(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 20/4/2022, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tiếp Đoàn Điều IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris, Trưởng Đoàn điều IV của IMF làm Trưởng đoàn.
Tham dự buổi tiếp còn có đại diện các đơn vị hữu quan của NHNN, bao gồm Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Tại buổi tiếp, bà Era Dabla-Norris, Trưởng Đoàn Điều IV, đã trao đổi với Thống đốc về kết quả đợt làm việc của Đoàn với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, ngân hàng và quỹ đầu tư thuộc khu vực công và tư nhân. Bà Era Dabla-Norris bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 và đầu năm 2022, trong đó chiến dịch triển khai tiêm chủng với quy mô lớn chưa từng có cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã có hiệu quả trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phục hồi một cách tích cực sau làn sóng bùng phát dịch nghiêm trọng những tháng cuối năm 2021. Tiến trình phục hồi trong thời gian tới dự báo sẽ nhanh hơn nhờ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ ban hành từ đầu năm.
Quang cảnh buổi tiếp. |
Bên cạnh những thuận lợi đó, bà Trưởng Đoàn Điều IV cũng chia sẻ triển vọng trong thời gian tới với nhiều rủi ro đáng kể tác động đến tốc độ phục hồi và lạm phát, bao gồm sự gia tăng căng thẳng địa chính trị trong cuộc xung đột Nga – U-crai-na, suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc, thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và những diễn biến trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Do đó, Đoàn chuyên gia IMF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng chính sách nhanh chóng và cân đối, điều chỉnh quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách chủ động và linh hoạt theo tốc độ phục hồi, trong đó, chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách vì dư địa cho chính sách tiền tệ hiện nay là hạn chế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi tiếp. |
Chia sẻ với những đánh giá, nhận định của Đoàn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đánh giá cao những nhận định của Đoàn Điều IV về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là việc IMF ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin trên phạm vi toàn quốc dù bắt đầu chậm hơn so với các nước khác trên thế giới, cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc khôi phục và mở cửa trở lại nền kinh tế. Thống đốc cũng nhất trí với dự báo của Đoàn về những khó khăn, thách thức cũng như biến động khó lường mà NHNN nói riêng và Việt Nam nói chung phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về quan hệ hợp tác giữa hai bên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao cách thức phối hợp ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả thông qua việc nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật theo kế hoạch cho dù bị tác động bởi đại dịch cũng như việc xây dựng các báo cáo nghiên cứu về các chủ để có tính thời sự trong thời gian gần đây. Những hoạt động này thực sự hữu ích cho công tác điều hành của NHNN nói riêng và Việt Nam nói chung, đặc biệt là góp phần quan trọng vào kế hoạch nâng cao năng lực cho cán bộ NHNN để có thể đáp ứng với yêu cầu công việc ngày càng cao. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho biết, trong thời gian tới, theo kế hoạch, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý với việc xây dựng, sửa đổi một số Luật của ngành như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi… Với cơ sở dữ liệu tốt và sự am hiểu chuyên môn sâu rộng, Thống đốc mong nhận được sự quan tâm của Đoàn và IMF trong việc rà soát, tư vấn kinh nghiệm các nước, giúp Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Bà Era Dabla-Norris, Trưởng Đoàn điều IV của IMF phát biểu tại buổi tiếp. |
Kết thúc buổi tiếp, Thống đốc cảm ơn Đoàn Điều IV nói riêng và IMF nói chung và hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, những đánh giá có ý nghĩa và những khuyến nghị chính sách thiết thực của Đoàn, đặc biệt trong bối cảnh VIệt Nam đang phục hồi kinh tế sau đại dịch và nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn tiềm ẩn.
Hàng năm, theo định kỳ, IMF thực hiện các đợt đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thông qua 2 Đoàn công tác: Đoàn Điều IV và Đoàn cán bộ để nghiên cứu cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhằm đưa ra các tư vấn, đánh giá, khuyến nghị về chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, thương mại, doanh nghiệp…