Tin Hiệp hội Ngân hàng

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các công ty mua bán nợ để nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu

Quỳnh Lê 25/05/2023 17:41

Ngày 25/5, CLB Xử lý nợ (AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng tổ chức Toạ đàm “Khó khăn, vướng mắc và tăng cường hợp tác xử lý nợ xấu hiệu quả” nhằm đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ.

z4375085219232_e5d0d1d9c4063ea57c4f9fb952b58155.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Minh Ngọc.

Tọa đàm có sự tham dự của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Chủ nhiệm CLB AMC Đoàn Văn Thắng cùng các thành viên CLB, Giám đốc Sàn Giao dịch nợ VAMC Vũ Ngọc Minh.

Hành lang pháp lý cho hoạt động của các AMC còn nhiều bất cập, lỗi thời

z4375072932429_f96b852c6ecb215655990047ca482516.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo Tọa đàm. Ảnh: Minh Ngọc

Hiện nay, các công ty AMC của các ngân hàng TMCP đang hoạt động theo Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và theo Thông tư 27/2021/TT-NHNN.

Tại Toạ đàm, ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), cho biết, trong quá trình hoạt động theo các quy định trên, các AMC hiện vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn về mô hình tổ chức hoạt động, quy chế tài chính,… cần có  giải pháp giải quyết nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Nổi cộm lên là vướng mắc liên quan đến mô hình tổ chức hoạt động của AMC và vướng mắc liên quan đến quy chế tài chính.

Thứ nhất, vướng mắc về hoạt động của AMC theo Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN. Điều luật quy định việc tổ chức hoạt động và mô hình quản trị của AMC bản chất là doanh nghiệp nhưng hoạt động theo điều lệ mẫu của NHNN theo Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN.

Theo đó, một số nội dung chưa phù hợp, nhiều nội dung không cập nhật theo Luật Doanh nghiệp. Về mặt tổ chức, AMC thuộc Luật doanh nghiệp, nhưng về mặt nghiệp vụ thuộc Ngân hàng mẹ và phải hoạt động theo Luật Các TCTD, một số AMC 100% vốn của Ngân hàng. Vì vậy, AMC sẽ hoạt động theo luật doanh nghiệp hay luật TCTD hay cả 2 đối với những nội dung không được quy định cụ thể theo Quyết định 1390/2001/QĐ- NHNN? CLB AMC  cho rằng, cần thống nhất về các quy định và có quy định cụ thể hơn cho các AMC.

Bên cạnh đó, điều luật quy định Chủ tịch HĐQT NHTM bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Trưởng phòng kế toán công ty theo đề nghị của Tổng Giám đốc NHTM. Các thành viên CLB cho rằng, quy định cấp bổ nhiệm đối với Giám đốc, Trưởng phòng kế toán của AMC quá cụ thể, chi tiết và đề nghị chỉnh sửa nội dung bổ nhiệm, miễn nhiệm trên theo hướng thuộc thẩm quyền của NHTM.

Thứ hai, vướng mắc liên quan đến quy chế tài chính. Về chi phí hoa đồng môi giới quy định tại Điểm 3, Mục A, Phần II, Thông tư 27/2021/TT-NHNN, CLB cho rằng, mức chi môi giới để cho thuê một tài sản và mức chi môi giới để bán được một tài sản không vượt quá 50 triệu đồng mỗi năm là quá thấp và không phù hợp, cần thay đổi để phù hợp với hoạt động hiện nay của các AMC.

ae9i0236.jpg
Ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Ngọc.

Cũng theo Ban chủ nhiệm CLB, nếu các AMC hoạt động như một pháp nhân độc lập theo Luật doanh nghiệp 2014, việc chi trả hoa hồng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên về mặt tổ chức AMC thuộc Luật doanh nghiệp, nhưng về mặt nghiệp vụ thuộc Ngân hàng mẹ và phải hoạt động theo Luật Các TCTD, một số AMC 100% vốn của Ngân hàng. Vì vậy các AMC gặp khó khăn trong việc triển khai các chính sách hoa hồng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh do hành lang pháp lý chưa cụ thể và rõ ràng. Do đó, đề xuất cần có các hướng dẫn, quy định cụ thể hơn hỗ trợ hoạt động kinh doanh của AMC.

Về trích lập và xử lý các khoản dự phòng theo Điểm 7, Mục A, Phần II, Thông tư 27/2021/TT-NHNN, có thể thấy, việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá chứng khoản, dự phòng giảm giá hàng tồn kho được thực hiện như chế độ quy định đối với ngân hàng thương mại thành lập Công ty.

Riêng về dự phòng rủi ro cho các khoản nợ công ty mua thì thời điểm trích lập, căn cứ trích lập, tỷ lệ trích lập do Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại thành lập công ty quy định và phải được quy định rõ trong quy chế tài chính của công ty, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: tại thời điểm khoá sổ kế toán, số dư dự phòng rủi ro trích lập được không nhỏ hơn 5% số dư giá vốn của các khoản nợ công ty đã mua...

CLB đề xuất bỏ các quy định mang tính phụ thuộc ngân hàng thành lập AMC do AMC là một pháp nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay theo Thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 cũng đã có quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng, khác biệt so với hướng dẫn tại Thông tư 27/2021/TT-NHNN, đề xuất thực hiện theo quy định hiện hành của BTC/NHNN trong từng thời kỳ.

Về phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ, Ban chủ nhiệm CLB AMC chỉ ra rằng, NHTM thành lập công ty AMC là TCTD nên trích lập các quỹ theo quy định của NHNN, trong khi đó công ty AMC cũng là pháp nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên phải thực hiện trích lập các quỹ theo quy định của Bộ Tài chính. Do đó, các quỹ trích lập giữa ngân hàng mẹ thành lập AMC sẽ khác so với các công ty AMC, việc quy định các AMC trích lập quỹ theo NHTM thành lập công ty là chưa phù hợp. Đề xuất bỏ các quy định mang tính phụ thuộc ngân hàng thành lập AMC.

Về vốn hoạt động của công ty AMC, điều luật quy định đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Công ty theo nguyên tắc phù hợp với nhu cầu cần thiết cho hoạt động của công ty và giá trị còn lại của tổng tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ của công ty. Quy định “không vượt quá 50% vốn điều lệ của công ty” là chưa phù hợp, giới hạn về phần này khiến các AMC vướng mắc trong hoạt động nếu muốn đầu tư cho các hoạt động lớn. Vì vậy, Ban chủ nhiệm CLB đề xuất bỏ hoặc sửa đổi quy định để tăng tính chủ động cho hoạt động kinh doanh của AMC.

Sàn giao dịch nợ VAMC chưa có nhiều AMC tham gia

Sàn giao dịch nợ VAMC (Sàn giao dịch nợ) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021 nhằm minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, đồng thời hướng tới mục tiêu đưa VAMC trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của tổ chức tín dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Lũy kế đến 15/5/2023, tổng số thành viên đã được cấp user tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch nợ là 188 thành viên. Số lượng hợp đồng nguyên tắc môi giới bán là 20 hợp đồng, với tổng giá trị khoản nợ và tài sản bảo đảm hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó có 630 tài sản bảo đảm và 310 khoản nợ đã được đăng tải... Dù đạt được một số kết quả nhất định song Sàn giao dịch nợ vẫn còn một số vướng mắc trong hợp tác với các AMC. 

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC, cho biết, nhiều TCTD có mô hình đặc thù, các AMC chưa được giao việc xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng dẫn đến nhiều AMC chưa sẵn sàng tham gia Sàn giao dịch nợ mà chỉ có các ngân hàng tham gia.

vamc.jpg
Ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Minh Ngọc.

Mặt khác, các AMC đã tham gia là thành viên của Sàn giao dịch nợ nhưng việc đăng tải thông tin các khoản nợ, tài sản bảo đảm (TSBĐ) chào bán cũng như sử dụng các dịch vụ của Sàn giao dịch nợ còn hạn chế.

“Sàn giao dịch nợ là một mô hình hoạt động trong việc giao dịch loại hàng hóa đặc thù do vậy một số AMC còn có tâm lý thăm dò, theo dõi hoạt động của Sàn giao dịch nợ, chưa tham gia. Trong khi Sàn giao dịch nợ cần phải có thời gian và sự chung tay phối hợp, hỗ trợ của các AMC và TCTD”, ông Vũ Ngọc Minh nói.

Ông Vũ Ngọc Minh đề nghị các AMC hỗ trợ, phối hợp tăng cường sử dụng dịch vụ của Sàn giao dịch nợ, trong đó có việc đăng thông tin các khoản nợ, TSBĐ chào bán trên Sàn giao dịch nợ, đặc biệt là các khoản nợ, TSBĐ mà các AMC đang tổ chức bán đấu giá nhằm chung tay xây dựng và dần tạo lập được thị trường mua bán nợ theo định hướng của NHNN, Chính phủ.

Bên cạnh đó, phối hợp và triển khai mạnh mẽ hoạt động mua bán nợ thị trường với Sàn giao dịch nợ nói riêng và VAMC nói chung nhằm đẩy nhanh, mạnh quá trình xử lý nợ xấu.

Đối với các AMC có chức năng đầu tư, kinh doanh có thể tăng cường phối hợp với Sàn giao dịch nợ và là thành viên của Sàn giao dịch nợ để từ đó Sàn giao dịch nợ có thể giới thiệu các khoản nợ, TSBĐ phù hợp với mục tiêu đầu tư của các AMC.

Ông Vũ Ngọc Minh cũng đề nghị các AMC thường xuyên tạo điều kiện hỗ trợ để Sàn giao dịch nợ VAMC thường xuyên được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình xử lý nợ xấu, đóng góp ý kiến cho mô hình Sàn giao dịch nợ VAMC ngày càng hoàn thiện hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại toạ đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các AMC, đồng thời khẳng định sẽ tổng hợp và có phuơng án giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng, nợ xấu đang là vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, vì vậy vai trò của CLB AMC cũng cần được phát huy hơn nữa.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các AMC tự đánh giá chính xác thực trạng hoạt động của mình, từ đó thực hiện tốt hoạt động khai thác và xử lý tài sản, sau đó là quản lý tốt hoạt động môi giới, đồng thời phối hợp xử lý thông qua Sàn giao dịch nợ VAMC.

Về Sàn giao dịch nợ VAMC, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhận thấy còn nhiều nhiều vướng mặc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý, nếu giải quyết được các khó khăn này thì sàn giao dịch sẽ rất sôi động. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cũng kêu gọi các AMC, các TCTD tham gia Sàn giao dịch nợ VAMC. 

Thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng và CLB AMC sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo nhằm làm rõ và tìm ra giải pháp những vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ, cũng như những khó khăn mà Sàn giao dịch VAMC đang gặp phải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các công ty mua bán nợ để nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO