Thị trường tài chính thế giới trong nửa đầu năm 2020: Sự ổn định đang bị đe dọa

 Phạm Xuân Sơn - ThS. Nguyễn Thu Trang| 14/11/2020 08:14
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những cú sốc của kinh tế thực ảnh hưởng mạnh đến diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, làm gia tăng sự bất ổn với những biểu hiện cụ thể là: thị trường biến động mạnh,  áp lực dòng vốn ra và áp lực về tỷ giá so với đồng USD, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi, rủi ro nợ trong khu vực công và khu vực tư nhân gia tăng.

Kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID - 19. Sự bùng phát của dịch bệnh, với đỉnh điểm vào tuần cuối của tháng 2 và trong suốt tháng 3 đã đem đến những xáo trộn trong đời sống, kinh tế của hầu hết các nền kinh tế. Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như giãn cách, cách ly xã hội đã dẫn đến sự gián đoạn đáng kể các dòng chảy kinh tế trên toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia. Các nhà máy sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực không thiết yếu phải đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh, lạm phát sau bao nỗ lực để đưa về điểm kỳ vọng lại quay trở lại mức thấp, sức mua giảm rõ rệt… Điều đáng nói là tình trạng dịch bệnh và đình trệ kinh tế lại diễn ra mạnh mẽ tại các đầu tàu kinh tế của thế giới với xuất phát điểm là Trung Quốc sau đó là Mỹ, khu vực châu Âu, Nhật Bản… Những dữ liệu kinh tế suy giảm trên diện rộng trong những tháng đầu năm, đặc biệt thấp hơn so với mốc so sánh là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã phần nào ủng hộ cho dự báo kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020, đặc biệt là thực tế đó đã xuất hiện về mặt kỹ thuật tại Nhật Bản.

Những cú sốc của kinh tế thực có ảnh hưởng mạnh đến diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, làm gia tăng sự bất ổn với những biểu hiện cụ thể là: thị trường biến động mạnh, áp lực dòng vốn ra và áp lực về tỷ giá so với đồng USD, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi, rủi ro nợ trong khu vực công và khu vực tư nhân gia tăng.

Thị trường tài chính, ngoại hối biến động mạnh

 Các thị trường tài chính trên toàn cầu phần lớn đã có một xuất phát điểm không tích cực ngay từ tháng đầu tiên của năm 2020, và diễn biến ngày càng xấu đi, ghi nhận những biến động mạnh chưa từng có kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng tại các nền kinh tế, khu vực kinh tế lớn.

Thị trường tài chính từ châu Á, châu Âu và Mỹ đều sụt giảm rất mạnh. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng đầu năm – TTCK toàn cầu đã ghi nhận quý điều chỉnh giảm mạnh nhất từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Chỉ số MSCI ACWI giảm liên tục trong cả 3 tháng và mức giảm tăng dần qua các tháng, trong đó tháng 1 giảm 1,02%, tháng 2 giảm 8,21% và tháng 3 giảm 13,21%, kết thúc quý I giảm 22,44% so với cuối năm ngoái.

Xu hướng giảm trầm trọng xuất hiện trên tất cả các thị trường lớn. Trong đó, đáng chú ý Phố Wall đã phải 3 lần dừng giao dịch khẩn cấp do thị trường giảm giá quá mạnh (đều trên 7%). Kết thúc quý I, chỉ số Dow Jones giảm 24,81% so với cuối năm ngoái, chỉ số S&P 50 giảm 21,09% và chỉ số Nasdaq giảm 14,51%. Tiếp đến, chỉ số Euro Stock của khu vực châu Âu đã giảm 27,63% từ đầu năm đến nay, trong đó tháng 3 ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên đến 16,3%. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên các thị trường Anh, Pháp, Đức, Italia đều ghi nhận mức điều chỉnh mạnh xấp xỉ 30% trong quý I. Tại khu vực châu Á, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 21,06% so với cuối năm ngoái. Một số thị trường chứng khoán (TTCK)  trong khu vực là những đối tác thương mại đầu tư lớn với Trung Quốc như các TTCK Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam đã ghi nhận những mức điều chỉnh giảm mạnh lên đến trên 30%.

Sự biến động mạnh của giá chứng khoán trong thời gian này chủ yếu chịu tác động từ những quan ngại về rủi ro suy thoái kinh tế trên diện rộng, sự bất ổn gia tăng, áp lực đòn bẩy nợ,.. đã tạo nên tâm lý hoảng loạn, bán tháo để thu hồi tiền mặt. Diễn biến này chính là sự phản ứng của thị trường đối với sự đình trệ của kinh tế trong đại dịch, đặc biệt là sự sụt giảm cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không, năng lượng, các định chế tài chính và sản xuất.

Tuy nhiên, xu hướng suy giảm đã đảo chiều kể từ tháng 5 cho tới nay, TTCK toàn cầu đã tăng điểm trở lại, tăng hơn 40% từ mức đáy của tháng 3. Diễn biến của thị trường đã rất tốt trong tháng 6 khi chứng khoán Mỹ đã lấy lại mức giảm từ đầu năm, TTCK châu Á cũng có được chuỗi tăng điểm kéo dài, chứng khoán khu vực đồng euro cũng ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2015. Diễn biến này đã khiến cho các nhà đầu tư thận trọng hơn trước nguy cơ “bong bóng” của thị trường khi xuất hiện hiện tượng mua quá (over bought), hiện tượng đầu cơ và chuỗi tăng kéo dài.

Bên cạnh những biến động mạnh của TTCK toàn cầu, thị trường ngoại hối cũng ghi nhận sự mất giá mạnh của nhiều đồng tiền chủ chốt so với đồng USD, sự tăng giá ngoạn mục của vàng trong bối cảnh rủi ro và bất ổn gia tăng.

Trong đại dịch, mặc dù các hoạt động kinh tế đã suy giảm nhưng đồng USD tiếp tục tăng giá, kéo dài liên tục trong 4 tháng đầu năm, với tổng mức tăng của chỉ số USD index giao ngay và kỳ hạn đều lớn hơn 3% và mới chỉ có xu hướng giảm trong tháng 5 và tháng 6 với tổng mức giảm là 2,18% đối với USD index giao ngay và giảm liên tục trong quý II đối với chỉ số kỳ hạn với tổng mức giảm lớn hơn 1,7%. Diễn biến tăng của đồng USD được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế quyết liệt của nước Mỹ, nhu cầu đầu tư tài sản an toàn gia tăng và đặc biệt là sự thiếu hụt tạm thời về đồng USD trong lưu thông do nhu cầu nắm giữ tiền mặt gia tăng đột biến trong bối cảnh Mỹ và các nước lớn đang cân nhắc để thông qua các gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ. Trong những thời điểm này, chỉ số USD index đã ghi nhận nhiều phiên giao dịch vượt ngưỡng 100 hoặc đã tăng hơn 8% chỉ trong gần 10 ngày giao dịch. Diễn biến của đồng USD tuy đã đảo chiều trong quý II nhưng khả năng để xuất hiện những đợt tăng giá tiếp theo vẫn còn rất lớn.

Diễn biến chỉ số giá USD index

 

Trước nhu cầu và sức mạnh của đồng bạc xanh, nhiều đồng tiền chủ chốt khác trong các giao dịch thương mại đã giảm, thậm chí nhiều đồng tiền còn giảm rất mạnh. Cụ thể tại khu châu Âu, đồng EUR và đồng bảng Anh (GBP) đều giảm giá so với đồng USD, lần lượt ở mức 0,18% và lớn hơn 6%. Trong đó, diễn biến giảm diễn ra chủ yếu trong quý I và xuất hiện trong 1 tháng của quý II. Diễn biến giảm của 2 đồng tiền mạnh này, ngoài những yếu tố bất lợi kéo dài như vấn đề liên quan đến Brexit, diễn biến kinh tế còn mờ nhạt… các chính sách kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường trong đại dịch, đặc biệt khi châu Âu đã trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống lại sự bùng nổ của dịch COVID - 19, trong đó đáng chú ý là diễn biến tại Italia, Tây Ban Nha,…

Bên cạnh đó, các đồng tiền mạnh khác như đồng đô la Úc (AUD), đô la Canada (CAD) đã trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất, đặc biệt là mức giảm trong quý I, lần lượt lớn hơn 13% và hơn 8%. Mặc dù vậy, mức giảm này đã được thu hẹp nhờ diễn biến tăng trở lại của 2 đồng tiền này trong quý II trước những diễn biến tích cực của giá dầu và của nền kinh tế.

Trong khi đó, các đồng tiền mạnh khác tại khu vực châu Á đã giảm đáng chú ý ngoại trừ đồng Yên Nhật Bản (JPY). Trong đó diễn biến giảm của đồng Nhân dân tệ (CNY) được chú ý nhiều nhất với 3 tháng giảm, giảm lớn hơn  1% trong tháng 3 và tháng 5 là những tháng xuất hiện nhiều thông tin bất lợi nhất cho đồng CNY về dịch bệnh, căng thẳng leo thang với Mỹ và tình hình kinh tế giảm tốc mạnh. Tiếp đến các đồng tiền của các nền kinh tế lớn khác trong khu vực như đồng SGD, THD, MYR, INR, IDR cũng đã giảm trong khoảng 2 – 5% so với đồng USD trong 6 tháng đầu năm, trong đó tất cả các đồng tiền đều giảm mạnh trong quý I, mức giảm dao động trong khoảng 5 – 13%.

Cuối cùng, việc các đồng tiền từ các nền kinh sản xuất hàng hóa như Brazil, Colombia, Mexico, Nga và Nam Phi giảm lớn hơn 20% so với đồng USD trong quý đầu tiên đã tạo ra những cú sốc tiền tệ nhất định trên thị trường tài chính bản địa cũng như diễn biến dòng vốn, lợi tức và việc phát hành các chứng khoán nợ…  của các nền kinh tế này.

Ngoài ra, trên thị trường ngoại hối, vàng là một tài sản đầu tư có mức giá tăng ngoạn mục, vàng giao ngay đã có 4 tháng tăng giá, tăng liên tục trong quý II với tổng mức tăng lớn hơn 17 %, lớn gần gấp đôi so với mức tăng của cùng thời điểm năm ngoái, ghi nhận mức tăng mạnh nhất vào tháng 4 lên đến hơn 7% và biến động mạnh lên đến  +3% - +5%/ ngày giao dịch vào tháng 3.

Lực đẩy chính của giá vàng trong giai đoạn này chính là nhu cầu đầu tư gia tăng mạnh trong bối cảnh bất ổn bao trùm trên toàn cầu. Theo Báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I/2020 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.083,8 tấn do lực mua tăng từ các quỹ đầu tư (ETF) nhằm tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong đại dịch. Các ETF mua vàng tăng 298 tấn trong 3 tháng đầu năm, đẩy tỷ lệ nắm giữ toàn cầu lên mức cao kỷ lục là 3.185 tấn. Diễn biến giá vàng còn nhiều biến động, đã có lúc lên sát mốc 1.900 USD/ounce vào ngày 22/7  và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Áp lực rủi ro tín dụng gia tăng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên toàn cầu vốn được mở rộng sau khủng hoảng 2008 đã có dấu hiệu căng thẳng vào năm 2019 và càng trở nên rõ nét hơn khi bước sang năm 2020. Các điều kiện tín dụng đã xấu đi nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 2/2020 làm rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản tăng cao. Nhu cầu nắm giữ tiền mặt, đặc biệt là nhu cầu đồng đô la tiền mặt và các điều kiện tín dụng thắt chặt đã dẫn đến sự xáo trộn nhất định trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể là chênh lệch lợi tức giữa các loại trái phiếu ngày càng được nới rộng, đặc biệt sự phân hóa thể hiện rõ nét nhất đối với lợi tức trái phiếu của các ngành năng lượng và các ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Trong khi đó, giá của các khoản nợ đòn bẩy (leveraged loans) và nợ dưới chuẩn giảm nhanh chóng. Ngoài ra, lượng trái phiếu phát hành trên toàn cầu đã chững lại, đặc biệt là trái phiếu dưới chuẩn và các trái phiếu phát hành không phải bằng đồng USD. Theo đánh giá của Công ty Morgan Stanley Capital International, chênh lệch lợi tức trên thị trường trái phiếu ở cấp đầu tư (Investment grade bond) đã được mở rộng hơn 230 điểm cơ bản từ khi dịch bệnh bùng phát và nới rộng xấp xỉ 400 điểm cơ bản từ mức thấp được thiết lập vào 7/2007. Tại các thị trường mới nổi và cận biên, chênh lệch lợi tức trái phiếu bằng đồng USD đã lên đến 700 điểm trong quý I/2020 và tại các nước có đồng bản tệ mất giá mạnh mức chênh lệch này đã vượt 1000 điểm.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng và tổ chức tài chính mặc dù đã có nguồn lực hơn so với giai đoạn sau khủng hoảng năm 2008 song cũng cẩn trọng hơn nhiều khi đưa tín dụng ra thị trường trong bối cảnh thu nhập của họ cũng sẽ bị suy giảm, tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng và lãi suất biên sẽ giảm xuống khi các NHTW đều áp dụng lãi suất chính sách thấp.

Dòng vốn ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển gia tăng mạnh

Nhu cầu nắm giữ tiền mặt bằng đồng USD cao hơn đã dẫn tới dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi. Diễn biến này đã xuất hiện ngay từ đầu năm và đạt được con số đỉnh điểm của năm 2008. Dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi đã đạt mức cao kỷ lục,vượt hơn 100 tỷ USD và đạt tỷ lệ cao nhất so với GDP trong quý I/2020, trong đó vấn đề này đã đạt ngưỡng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, ví dụ như Nam Phi và Thái Lan, dòng vốn rút ra khỏi nền kinh tế đã chiếm 1%/GDP trong 2 tháng. Điều đáng chú ý là, dòng vốn rút ra này không chỉ xuất hiện tại thị trường cổ phiếu mà còn đang diễn ra mạnh trên thị trường trái phiếu.

Dòng vốn rút ra nhanh làm cho đà giảm giá của đồng bản tệ tại các nền kinh tế này càng lao dốc và hậu quả là cả khu vực Chính phủ và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề với nợ nước ngoài sẽ gia tăng, chi phí vốn cũng tăng mạnh đối với cả 2 khu vực trên. Tại một số nước, việc thiếu hụt đồng USD và chi phí vốn tăng cao hơn sẽ làm suy giảm tính bền vững của các khoản nợ. 

Chính phủ các nước đã nhanh chóng vào cuộc với các giải pháp khá toàn diện

Như vậy có thể nhận thấy, những bất ổn trên thị trường tài chính trong 6 tháng đầu năm 2020 thật sự đang trở thành mối đe dọa sự ổn định của tài chính trên toàn cầu. Để ngăn chặn những bất ổn này, Chính phủ các nước đã nhanh chóng vào cuộc với các giải pháp khá toàn diện áp dụng trên tất cả các khu vực của nền kinh tế một cách kịp thời, có mục tiêu trọng điểm và đã có những kết quả khá tích cực trong 2 tháng cuối của quý II/2020. Các chính sách tập trung vào vấn đề sức khỏe, tiền lương, chính sách hỗ trợ hộ gia đình, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sự ổn định của thị trường tài chính.

Trong đó, vai trò của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trong việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính là rất lớn. Trong nửa năm vừa qua, nhiều NHTW đã tiếp tục nới lỏng tiền tệ ở mức độ mạnh, thậm chí tại nhiều nước còn phát tín hiệu không giới hạn thông qua việc giảm lãi suất chính sách và mở rộng các chương trình mua tài sản để giảm áp lực cho lãi suất tín dụng trên thị trường; cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng các điều khoản thế chấp, bơm tiền ra thị trường thông qua các công cụ phong phú trên thị trưởng mở; và tại một số nền kinh tế mới nổi hoặc các quốc gia có sự sụt giá mạnh của đồng bản tệ, NHTW đã phải thực hiện các biện pháp can thiệp thị trường như giảm dự trữ ngoại hối, gia tăng sự sẵn có của các hợp đồng hoán đổi, hợp đồng mua lại ngoại tệ…

Mặc dù vậy, với diễn biến của tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là khả năng lây nhiễm vòng 2 tại một số quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những bất ổn trong các quan hệ thương mại giữa các nước lớn có khả năng gia tăng và tình hình suy giảm kinh tế trên diện rộng,… thì rủi ro tiếp tục xuất hiện thêm những biến động xấu trên thị trường tài chính là điều khó tránh khỏi, thậm chí nó còn có thể diễn ra mạnh mẽ hơn và dẫn đến kết quả không mong đợi, đó là phá vỡ sự ổn định của hệ thống tài chính. Trong thời gian tới, nhiệm vụ của NHTW nói riêng và của các cơ quan điều hành quản lý vĩ mô nói chung trong việc điều hành CSTT và các chính sách tài chính sẽ rất nặng nề, “giới hạn” của các chính sách sẽ là trở ngại lớn nhất, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế tiếp tục bị tê liệt. Và khi chính sách hỗ trợ nền kinh tế không phát huy hiệu quả thì sự ổn định của hệ thống tài chính sẽ ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc này chính sách của từng quốc gia sẽ không có nhiều ý nghĩa mà phải cần đến các gói chính sách mang tính “quốc tế” trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, toàn diện.

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu của IMF T4/2020;

- Trang Web của NHTW các nước;

- Báo cáo MSCI, HSBC

- Bloomberg, Investing.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14/2020

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường tài chính thế giới trong nửa đầu năm 2020: Sự ổn định đang bị đe dọa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO