(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chuyển 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để chi cho phòng, chống dịch COVID-19.
100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành biểu quyết thông qua phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 |
Chiều ngày 22/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; rà soát các nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc tiết kiệm triệt để, cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết hoặc không triển khai do dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, tổng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng.
Về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi năm 2021, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Tổng hợp chung nhu cầu Trung ương phải chi để mua vaccine và chi cho công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới khoảng 36-40 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã có văn bản đề nghị bổ sung nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19, căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn nêu trên để chi cho công tác phòng chống dịch, trong đó, tập trung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, do đây là các địa phương đang phải lo toàn bộ kinh phí thực hiện phòng chống dịch COVID-19.
Đối với các địa phương khác, Trung ương sẽ hỗ trợ kịp thời khi có báo cáo của địa phương theo quy định.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn lực từ ngân sách Trung ương số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 như Chính phủ trình; giao Chính phủ xử lý nguồn lực dự phòng này để ưu tiên chống dịch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước và nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn dự phòng NSTW năm 2021 với số tiền là 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2021 như Chính phủ trình, giao Chính phủ sử dụng nguồn bổ sung dự phòng này để ưu tiên phòng chống dịch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Chính phủ đảm bảo việc thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí phải thực hiện đúng Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội là cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên và thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, không được ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhất là việc trả lãi, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; rút kinh nghiệm khắc phục việc dự báo chưa sát, dẫn đến dư tiền chính sách chưa sử dụng hết, báo cáo chậm các nội dung cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội;
Cần bám sát diễn biến thực tế để điều hành theo thẩm quyền hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đảm bảo tăng thêm nguồn NSTƯ và ngân sách địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tài khòa cho công tác phòng chống dịch và duy trì, khôi phục, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, bảo đảm chế độ chính sách cho những người tham gia phòng chống dịch, nhất là những người ở tuyến đầu.
Riêng về một số nội dung, Chính phủ đề xuất nguồn về cải cách tiền lương thì cần có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và được Quốc hội cho phép, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương tổng hợp các báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu, nguồn vốn cho phòng chống dịch COVID-19 để báo cáo ra Hội nghị Trung ương và báo cáo tại Kỳ họp sắp tới của Quốc hội; có chỉ đạo khẩn trương xây dựng các văn bản sử dụng Quỹ vaccine ở địa phương.
Với 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành các nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì phối hợp với Uỷ ban Pháp luật khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng Nghị quyết, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 3, sau 8 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, hoàn thành chương trình đề ra để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp Quốc hội và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.