Chứng khoán

"Thị trường chứng khoán đang trong uptrend mới, VN-Index có thể lên 1.326-1.350 điểm"

Hoàng Hà 05/03/2024 17:17

Chuyên gia của Chứng khoán VPBankS cho rằng, VN-Index đang trong uptrend mới nhờ 2 động lực đến từ câu chuyện nâng hạng thị trường và đà phục hồi của doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ từ các động lực này, khả năng VN-Index có thể đạt được mức 1.326-1.350 điểm trong năm 2024.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS

Tại tọa đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc” tổ chức sáng nay (ngày 5/3), các chuyên gia đều cho rằng sự phục hồi về lợi nhuận của các doanh nghiệp sau năm 2023 sụt giảm sẽ là một trong những động lực chính giúp thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phân tích cổ phiếu thuộc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng, năm 2024 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo đó, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng khoảng 15-16% so với năm 2023. "Mức tăng này có thể chưa hấp dẫn với nhà đầu tư nhưng theo quan điểm của chúng tôi năm 2024 mới chỉ là năm đầu tiên của quá trình phục hồi. Sự phục hồi và tăng trưởng sẽ kéo dài sang cả năm 2025 nữa với kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 2 con số”, bà Trang nêu quan điểm.

ba-trang3-4403.png
Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phân tích cổ phiếu của SSI Research

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã tạo đáy trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi dần trong quý III và quý IV/2023, sang đầu năm 2024. Trong quá trình tạo đáy và phục hồi như vậy, có một động lực rất lớn từ việc hạ dần lãi suất trong nửa cuối năm 2024.

"Về cơ bản tôi nhận thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp đã tạo đáy. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có nhanh hay không vẫn phục thuộc vào nền tảng của kinh tế hiện nay. Cụ thể là mặt bằng lãi suất có hạ sâu thêm được hay không và thứ hai là bối cảnh kinh tế toàn cầu có phục hồi nhưng sẽ chậm. Do đó, các nhóm ngành trong năm 2024 đang trên đà phục hồi nhưng chưa thể nhanh được", chuyên gia của VPBankS nói.

Đồng quan điểm, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán DNSE cho rằng, để hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp, cần phải giúp doanh nghiệp giải bài toán về chi phí vốn, đồng nghĩa với việc các ngân hàng cần hạ lãi suất sớm hơn.

VN-Index đang trong uptrend, có thể lên 1.326-1.350 điểm

Nhận định về xu hướng của thị trường trong năm 2024, ông Hồ Sỹ Hòa cho rằng, trên cơ sở tốc độ tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 dự phóng ở mức 15 -16%, cộng thêm định giá thị trường theo P/E khoảng hơn 14 lần, ở kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm. Còn trong điều kiện TTCK được nâng hạng, VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Trần Hoàng Sơn cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong chu kỳ tăng điểm (uptrend) mới. Uptrend này đến từ hai động lực: Thứ nhất là định hướng chính sách với động lực tăng trưởng hai năm tới là câu chuyện nâng hạng thị trường; Thứ hai là đà phục hồi của doanh nghiệp. Hai động lực này sẽ đảm bảo cho TTCK năm 2024 có một mức tăng trưởng khá tốt. Theo đó, VN-Index có thể đạt được mốc 1.326-1.350 điểm trong năm 2024.

"VN-Index hiện tại đang ở gần sát ngưỡng 1.300 điểm, là mốc nhà đầu tư cần chú ý bởi vì chúng ta đã trải qua con sóng khá dài từ đáy tháng 11 năm ngoái. Đến hiện tại, thị trường đã trải qua 4 tháng tăng điểm liên tiếp. Với thị trường chứng khoán toàn cầu, chúng ta đã có 8 tháng tăng điểm, chu kỳ tăng điểm đã khá dài. Nên trong năm 2024, thị trường sẽ có khoảng 1-2 sóng điều chỉnh mạnh và sau đó thị trường sẽ đi lên”, ông Sơn lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, sau nhịp tăng nóng và điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư có thể sẽ gặp khó khăn, đâu đó có khả năng mất niềm tin vào thị trường trong ngắn hạn nên nhà đầu tư cần tính toán trước những điểm kháng cự của thị trường như 1.326 điểm, 1.350 điểm. Đây là mốc điểm nhà đầu tư tránh việc mua đuổi. Khi thị trường điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ thấp hơn như 1.160 – 1.200 điểm, có thể vị thế mua mới sẽ được mở ra.

Về chu kỳ dài hạn hơn, chuyên gia của VPBankS đánh giá khi Việt Nam đón sóng nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường có thể quay trở về chu kỳ như giai đoạn 2006 - 2007, 2016 - 2017, VN-Index tăng lên mức rất cao, thậm chí có thể vượt đỉnh năm 2022. Nhưng con sóng này có thể không diễn ra trong năm 2024, mà khả năng phải sang năm 2025 hoặc 2026.

Trong ngắn hạn, chuyên gia của VPBankS lưu ý nhà đầu tư nên đặc biệt chú ý đến những vùng kháng cự mạnh. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần để ý đến định giá nhiều nhóm ngành đã phục hồi sớm trong thời gian vừa qua như chứng khoán, ngân hàng, thép.

“Có thể trong giai đoạn nóng nào đó, định giá không còn quá rẻ so với lợi nhuận lũy kế 12 tháng gần nhất. Vì vậy, thị trường sẽ có những giai đoạn điều chỉnh lại định giá trước khi kết quả kinh doanh mới tích cực hơn, bổ sung dữ liệu cho thị trường để tái định giá lại”, ông Sơn nói thêm.

chuyen-gia-5249.png
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Nhóm ngành nào sẽ dẫn sóng?

Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt thị trường trong năm 2024, chuyên gia của VPBankS cho rằng, theo số liệu thực tế thời gian gần đây, số 1 vẫn là nhóm ngân hàng. Nhóm ngành này vừa có vốn hóa lớn, có thể tác động lên chỉ số vừa thu hút tỷ trọng giao dịch lớn nhất trên toàn thị trường. Trong giai đoạn dẫn sóng vừa qua, nhóm cổ phiếu này chiếm khoảng 30% tổng thanh khoản của thị trường, cho thấy sức hút của nhóm ngành Ngân hàng rất lớn.

Nhóm ngành thứ hai là chứng khoán. Đây luôn là nhóm ngành được nhà đầu tư yêu thích trong năm 2023 và đầu 2024 vì câu chuyện phục hồi về mặt lợi nhuận rất rõ. Thứ hai là câu chuyện nâng hạng.

Nhóm ngành thứ ba liên quan đến xây dựng và vật liệu xây dựng, trong đó đáng chú ý là nhóm thép. Ngoài ra, nhóm xây dựng hạ tầng cũng được nhà đầu tư chú ý vì Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công rất mạnh mẽ trong 2 năm gần đây.

Đây là 3 nhóm ngành đang dẫn sóng về mặt xu hướng dòng tiền, chiếm tỷ trọng lớn nhất trên toàn thị trường. Còn lại một số nhóm ngành nhỏ nhà đầu tư khá yêu thích như bất động sản khu công nghiệp khi có làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc sang; hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam được đánh giá tốt, nhiều tuyến cao tốc hình thành trong những năm gần đây; giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng. Cuối cùng, một số bạn hàng của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore quay trở lại đầu tư FDI vào Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong năm 2023, ví dụ SAB, MWG, GAS, VNM. Đây đều là những mã trụ cột nhưng nằm trong xu hướng giảm giá vì chịu áp lực rút ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài vào nửa cuối năm 2023.

"Trong năm 2024, kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, dòng vốn ngoại trở lại, khi đó tiền sẽ phân bổ trở lại những cổ phiếu bị bán ròng trong thời gian vừa qua. Thực tế, nhóm này cũng đã có sự khởi động tăng trở lại. Nếu nhóm vốn hóa lớn này bức tốc, thị trường sẽ có giai đoạn phục hồi khá tích cực", ông Sơn nói.

Dù kỳ vọng năm 2024 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp, song bà Phạm Huyền Trang đánh giá sự phục hồi sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành. Những ngành đã tạo đáy từ trước, với nền rất thấp năm ngoái như thép, bán lẻ, chứng khoán, một số ngành liên quan đến xuất khẩu thì năm nay sẽ tăng trưởng rất mạnh.

Ngoài ra, theo bà Trang nhóm bất động sản khu công nghiệp với tình hình thu hút FDI khả quan của Việt Nam cũng có khả năng tăng trưởng tốt trong năm nay.

Ngược lại, sẽ có những nhóm ngành có sự tăng trưởng trễ hơn do còn phụ thuộc vào bức tranh vĩ mô nhiều hơn, ví dụ như ngành bất động sản hoặc ngân hàng. Kỳ vọng năm 2025 ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Thị trường chứng khoán đang trong uptrend mới, VN-Index có thể lên 1.326-1.350 điểm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO