(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù chưa xảy ra các vụ tấn công khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện nhằm vào ngân hàng nhưng hàng năm Việt Nam vẫn xảy ra hàng chục vụ liên quan đến công tác bảo đảm an ninh tiền tệ tại các ngân hàng.

Hình minh họa

Thống kê từ Cục trưởng Cục An ninh nội địa (A02), Bộ Công an đưa ra gần đây cho thấy, trong 15 năm ( từ 2003 - 2018), trên thế giới đã xảy ra 8 vụ khủng bố bằng bom nhằm vào trụ sở của các ngân hàng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra một số vụ việc ở một số tỉnh, thành phố, riêng trong ngành ngân hàng, mặc dù chưa xảy ra bất kỳ hoạt động khủng bố đúng nghĩa nhưng cũng đã có những trường hợp gây mất an ninh, an toàn làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, hàng năm cũng xảy ra hàng chục vụ liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn tại các ngân hàng. Đáng chú ý, những vụ việc này có phương thức hoạt động giống như tấn công khủng bố và ngày càng phổ biến, diễn ra phức tạp hơn.

Ví như vụ cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, che giấu tội phạm xảy ra vào đầu năm nay tại một chi nhánh ngân hàng ở Sóc Sơn (Hà Nội); hay trường hợp một chi nhánh ngân hàng ở Uông Bí (Quảng Ninh) phát hiện vật thể nghi là bom đặt tại cây ATM của ngân hàng trên địa bàn vào cuối năm 2018.

Qua các thống kê được cơ quan chức năng công bố cho thấy, lĩnh vực hoạt động ngân hàng là một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng mà đối tượng khủng bố thường xuyên quan tâm, tìm mọi cách tấn công, mua chuộc.

Ngoài ra địa bàn hoạt động, trụ sở làm việc của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng quá rộng, trải dài trên phạm vi toàn quốc, đến tận các huyện, xã trong cả nước dẫn đến công tác phòng chống khủng bố cũng gặp khó khăn.

Thông qua hoạt động ngân hàng trên thế giới, tội phạm thường sử dụng các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận để chuyển tiền, tài sản cho kẻ khủng bố và tổ chức khủng bố. Số tiền tài trợ khủng bố thường là số tiền nhỏ, khó phân biệt với hàng trăm, hàng ngàn giao dịch chuyển tiền kiều hối và chuyển tiền một chiều từ nước ngoài về theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Trước những nguy cơ khủng bố ngành ngân hàng đang đối mặt, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ… Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã luôn đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại và thực hiện tốt công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong Ngành.

Cụ thể, NHNN Việt Nam đã cụ thể hóa Nghị Quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới bằng những nhiệm vụ, nội dung công việc với lộ trình và tiến độ thực hiện nghiêm túc. Thực hiện nghiêm Luật phòng chống khủng bố năm 2013, các văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và của các Bộ, Ngành khác có liên quan; tham gia xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012; Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ về tạm ngưng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

NHNN cũng ban hành các Thông tư, quy định có liên quan đến công tác phòng chống khủng bố, đảm bảo an ninh, an toàn; các chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Ngành làm cơ sở thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nói chung, công tác phòng chống khủng bố của Ngành nói riêng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố cũng đã được NHNN thành lập. Trong quá trình hoạt động, Ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai phương án phòng, chống khủng bố, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng, hội thảo quốc tế lớn tổ chức tại NHNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập vành đai bảo vệ ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO