Trong 12 con giáp, duy nhất Rồng là không hiện hữu. Trước sau, Rồng chỉ là con vật huyền thoại, xuất hiện trong trí tưởng tượng vĩ đại của con người, nhất là người phương Đông, theo những mô-típ khác nhau. Cho đến nay, khi các hóa thạch khủng long được phát hiện khá nhiều trên khắp thế giới thì hoàn toàn không có một hóa thạch nào của loài Rồng được tìm thấy và xác nhận một cách đích thực.
Đây là một trong số ít thành công vi diệu nhất của tâm linh và trí tưởng tượng bay bổng mà con người tạo ra (hơn những con vật linh thiêng khác như tỳ hưu, thiềm thừ, kỳ lân…, theo quan niệm dân gian).
Chưa ai mục kích con Rồng, nhất là khi nó phun nước, dù hình ảnh cầu vồng bảy sắc trên bầu trời được ví là hiện thân của Rồng đang “làm nước”. Cũng chưa ai thấy Rồng cuộn nằm chờ lệnh “đấng tối cao”, dù thành ngữ “long bàn hổ phục” (Rồng chầu Hổ phục) được nhắc đến không ít, nhất là trong thú chơi cây cảnh và lĩnh vực phong thủy.
Càng không thấy Rồng bay; dù thành ngữ “Rồng bay phượng múa” người nào cũng biết, cũng dùng.
Tất cả chỉ là trong huyền thoại và truyền thuyết. Ngay cả thư tịch xưa ở nhiều nước, nhất là ở Trung Hoa cổ đại, ghi chép sự kiện Rồng xuất hiện hết sức cụ thể, sinh động thì tính xác thực vẫn còn là một dấu hỏi.
Có lẽ vậy chăng mà Rồng mặc nhiên được coi là con vật cao quý, linh thiêng vào bậc nhất trong quan niệm truyền thống (và cả trong thời đương đại?). Rồng gắn với nguồn gốc cao quý của người Việt (Lạc Long Quân – Âu Cơ). Rồng là tên thủ đô của nước Việt từ ngàn năm trước (Thăng Long). Rồng là biểu tượng tối thượng của hoàng đế/vua thời phong kiến (long nhan, long thể, long sàng, long ỷ, long bào, long xa,…). Rồng gắn với mái vòm, hoành phi, câu đối, liễn thờ… của đền, đài, miếu mạo, cung điện, dinh thự… là những nơi cao quý, linh thiêng, theo triết lý mỹ học phong kiến và tín ngưỡng dân gian.
Vì là sản phẩm của trí tưởng tượng nên Rồng được ghép bởi hình dạng của các con vật có thật: thân rắn, đầu và bờm sư tử, sừng hươu, vảy cá, bay như chim… (Rồng phương Đông) hoặc giống hình dạng khủng long, thằn lằn… (Rồng phương Tây).
Hiện nay, vài nơi trên thế giới, người ta vẫn gọi một số con vật là Rồng: rồng đất, rồng bay, rồng Komodo, rồng châu Úc… Thực ra, chúng chỉ là một loài bò sát. Gọi chúng là Rồng bởi hình dạng và cách di chuyển có đôi chút na ná con Rồng trong tưởng tượng, nhất là Rồng phương Tây. Và vì thế các loại Rồng này cũng chẳng biểu trưng cho sự cao quý, linh thiêng. Chúng chỉ là những con vật bình thường như bao con vật khác, thậm chí là loài hung dữ như rồng Komodo (Indonesia).
Dù chỉ xếp thứ 5 trong hệ thống 12 con giáp, song Rồng bao giờ cũng được xem là con vật cao sang bậc nhất. Người tuổi Thìn được coi là người “sang tuổi”, cuộc đời sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông phúc-lộc-thọ… Quan niệm truyền thống là thế, còn trong thực tế, người tuổi Thìn cũng ba bảy đường. Có người sinh năm Rồng nhưng cũng gặp không ít lận đận, khó khăn như người tuổi trâu, tuồi ngựa…(?).
Năm Thìn theo quan niệm dân gian và kinh nghiệm thực tiễn cũng là năm thường có lũ lụt, thậm chí là đại hồng thủy, bởi do Rồng được dịp vẫy vùng phun nước. Dân gian thường nói: “lụt năm Thìn” là vì lẽ đó. Tuy nhiên, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay (nhất là sự đột biến của các hiện tượng El Nino, La Nina…) chẳng cứ gì năm Thìn, trời mới “làm mưa”. Có những quan niệm truyền thống và đúc rút dân gian đã không còn giữ nguyên giá trị trong vũ trụ và thế giới đương đại.
Kết thúc mấy dòng tản mạn về Rồng bằng một thành ngữ về Rồng mà tôi rất thích “Rồng đến nhà Tôm”. Có những ngữ nghĩa khác nhau từ thành ngữ này, tùy theo ngữ cảnh và tâm lý - cảm xúc của người sử dụng. Riêng tôi, muốn diễn giải theo mạch (ít nhiều mang tính thời sự - chính trị) đó là “thao tác” đi sâu, đi sát của người cán bộ. Đó là người cán bộ phải biết thâm nhập thực tế cuộc sống một cách đích thực, phải mang trong mình phẩm chất tối thượng là sẵn sàng tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt tất cả mọi điều đang diễn ra trong quần chúng nhân dân nói chung, tại địa bàn mình phụ trách nói riêng, qua đó đưa ra những “quyết sách” đúng đắn, nhân văn, hợp lòng dân, tất cả “vì dân”.