Trong khuôn khổ Dự án tăng cường quản lý rủi ro và cảnh báo sớm khu vực tài chính (tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc qua Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA), ngày 1/12, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với Ban Quản lý Dự án tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Cơ hội và thách thức” tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Hội thảo có sự tham dự của các học giả, chuyên gia nước ngoài và tổ chức quốc tế (Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới), đại biểu đến từ nhiều cơ quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, một số ngân hàng thương mại, cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí, truyền thông.
Nội dung Hội thảo gồm 2 phần chính: (i)Thị trường tài chính Việt Nam - nhận diện rủi ro và các khuyến nghị; (ii) Cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính với các bài tham luận do các diễn giả uy tín trình bày: Đo lường mức độ ổn định thị trường tài chính: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam (Chuyên gia Ngân hàng Thế giới); xây dựng mô hình đánh giá sức chống chịu của hệ thống ngân hàng: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam (Chuyên gia Cơ quan dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc); quản trị rủi ro tín dụng theo Basel 2: Thực trạng ứng dụng các mô hình định lượng tại ngân hàng thương mại (Chuyên gia Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam); kết quả phát triển mô hình cảnh báo sớm thị trường tài chính Việt Nam (Giáo sư nhóm phát triển mô hình của Hàn Quốc); giám sát thị trường tài chính Việt Nam - nhận diện rủi ro và khuyến nghị chính sách (Chuyên gia Ủy ban GSTCQG); chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp (Chuyên gia Ngân hàng Nhà nước).
Ngoài ra, Hội thảo còn có các tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng… về các vấn đề liên quan đến: Lành mạnh hóa thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế; đm bảo an ninh tài chính quốc gia: Thách thức và giải pháp cho Việt Nam; các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng của một số ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam; đo lường chu kỳ tài chính: Ứng dụng phương pháp phân tích quang phổ; Các yếu tố tác động đến cầu tiền ở Việt Nam; ứng dụng công nghệ tài chính trong giám sát tài chính: Kinh nghiệm quốc tế và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Mối quan hệ giữa chu kỳ hoạt động và căng thẳng tài chính của doanh nghiệp: Nghiên cứu từ các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và giám sát tổ chức tài chính có tầm quan trọng đối với ổn định tài chính…
Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và một số cơ quan liên quan của Việt Nam thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) được triển khai trong 5 năm 2021-2025. Mục tiêu của Dự án là xây dựng các công cụ cảnh báo sớm khu vực tài chính, bao gồm bộ chỉ tiêu giám sát, mô hình cảnh báo sớm, mô hình thử sức căng, góp phần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính, qua đó hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc.