(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2021 là năm đầy thử thách, khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng chưa từng có của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc. Điều này cho thấy, thể chế đang có của thị trường chứng khoán là phù hợp với nền kinh tế phát triển nhanh và bền như Việt Nam.
"Thị trường chứng khoán là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt hơn khi đây là đầu mối cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế", nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Năm 2021, Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ hơn của đại dịch COVID-19 khiến GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17%. Khoảng 120.000 doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn lên đỉnh ngoạn mục về cả điểm số và thanh khoản.
VN-Index đánh dấu vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với hai lần chạm tới vào năm 2007 và 2018. Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và đạt đến đỉnh cao mới quanh 1.500 điểm.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính GDP năm 2020). Thanh khoản thị trường tiếp tục xác lập những kỷ lục mới. Tính bình quân, giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm ngày 17/12/2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường. Đặc biệt, thanh khoản sàn HOSE đã tiến sát ngưỡng 45.560 tỷ đồng/phiên xác lập ngày 23/12/2021. Không chỉ trên HOSE, thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng tăng bứt phá, lần lượt đạt 3.126 tỷ đồng/phiên và 1.592 tỷ đồng/phiên.
Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, năm 2021 chứng kiến việc nhà đầu tư trong nước đã tham gia vào thị trường chứng khoán một cách hồ hởi khi họ nhìn thấy được cơ hội trải nghiệm và lợi nhuận trong kinh doanh.
Số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục trong năm. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thời gian qua, tác động của đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, song với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, thị trường vẫn có nhiều bước đột phá.
Đây cũng là cơ sở để củng cố niềm tin rằng, trong năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, minh bạch. Song song với đó, những vấn đề phát sinh, những rủi ro sẽ được cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết, qua đó giúp thị trường chứng khoán tiếp tục vận hành đúng hướng.
Về triển vọng, mục tiêu của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết phấn đấu đưa thị trường trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ về các nhóm giải pháp để tiếp tục đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu, huy động vốn lớn hơn qua hệ thống ngân hàng, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện cơ sở pháp lý. Đây là điểm tựa quan trọng cho sự đi lên của thị trường. Các giải pháp tiếp theo sẽ là cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ ra không ít thách thức của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đó là chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương các nước, lạm phát cao, diễn biến dịch bệnh phức tạp khó đoán, giá nguyên liệu đầu vào tăng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có xu hướng giảm...
“Để thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính định hướng phát triển trong 10 năm tới. Dự kiến sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán gắn với đó là công tác tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường”, ông Dũng cho biết.