tài sản, về cơ bản đây là một phần tài sản của công ty. Các doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững hơn khi có thể mở rộng mảng kinh doanh của mình. Hình thức STO còn loại bỏ được các dự án có dấu hiệu lừa đảo vì quy trình thực hiện phải tuân thủ chặt chẽ luật pháp của chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một quy định rõ ràng về việc đánh giá security token và điều kiện để phát hành security token.
Bên cạnh đó, cần xem xét các yếu tố khác để hoàn thiện thị trường tài sản kỹ thuật số.
Số hoá tài sản hiện có
Một trong những vấn đề chính khiến các nhà đầu tư mất đi lợi tức trong quá trình ICO các loại tiền điện tử là thiếu tầm nhìn tổng quan về hình thức huy động vốn còn tương đối mới cũng như mức lợi tức thấp mà họ nhận lại. Để xử lý tận gốc vấn đề, xu hướng đầu tư mới sẽ dành cho những lớp tài sản được phân loại rõ ràng và biết đến rộng rãi, cụ thể là những chứng khoán được token hoá, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho công nghệ sổ cái phân tán. Trong công nghệ sổ cái phân tán, các bản ghi không được truyền đến các node (nền tảng chạy trên môi trường V8 Javascript runtime, cho phép lập trình viên xây dựng các ứng dụng có tính mở rộng cao sử dụng Javascript trên server) khác nhau bởi một cơ quan trung ương, nhưng thay vào đó được xây dựng độc lập và được tổ chức bởi mỗi node. Nghĩa là mỗi node trên mạng lưới sẽ xử lý mọi giao dịch, đi đến kết luận và bỏ phiếu cho những kết luận đó để chắc chắn phần lớn đồng ý với kết luận. Điều đó tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư để lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp.
Cơ sở hạ tầng phát triển cho tài sản số hóa
Hạ tầng cơ sở mạnh mẽ và đáng tin cậy là rất cần thiết trong quá trình thực hiện số hóa các tài sản hiện có, nhằm đem tới trải nghiệm liền mạch cho người dùng là các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư muốn đa dạng hóa phân bổ tài sản của mình. Đầu năm 2019, một số sàn giao dịch tài chính toàn cầu đã thông báo triển khai các dự án nhằm phát triển hoạt động giao dịch tài sản số hóa trong điều kiện được kiểm soát nghiêm ngặt. Ở các mức trình độ khác nhau, những chủ thể tham gia thị trường cần phải hợp tác với những chuyên gia kỹ thuật và các công ty công nghệ khác nhau để hiểu rõ kiến thức mới từ những cải tiến công nghệ đột phá.
Khung pháp lý minh bạch hơn
Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của tất cả chủ thể tham gia thị trường, mọi quy định ban hành và khuôn khổ pháp lý cần được thực hiện một cách nghiêm túc, rõ ràng và có tầm nhìn cụ thể. Từng thay đổi của tài sản số hóa sẽ được theo dõi sát sao, tuy nhiên, phải tới năm 2020 thì những quy định mới bắt đầu được đưa vào áp dụng triển khai trên thực tế. Dự kiến Thụy Sỹ sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai những quy định, chính sách liên quan tới tài sản số hóa.
Hơn thế nữa, mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường chưa đầy đủ là một trong những vấn đề đáng quan tâm nếu muốn tăng cường sức ảnh hưởng của tài sản số hóa lên thị trường tài chính. Các rào cản lớn về tâm lý và công nghệ sẽ là vấn đề cần phải giải quyết để kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như các quỹ liên quan. Họ có những lý do riêng để chưa thực sự tin vào tiềm năng phát triển của tài sản kỹ thuật số cũng như nền tảng cơ sở hạ tầng.
Đối với sự phát triển của thị trường, cơ sở hạ tầng phát triển còn chưa đầy đủ và thị trường hiện vẫn chưa sẵn sàng. Nguyên nhân là những hạn chế trong việc kết hợp tiền truyền thống và tài sản số hóa, tính thanh khoản và minh bạch của tài sản số hóa thấp, chưa có giải pháp lưu ký cho doanh nghiệp. Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn danh mục đầu tư, cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm khi tham gia thị trường.
Đối với nhà đầu tư, trải nghiệm của nhà đầu tư còn rất rời rạc và thiếu tính thống nhất trên các sàn giao dịch. Rất nhiều sàn giao dịch nổi tiếng đã gặp những sự cố kỹ thuật hệ thống hoặc bị hacker tấn công. Ngoài ra, việc thiếu các sản phẩm đầu tư từ phía Chính phủ đã cản trở sự hấp dẫn và tính an toàn của tài sản kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu của các chiến lược gia cấp cao.
Tương lai cho thị trường tài sản số hóa
Sự cạnh tranh giữa các sàn giao dịch hiện tại và những chủ thể mới sẽ là chìa khóa để xác định tương lai của các nhà cung cấp tài sản số hóa. Với tập khách hàng cơ sở đáng tin cậy hiện nay, các công ty tài chính có hình ảnh, thương hiệu mạnh đã chứng minh, chỉ cần có sự hoàn thiện về công nghệ và thể chế là đủ điều kiện để thị trường vận hành ổn định và phát triển bền vững. Các sàn giao dịch sẽ xây dựng tiêu chuẩn cho các mã thông báo bảo mật được liệt kê giúp các nhà đầu tư tin tưởng và chủ động tham gia thị trường. Mặt khác, tất cả chủ thể tham gia thị trường mới sẽ được trải nghiệm những tiến bộ công nghệ ngày một linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trên thị trường nhiều biến động. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực mới này cần chú ý. Đầu tiên là các điều kiện pháp lý như quy định giao dịch, giấy phép đại lý môi giới cần thiết để có thể hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau. Sau đó là cách thức phân phối và kết nối của các tổ chức tài chính để tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường, được mọi người đón nhận và tin tưởng trên thị trường rộng rãi.
Năm 2019, những chủ thể trên thị trường truyền thống đã bắt đầu tiếp cận tới thị trường tài sản kỹ thuật số và với tốc độ khá nhanh. Singapore SG SGX đã hợp tác với Nasdaq để phát triển hệ thống thanh toán blockchain. Tại châu Âu, Deutsche Boerse và SIX cũng hợp tác với các công ty công nghệ để tích hợp tài sản số hóa trong đợt phát hành lần đầu của họ bắt đầu từ năm nay. Các công ty như Coinbase Prime đang đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển nền tảng giao dịch trên thị trường security token, t-Zero là đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp nền tảng điều tiết quá trình STO. Ngoài ra, Daura và Sygnum đã hợp tác với Deutsche Boerse và Swisscom để xây dựng một hệ sinh thái token hóa với trọng tâm là phát hành security token.
Nhìn chung, tiềm năng phát triển của tài sản số hóa là rất lớn trong lĩnh vực tài chính, tuy nhiên để đảm bảo sự ổn định và tính bền vững cho các hoạt động sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa ra khuôn khổ pháp lý phù hợp điều tiết tốt thị trường. Quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý sẽ cần thêm một khoảng thời gian để chính thức được đưa vào hoạt động. Năm 2020 được nhận định sẽ là một năm chuyển tiếp để phát triển cơ sở hạ tầng thị trường cho các mã thông báo bảo mật; dự kiến sẽ xây dựng vào năm 2021 và 2022 trước khi đi đến sự chấp nhận thị trường tài sản token hóa.