Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự Phiên họp Kinh tế Toàn cầu BIS tháng 3/2021

P.V| 09/03/2021 14:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 8/3/2021, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức Hội nghị Kinh tế Toàn cầu (GEM) tháng 3/2021 với sự tham gia của hơn 50 Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) các quốc gia phát triển và mới nổi tham dự. Hội nghị do Ông Jerome Powell - Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) chủ trì. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham gia và phát biểu tại cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu trụ sở NHNN

Cùng tham dự Hội nghị phía NHNN có lãnh đạo các Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Thanh toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Dự báo thống kê, Vụ Quản lý ngoại hối, và Vụ Hợp tác quốc tế.

Hội nghị GEM tháng III/2021 thập trung thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu, tốc độ hồi phục hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc … kết quả bước đầu của việc triển khai tiêm vắc xin ở các nước, các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng và những cân nhắc về điều hành chính sách của các NHTW, kế hoạch thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh (Pandexit).

Các Thống đốc nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế đã cải thiện. Việc triển khai tiêm vắc xin phổ biến đã giúp cải thiện niềm tin thị trường, lên cao nhất trong vòng 6 năm. Sau khi phục hồi mạnh mẽ vào quý III/2020, tăng trưởng toàn cầu điều chỉnh trong quý IV/2020, ước tính GDP của Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã gây bất ngờ với đà hồi phục khá lớn. Báo cáo BIS nhận định tăng trưởng GDP thế giới dự kiến sẽ chậm lại khoảng 2% trong quý I/2021, trước khi tăng lên mức 8,5% trong quý II/2021.

Tại cuộc họp, các Thống đốc đã trao đổi về công tác điều hành chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Trung quốc, Đức, Hàn quốc, Brazil, thảo luận, chia sẻ về những tiến triển của kinh tế và những thách thức mà các NHTW phải đối mặt ở thời điểm hiện tại. Các Thống đốc cho biết lạm phát đã gia tăng ở một số quốc gia nhưng các biện pháp chính sách hỗ trợ vẫn là yếu tố quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế. Tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm nhưng dịch vụ tài chính và bất động sản có tốc độ mở rộng nhanh. Sản xuất phục hồi rõ nét nhưng rủi ro giao hàng chậm có thể gia tăng, nguồn cung thiếu hụt dẫn đến áp lực tăng giá.

Các NHTW cũng chia sẻ về những rủi ro, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, như nợ công tăng cao, đặc biệt là do phát sinh các khoản chi, đầu tư lớn cho y tế, xã hội, giáo dục và nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Rủi ro giá tài sản giảm vẫn hiện hữu, một số Thống đốc lưu ý về diễn biến thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính. Ngoài ra, các Thống đốc cho rằng đại dịch đã mở ra cơ hội để làm mới nền kinh tế bằng cách dịch chuyển nguồn lực sang các hoạt động kinh tế thân thiện hơn với môi trường, tuy nhiên, tiến trình số hóa, Fintech và cạnh tranh của các công ty công nghệ lớn (bigtech) vẫn là những vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống tài chính ngành ngân hàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về diễn biến kinh tế, tiền tệ tại Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021. Thống đốc cho biết, kinh tế Việt Nam tiếp tục có dấu hiệu hồi phục, lạm phát tháng 2/2021 so với cùng kỳ vẫn ở mức thấp 0,7%, kỳ vọng lạm phát vẫn được neo vững nhờ lòng tin vào khả năng điều hành của Chính phủ và NHNN.

Về tình hình kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã bắt đầu tiêm vắc xin phòng dịch, theo Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 5/3/2021, dự kiến 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng tiêm chủng đũ mũi vắc xin theo từng đợt phân bổ, đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Chính phủ và các cơ quan, đoàn thể, xã hội quyết tâm triển khai mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, là một nền kinh tế nhỏ và mở cửa, diễn biến giá hàng hóa và rủi ro lạm phát trên thế giới hiện nay là những yếu tố mà NHNN phải quan tâm theo dõi sát sao hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. NHNN sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế nhưng sẽ theo sát diễn biến lạm phát, lạm phát kỳ vọng và dự báo lạm phát, sẵn sàng điều chỉnh chính sách khi xu hướng phục hồi kinh tế đi kèm với áp lực lạm phát trở nên rõ ràng hơn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự Phiên họp Kinh tế Toàn cầu BIS tháng 3/2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO