Hoạt động ngân hàng

Tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa

Quỳnh Lê 20/09/2023 - 18:16

Công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa.

dsc04392.jpg

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền.

Tham dự hội nghị có: Ông Ngô Đức Thắng, Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ; ông Bùi Văn Bát, nguyên Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương; ông Đỗ Hùng Cường, Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; ông Mai Đắc Biên, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; ông Hoàng Minh Tiến - Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin; bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền; ông Phan Thái Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam có: Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch; ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực; ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch.

dsc04334.jpg
Các diễn giả thảo luận tại hội nghị

Hoàn thiện khung pháp lý là nhiệm vụ cấp bách

Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã thúc đẩy các lĩnh vực tài chính - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công cụ tài chính cũng như các hình thức giao dịch, hình thái tài sản, tiền tệ hoàn toàn mới, giúp thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội, tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ tài chính, thương mại, tới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao,...

dsc04367.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá), nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Những năm gần đây, tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán, không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.

Thông tin tại Hội nghị, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD...

“Tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng, trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới”, ông Phan Đức Trung Trung nói.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com, với gần 42 triệu lượt truy cập từ ngày 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

dsc03975.jpg
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Tuy nhiên, cũng theo ông Phan Đức Trung, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang quản lý, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng...

Thực tế, dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.

Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.

Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.

Đặc biệt, Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường chống rửa tiền (AML). Đây là danh sách "xám" các nước cần được giám sát chặt chẽ của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... FATF cho biết, sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền.

Vì vậy, có thể nói rằng AML trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.

Các nền kinh tế năng động khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).

Còn tại Việt Nam, ông Nguyễn Đoan Hùng chỉ ra rằng, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Tuy nhiên, phòng, chống rửa tiền luôn phải đối mặt với những thách thức đầy nan giải. Ông Phan Đức Trung nêu rõ hai thách thức chính mà hoạt động phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoá phải đối mặt.

Thứ nhất, tính ẩn danh và sự phức tạp của các giao dịch tiền mã hoá gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc theo dõi và phát hiện các nguy cơ rửa tiền nếu không có chuyên môn, đặc biệt khó kiểm soát việc chuyển tiền mã hoá do tính chất xuyên biên giới; phải phụ thuộc vào các công cụ tư nhân chi phí cao.

Thứ hai, thiếu quy định đồng bộ toàn cầu. Hiện tại chỉ có một số nước ban hành các quy tắc để quản lý thị trường tiền mã hoá. Phần lớn các quốc gia đều đang thiếu hụt khung quy định. Do đó việc tuân thủ các khuyến nghị chung từ FATF là khá khó khăn.

dsc04437.jpg
Toàn cảnh hội nghị

3 nhiệm vụ nhằm phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa

Nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, ông Phan Đức Trung khuyến nghị các định chế tài chính cần thực hiện 3 nhiệm vụ, đó là: Nhận diện giao dịch tài sản số, Xây dựng quy trình, và Chuẩn bị tốt nhân sự.

Thứ nhất, về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận: Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hoá thì tài sản này vẫn hoàn toàn có cơ sở được pháp luật công nhận. Các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản này theo các quy tắc của BIS, Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.

Thứ hai, các định chế tài chính nên xây dựng các Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hoá đối với các tài khoản cá nhân. Hiện tại các giao dịch với tài sản mã hoá thực hiện qua P2P có thể căn cứ theo các quy định trong Luật Phòng và chống rửa tiền áp dụng từ ngày 1/3/2023.

Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Nguồn nhân lực này không thể chỉ trông chờ vào luật hay cơ quan nhà nước mà cần được chủ động thực thi bởi tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo ngân hàng.

Ông Phan Đức Trung cũng mong muốn các khái niệm được quốc tế và Việt Nam công nhận là VA (Virtual Asset – tài sản ảo) và VASP (Virtual Asset Service Provider – Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo) sẽ sớm được Việt Nam luật hóa và đưa vào thực thi.

Chia sẻ góc độ của cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Minh Thơ Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Với vai trò là cơ quan quản lý, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các Hiệp hội, các tổ chức báo cáo là: Ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính trong công tác phòng chống rửa tiền”.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FAFT cũng như các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.

Công cụ theo dõi hoạt động rửa tiền

Từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo, được thành lập bởi ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC).

Chia sẻ về dự án ChainTracer tại Hội nghị, ông Ngô Minh Hiếu cho biết, dự án mang đến nguồn dữ liệu đáng tin cậy về các hoạt động lừa đảo toàn cầu được chia sẻ sau các quá trình truy vết dựa trên các báo cáo của nạn nhân.

Với sứ mệnh phản đối và ngăn chặn những hành vi lạm dụng công nghệ blockchain để tiến hành lừa đảo, đặc biệt là trong thế giới của tài sản mã hoá và tài sản số, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ cộng đồng trong khi môi trường pháp lý đang trong quá trình hoàn thiện.

ChainTracer trang bị cho người dùng kiến thức và công cụ cần thiết để bảo vệ danh mục đầu tư của họ và phát triển trong hệ sinh thái Web3.

"ChaintTracer không chỉ là một dự án; đó là một cam kết xây dựng mạng internet phi tập trung an toàn, bảo mật hơn", ông Ngô Minh Hiếu khẳng định.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO