(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 do quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua.
Số liệu tăng trưởng kinh tế quý II trong 10 năm qua - nguồn: Tổng cục Thống kê |
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020, tổ chức sáng ngày 29/6, tại Hà Nội. Tại buổi họp báo, lãnh đạo cơ quan thống kê cũng cho rằng, dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới nên kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế
Tổng cục Thống kê cho biết, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81% nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
"Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%)", Tổng cục Thống kê cho biết.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).
6 tháng đầu năm, cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì mức xuất siêu cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt.
Sau 2 tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Sáu tiếp tục khởi sắc với 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% so với tháng trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III/2020 khả quan hơn quý II/2020.
Hoạt động thương mại, vận tải trong nước, tiếp tục tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6/2020 chỉ đạt 8,8 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về kim ngạch xuất, nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%; nhập khẩu giảm 3%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm xuất siêu ước tính đạt 4 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán gặp nhiều khó khăn
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường đang có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả.
Tính đến thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%) và đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm 2016-2020.
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.
Thị trường Chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 94,6 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến 11h ngày 26/6/2020, chỉ số VN-Index đạt 857,38 điểm, giảm 0,8% so với cuối tháng trước và giảm 10,8% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường tính đến ngày 18/6/2020 đạt 4.030 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1% so với cuối năm 2019; giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt 5.633 tỷ đồng/phiên, tăng 20,9% so với bình quân năm 2019.
Trên thị trường trái phiếu, hiện có 492 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.172 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% so với cuối năm 2019. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 163.984 hợp đồng/phiên, tăng 85% so với bình quân năm trước.
Đẩy mạnh kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu
Tổng cục Thống kê cho biết, dù dịch Covid-19 cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát.
Đẩy mạnh kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Song song với đó, Tổng cục Thống kê cũng đề nghị, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cũng theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định tại Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA).