Kết nối

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiêp: Cần "nuôi dưỡng" cả hệ sinh thái

P.V 17/09/2023 18:17

Củng cố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua việc xây dựng mạng lưới chung và hoàn thiện khung khổ pháp lý là chìa khóa tọa tiền đề cho sự phát triển cân bằng, bền vững.

Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững

Bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm của nguồn nguyên liệu, gia tăng số doanh nghiệp giảm quy mô hoặc đóng cửa vĩnh viễn; vấn đề già hóa dân số, thiếu hụt lương thực, ô nhiễm tài nguyên hay việc kiểm soát sự phát triển của trí tuệ nhân tạo...

dsc_8661.jpg
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Phát biểu tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, tất cả những thách thức trên đòi hỏi nỗ lực không phải chỉ của một cá nhân, một tập thể, một quốc gia đơn lẻ, mà phải là sự đồng nhất trong tư duy, hành động của cả thế giới.

Trong bối cảnh đó, một mặt, các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới cho việc phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, cũng tạo ra khuôn khổ phù hợp cho sự phát triển cân bằng, bền vững.

“Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, hiện nay số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang tăng dần lên (khoảng 3.000 doanh nghiệp). Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á; hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới, thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam. Đây là những minh chứng cho một Việt Nam trẻ, năng động với tinh thần và nghị lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nghị sĩ trẻ đến từ Morocco cho biết, trong vài năm trở lại đây, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trở thành những từ khoá, chủ đề nóng hổi được thảo luận ở quốc gia Bắc Phi này. Lĩnh vực này thu hút nhiều doanh nhân trẻ tham gia đầu tư, hoạt động; các cơ quan cũng đang tăng tốc trong ban hành thể chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều vườn ươm, quỹ đầu tư, hiệp hội và doanh nghiệp ra đời để đồng hành với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Morocco dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực này bởi nó có thể đóng góp cho sự phát triển.

Cần thiết lập mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chia sẻ về vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy đổi mới - sáng tạo và khởi nghiệp, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa cho biết, phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi phát mạnh mẽ năm 2016. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ... Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đổi mới, sáng tạo, hướng tới trở thành một trong những trung tâm cung ứng lương thực, thực phẩm chất lượng cao”, ông Phạm Trọng Nghĩa nói.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cũng cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm ở Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng của thế giới với nhiều giải pháp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong khai thác tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận thấy xu hướng các doanh nghiệp lớn, tập đoàn tại Việt Nam cũng đã quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), tham gia sâu hơn vào hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, với vai trò là những nghị sĩ trẻ, đại diện cho các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, các nghị sĩ cần cùng nhau chung tay thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi toàn cầu. Ông Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, các thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để đồng hành cùng Chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, nghị sĩ trẻ Morocco cho biết, các start-up ở Morocco có sự phát triển rất mạnh mẽ và Morocco có cách tiếp cận chủ động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp mới.

Điểm ra một số hình thức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nghị sĩ trẻ Morocco cho biết, Morocco dành nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp với các cơ chế đầu tư mạnh mẽ; hỗ trợ tiếp cận thị trường; tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp; các chương trình đào tạo liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Mặc dù có nhiều nỗ lực và thành tựu trong hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, song nghị sĩ trẻ Morocco cũng thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn gặp phải những khó khăn như vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục hành chính…

Xây dựng môi trường khởi nghiệp sáng tạo phát triển sẽ giúp thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển, qua đó, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và thực hiện SDGs trên toàn cầu.

Chia sẻ quan điểm này, Nghị sĩ trẻ Nam Phi cũng cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, cùng với đó là cần có cơ chế, hành lang pháp lý đầy đủ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm sự phát triển của công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.

Giám đốc HICOOL Tingyu Yuan nhấn mạnh, cần khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách. Từ kinh nghiệm cá nhân, Giám đốc HICOOL cho rằng, các nghị sĩ trẻ cần tăng cường tương tác với các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ tuổi để hiểu rõ hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp, những khó khăn mà các doanh nghiệp trẻ đang phải đối mặt và nắm bắt được những gì mà các doanh nghiệp trẻ đang cần để từ đó có những đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời cho vướng mắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thông qua tương tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp và các chuyên gia trong ngành, những nghị sĩ cũng là những người đại diện trẻ tuổi có thể thúc đẩy những khuôn khổ pháp lý để từ đó có thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn.

Nhận thức được nhu cầu cấp thiết của startup, nghị sĩ trẻ đến từ Quốc hội Trung Quốc cho biết, trong lĩnh vực tài chính, Trung Quốc đã hỗ trợ ngân hàng phát triển hệ thống đánh giá tín dụng mới, lấy thuật toán làm nền tảng, phân tích các trường hợp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát hiện điểm mạnh, điểm yếu để từ đó Chính phủ có thể có các điều chỉnh phù hợp hơn để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.

Tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ

Chia sẻ những khó khăn mà những công ty hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo phải đối mặt, ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập, CEO Sky Mavis, công ty khởi nghiệp đình đám với game Axie Infinity nhấn mạnh, không chỉ riêng Việt Nam, thế giới cũng đang còn loay hoay trong việc ban hành các thể chế và chính sách liên quan đến công nghệ mới. Chuyển đổi số ngày nay không còn là một sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Đó sẽ là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra, buộc các Chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thay đổi để hội nhập.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hơn bao giờ hết cần có một hành lang pháp lý rõ ràng. Một hành lang pháp lý dù có thể mở hay nghiêm ngặt, nhưng một khi đã rõ ràng, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc định hướng phát triển của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ hành trình đến với công nghệ blockchain. Từ năm 2018, khi mọi thứ về blockchain ở thời điểm đấy còn rất mơ hồ, nhưng sau 3 năm, Axie Infinity trở thành trò chơi blockchain đạt được mốc 3 triệu người chơi, hỗ trợ về mặt tài chính cho một bộ phận người thất nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch COVID, và là hiện tượng gây sốt trên toàn thế giới.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, trong lĩnh vực công nghệ blockchain nói riêng, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới và có thể sánh vai với các cường quốc công nghệ. Điểm cốt lõi là phải có khuôn khổ pháp lý cho blockchain.

Ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh điều cốt lõi, đó là khuôn khổ chính sách pháp lý công nghệ blockchain và statup trong lĩnh vực này. Đây là yếu tố quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, yếu tố quyết định thành bại với các công ty khởi nghiệp. Công nghệ chuỗi và các yếu tố liên quan cần được công nhận chính thức, làm tiền đề cho việc hợp pháp hoá và ban hành các chính sách liên quan.

Đưa ra một số đề xuất chính sách tại phiên thảo luận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam Phạm Trọng Nghĩa cho biết, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ từ năm 2016, khi Quốc hội thông qua nhiều luật, trong đó có luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư và Luật Sở hữu trí tuệ. Nhờ nâng cấp khung pháp lý, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng. Hiện có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp, 3 trong số đó được định giá trên 1 tỷ USD và 11 trong số đó được định giá trên 100 triệu USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở VN đứng thứ 54 trên thế giới và thứ 10 ở châu Á Thái Bình Dương.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, các Quốc hội cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ những mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (sandbox); đặc biệt là, cần tôn trọng và khuyến khích và chuyển tải những tư duy đồng hành, hỗ trợ các chủ thể của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật.

Trên cương vị nghị sĩ trẻ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa khuyến nghị, với vai trò quan trọng của mình, các nghị viện cần liên tục phát triển và nâng cấp hệ thống pháp luật, cung cấp khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.

Việt Nam đề nghị tất cả các thành viên IPU cân nhắc thành lập mạng lưới nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, cần phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt cho nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiêp: Cần "nuôi dưỡng" cả hệ sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO