Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp| 02/08/2020 09:23
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đề xuất một số giải pháp tháo gỡ các rào cản nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển (ĐTPT) của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư.

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu những rào cản đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển (ĐTPT) của Nhà nước. Thông qua phân tích các điều kiện cho vay nguồn vốn này theo quy định hiện hành của Chính phủ, đặt trong mối tương quan với điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), bài viết chỉ ra những rào cản chủ yếu mà doanh nghiệp vay vốn phải đối mặt liên quan đến thủ tục vay vốn, tài sản bảo đảm tiền vay (BĐTV) và lãi suất cho vay. Trên kết quả phân tích đó, tác giả đề xuất một số giải pháp tháo gỡ các rào cản nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư.

REMOVING OBSTACLES FOR ENTERPRISES IN ACCESSING CREDIT FROM THE STATE FOR DEVELOPMENT INVESTMENT

Abstract: This article studies the obstacles for enterprises in accessing credit from the State for development investment. By analyzing lending conditions of this capital source currently regulated by the Government in comparison with those of commercial banks regulated by the State Bank of Vietnam, the article points out main obstacles that enterprises have to face with relating to lending procedures, security assets and lending rates. Based on the result of the analysis, the author suggests some solutions to remove obstacles with the aim to encouraging enterprises to use the State’s development investment credit for carrying out investment projects.

Đặt vấn đề

Trong hoạt động kinh doanh, vốn là yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào và có ảnh hưởng rất quan trọng đến quy mô và hiệu quả của doanh nghiệp. Vốn kinh doanh có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả vốn góp của chủ sở hữu, vốn tín dụng và vốn trong thanh toán…

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, do quy mô nguồn vốn chủ sở hữu thường không lớn nên đa phần doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng, trong đó phổ biến là vốn vay tại các NHTM. Tuy nhiên, do nguồn vốn này có lãi suất tương đối cao, trong khi thời hạn cho vay thường không dài nên không đáp ứng được yêu cầu sử dụng để đầu tư vào một số loại dự án có khả năng sinh lời thấp và thời gian thu hồi vốn kéo dài. Chính vì vậy, trong trường hợp có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư phát triển (ĐTPT) trong một số lĩnh vực đặc thù được Chính phủ khuyến khích, các doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước thay vì vay vốn từ các NHTM.

Trải qua gần 20 năm triển khai, chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước đã có sự thu hẹp đáng kể về đối tượng cho vay cũng như các điều kiện ưu đãi. Tuy nhiên, so với nguồn vốn vay của các NHTM, nguồn vốn ĐTPT của Nhà nước hiện nay vẫn có một số điểm hấp dẫn với thời hạn cho vay tương đối dài, lãi suất cho vay không cao và không phải trả một số loại phí như khi vay vốn từ NHTM (phí trả nợ trước hạn, phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng, phí thu xếp cho vay hợp vốn, phí cam kết rút vốn…). Mặc dù vậy, để được sử dụng nguồn vốn này, các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo những quy định chặt chẽ của Chính phủ. Chính những quy định này trong một số trường hợp lại trở thành rào cản đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

Trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động các loại nguồn vốn nhằm mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, việc tháo gỡ các rào cản trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước là một việc làm cần thiết, khi mà nguồn vốn này vẫn là một kênh tài trợ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện một số loại dự án đầu tư nằm trong danh mục được Chính phủ quy định.

Những rào cản chủ yếu trong tiếp cận vốn tín dụng ĐTPT

Tín dụng ĐTPT của Nhà nước thực chất là một biện pháp hỗ trợ về nguồn vốn từ Nhà nước đối với các doanh nghiệp dưới hình thức cho vay thông qua một định chế tài chính chuyên biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đầu tư vào một số loại dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng thuộc những ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn mà Nhà nước ưu tiên đầu tư.

Chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước hiện hành được quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP. Theo đó, có khoảng 20 loại dự án đầu tư thuộc lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp hoặc dự án đầu tư thực hiện tại một số địa bàn đặc thù (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135, các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang) thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Số vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Thời hạn của mỗi khoản vay do VDB quyết định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn, tối đa có thể lên tới 15 năm (đối với dự án thuộc nhóm A) hoặc 12 năm (đối với các dự án khác).

Mặc dù được xây dựng và vận hành với mục đích tạo ra một công cụ hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp, song chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước hiện nay vẫn có những quy định chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của các doanh nghiệp hoặc tình hình của thị trường tài chính, vô hình chung tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Có thể nhận ra những rào cản đó thông qua việc phân tích một số quy định về điều kiện vay vốn trong chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước sau đây:

Một là, về thủ tục vay vốn

Để được vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, các doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của Chính phủ. Ngoài những điều kiện thông thường vẫn phải đáp ứng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng (về năng lực pháp luật của khách hàng, về mục đích sử dụng vốn vay, về hiệu quả của dự án, phương án vay vốn…), các doanh nghiệp còn phải đáp ứng một số điều kiện tương đối khác biệt. Chẳng hạn, theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, để được chấp thuận cho vay và giải ngân vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, doanh nghiệp vay vốn còn phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công(1) cũng như thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu(2)…

Việc phải tuân thủ đầy đủ các quy định nói trên, đặc biệt là những quy định liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu, thường đòi hỏi rất nhiều hồ sơ được cấp bởi nhiều cơ quan khác nhau, trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam lại không có kinh nghiệm thực hiện các thủ tục này. Do đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể hoàn thành đủ các thủ tục theo quy định để được vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, hoặc vẫn hoàn thành đủ các thủ tục này nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Điều đó đã khiến cho doanh nghiệp thấy e ngại khi vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

Ngược lại với tình trạng này, doanh nghiệp vay vốn tại NHTM rất ít khi phải đáp ứng yêu cầu về các hồ sơ, thủ tục nói trên, đặc biệt là những thủ tục đòi hỏi mất nhiều thời gian liên quan đến đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu. Đây cũng là điểm khiến nhiều doanh nghiệp thích lựa chọn nguồn vốn vay của NHTM do giảm thiểu thời gian rút vốn vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, về tài sản bảo đảm tiền vay

Tài sản BĐTV luôn là một vấn đề thách thức đối với các doanh nghiệp khi phát sinh nhu cầu sử dụng vốn từ các tổ chức tín dụng. Đối với những doanh nghiệp thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng không có nhiều tài sản để cầm cố, thế chấp thì vấn đề BĐTV lại trở thành một rào cản khó có thể vượt qua để tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng.

Còn xét riêng trong hoạt động cho vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, yêu cầu về BĐTV tuy đã được quy định tương đối thông thoáng, song với điều kiện của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, thì yêu cầu về BĐTV vẫn có thể coi là một rào cản lớn. Theo đó, ngoại trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định, còn lại các trường hợp khác khi vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước để đầu tư dự án, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp BĐTV tại VDB theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, với biện pháp BĐTV do VDB xem xét, quyết định cụ thể đối với từng dự án.

Quy định nêu trên cho thấy, mặc dù có thể BĐTV bằng các hình thức khác nhau phù hợp với quy định của pháp luật và mức độ rủi ro của khoản vay, song nhìn chung, các doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước đều phải thực hiện việc BĐTV bằng tài sản, cho dù đó có thể là tài sản của doanh nghiệp hoặc của bên thứ ba, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Trong khi đó, cơ chế BĐTV áp dụng cho các doanh nghiệp vay vốn tại NHTM do NHNN quy định lại có phần thông thoáng và cởi mở hơn. Theo đó, các doanh nghiệp có thể được vay vốn mà không cần tài sản BĐTV nếu thoả thuận được với NHTM, bởi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN cho phép các NHTM được quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp BĐTV. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với một số trường hợp tổ chức kinh tế vay vốn để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là lĩnh vực có nhiều dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước), các NHTM còn được phép cho vay không có tài sản BĐTV với số tiền cho vay lên đến hàng tỷ đồng(3).

Thực tế hiện nay cho thấy, đối với những khách hàng lớn và có uy tín, các NHTM thực hiện khá phổ biến việc miễn tài sản BĐTV hoặc chỉ yêu cầu BĐTV với giá trị thấp hơn nhiều so với mức vốn vay. Do đó, quy định về BĐTV trong chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước hiện hành, trên phương diện nào đó, đã trở thành một rào cản đối với nhiều doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp có dự án đầu tư hiệu quả nhưng tài sản hình thành từ vốn vay không đủ điều kiện để BĐTV, trong khi bản thân doanh nghiệp không có nhiều tài sản hoặc không có khả năng sử dụng tài sản của bên thứ ba để bảo đảm cho các khoản vay.

Ba là, về lãi suất vay vốn

Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp khi vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải trả lãi vay theo lãi suất được xác định bằng lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm do VDB phát hành, cộng tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của ngân hàng này(4).

Với lãi suất trúng thầu bình quân các lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm mà VDB phát hành trong khoảng 2 năm gần đây thường dao động ở mức 5,2-5,3%/năm, cộng thêm tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB ước tính khoảng 5,0-5,5%/năm, thì lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước nếu tính đủ các chi phí theo quy định nói trên của Chính phủ sẽ nằm trong khoảng 10-11%/năm. Trong khi đó, theo kết quả thống kê của NHNN cùng thời kỳ, lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của các NHTM phổ biến cũng chỉ ở mức 9-11%/năm.

Những số liệu được thống kê và tính toán ở trên cho thấy lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước hiện nay nhìn chung không có gì ưu đãi nếu so sánh với lãi suất cho vay thông thường của các NHTM. Thậm chí, với cơ chế áp dụng lãi suất cho vay như quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước phải chịu mức lãi suất còn cao hơn cả lãi suất cho vay của các NHTM. Nguyên nhân là do Nghị định số 32/2017/NĐ-CP chỉ quy định một mức lãi suất cho vay đối với mọi doanh nghiệp mà không cho phép phân biệt lãi suất theo mức độ tín nhiệm của khách hàng, trong khi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN lại cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Điều đó cũng có nghĩa là những doanh nghiệp có uy tín và có dự án đầu tư hiệu quả hoàn toàn có thể được NHTM cho vay vốn với lãi suất thấp hơn mức lãi suất thông thường, tuỳ thuộc vào mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp cũng như hiệu quả của dự án.

Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam hiện tại, việc thực hiện cơ chế lãi suất tín dụng ĐTPT của Nhà nước như quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP cũng tạo ra một rào cản đối với nhiều doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn này, cho dù đó là doanh nghiệp có uy tín và có dự án đầu tư hiệu quả.

Giải pháp tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình cải cách tài chính công, các ưu đãi trong chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước có xu hướng giảm dần nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tín dụng nhà nước đã đặt ra trong Chiến lược tài chính Việt Nam đến năm 2020, cũng như mục tiêu từng bước giảm cấp bù của Ngân sách Nhà nước được xác định tại Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mặc dù vậy, với những điểm ưu đãi hiện có (như đã chỉ ra ở phần đầu của bài viết), trong nhiều trường hợp cần thực hiện dự án đầu tư vào một số lĩnh vực hoặc địa bàn có điều kiện đặc thù, nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước vẫn là một kênh cung ứng vốn ĐTPT quan trọng được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn khi xây dựng phương án tài chính của dự án.

Từ những phân tích nêu trên, nhận thấy, mặc dù nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước có thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp để đầu tư cho một số loại dự án, song việc tiếp cận nguồn vốn này chưa thực sự thuận lợi như tiếp cận nguồn vốn vay của các NHTM, trong khi tính chất ưu đãi trong chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước cũng không còn rõ nét như trước đây.

Để góp phần tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn này, các cơ quan quản lý và thực thi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước cần xem xét thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, đối với Chính phủ

- Sửa đổi các quy định về điều kiện vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước liên quan đến lãi suất cho vay và tài sản BĐTV theo hướng cho phép VDB được thực hiện chính sách phân biệt lãi suất cho vay và tỷ lệ BĐTV theo khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín và có dự án hiệu quả được vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước với lãi suất thấp hơn và tỷ lệ BĐTV nhỏ hơn so với các doanh nghiệp khác. Việc áp dụng biện pháp BĐTV hoặc không áp dụng biện pháp BĐTV đối với mỗi khoản vay do VDB quyết định và chịu trách nhiệm theo mức độ rủi ro của khoản vay.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm thiểu chi phí tạo lập nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước làm cơ sở hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, thông qua việc ưu tiên cho VDB được huy động các nguồn vốn có lãi suất thấp từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước hoặc xem xét cấp bảo lãnh để VDB huy động vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế trong trường hợp VDB tìm được nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức này.

Thứ hai, đối với VDB

- Chủ động và tích cực hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước (bao gồm cả các thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư cũng như thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục của dự án) để giảm thiểu thời gian và chi phí liên quan trong việc thực hiện các thủ tục này; tránh trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và chi phí hoàn thiện hồ sơ của dự án vay vốn hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do thiếu các hồ sơ theo quy định.

- Tích cực tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ và đẩy mạnh huy động vốn bằng những hình thức khác nhau đã được cho phép tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB để giảm thiểu chi phí huy động vốn; đồng thời nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý hoạt động của VDB nhằm giảm tỷ lệ chi phí quản lý, làm cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước.

- Chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị rủi ro (bao gồm cả rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản) nhằm giảm thiểu các tổn thất và chi phí phát sinh trong hoạt động tín dụng ĐTPT (đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro), tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước cho doanh nghiệp.

- Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cùng với việc đầu tư các phương tiện hỗ trợ cần thiết (đặc biệt là các thông tin kinh tế, kỹ thuật) nhằm nâng cao chất lượng thẩm định hiệu quả và tính khả thi của dự án cũng như năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vay vốn, làm cơ sở quyết định lãi suất cho vay và biện pháp BĐTV phù hợp với mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp vay vốn và rủi ro của khoản vay.

Kết luận

Tiếp cận tín dụng là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia. Do đó, để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, thì nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng trong nền kinh tế là công việc tất yếu phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Các giải pháp được đề xuất trong bài viết này tuy chưa giải quyết triệt để các điểm vướng mắc trong chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước, song nếu được triển khai thực hiện trong thực tế sẽ có tác dụng tích cực trong việc tháo gỡ những rào cản chủ yếu về điều kiện cho vay, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đối với nguồn vốn này.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công các giải pháp nói trên, bên cạnh sự ủng hộ của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa đổi chính sách tín dụng ĐTPT của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của VDB trong việc nâng cao năng lực mọi mặt của chính mình, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro. Có như vậy thì việc cho vay vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước mới đảm bảo được yêu cầu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng lại vừa không gây rủi ro, tổn thất cho Nhà nước và VDB.

Chú thích:

(1) Theo quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, vốn đầu tư công bao gồm cả vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước. Hiện nay, theo quy định tại Luật Đầu tư công (sửa đổi) số 39/2019/QH14, vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước không còn được coi là vốn đầu tư công, tuy nhiên luật này đến năm 2020 mới bắt đầu có hiệu lực.

(2) Theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, dự án có sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án phải thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

(3) Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP quy định một số tổ chức kinh tế được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức: tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Trong khi đó, Điều 14 Nghị định này quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản BĐTV tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; còn các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản BĐTV tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.

(4) Điều 9 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP quy định: Lãi suất cho vay tín dụng ĐTPT của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu VDB được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời gian 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất cộng tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ chi phí quản lý ổn định trong thời kỳ 3 năm, đảm bảo cho VDB đủ nguồn kinh phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Tài liệu tham khảo:

-  Hồng Anh (2019), “Tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 14%”, Báo Nhân dân điện tử, đăng tải ngày 07/01/2019, truy cập tại https://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38823302-tang-truong-tin-dung-nam-2018-dat-14.html.

-  Nguyễn Cảnh Hiệp (2017), “Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước: nhìn từ yếu tố lãi suất”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 8 (471).

- Nguyễn Cảnh Hiệp (2018), “Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng vốn tín dụng ĐTPT của Nhà nước”, Tạp chí Thị trường Tài chính - tiền tệ, số 24 (513).

- NHNN (2019), “Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần (từ 04-08/11/2019)”, Cổng thông tin điện tử NHNN, đăng tải ngày 15/11/2019, truy cập tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/SBV402286//idcPrimaryFile&revision=latestreleased.

-  Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

-  Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

- Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020.

- Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

  Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 3+4 năm 2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO