(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế tuần hoàn không chỉ giải quyết các vấn đề khan hiếm nguyên liệu, hạn chế rác thải… mà mở ra các mô hình kinh tế mới với nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn là điều thiết yếu đối với mỗi doanh nghiệp. Khác với mô hình cũ, kinh tế tuần hoàn chú trọng vấn đề quản lý, tận dụng và tái tạo tài nguyên bằng nhiều hình thức khác nhau theo một vòng lặp khép kín, nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên, hạn chế tối đa phế thải. Đây chính là “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Tại hội thảo do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FIIS (Trường Đại học Ngoại thương) tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã chia sẻ ý kiến, thảo luận nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Nguồn: UNDP |
Đại diện Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Vietnam) cho biết, Heineken đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở các công ty trên toàn cầu và đã có chiến lược nâng tầm cao hơn với cam kết đến năm 2025 sẽ không rác thải chôn lấp và tới năm 2030 sẽ giảm khí thải.
Tại châu Âu, Heineken đã tái sử dụng bã bia thành thức ăn chăn nuôi, nước rửa tay.... Tại New Zealand, bã bia này tái sử dụng thành xăng sinh học và tạo nguồn cung khoảng 60 trạm xăng tại quốc gia này. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu tùy thị trường, tùy đặc điểm ở mỗi quốc gia. Đại diện Heineken Vietnam cho rằng, cần nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, doanh nghiệp này đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó là tái sử dụng rác thải chăn nuôi để phục vụ cho việc trồng trọt và tùy thuộc vào điều kiện, quy mô, quỹ đất… để triển khai việc tái tuần hoàn. Tuy nhiên, dù gặp thuận lợi về chính sách đầu tư, về nguồn nhân lực… nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm quỹ đất khi đầu tư mở rộng, cũng như các quy định về xử lý rác thải chăn nuôi, đảm bảo môi trường.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, tính tới ngày 31/8/2021, Hà Nội có 318.000 doanh nghiệp (98,5% là doanh nghiệp nhỏ và vừa). Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trở thành “doanh nghiệp xã hội” với trách nhiệm rất cao, đóng góp an sinh xã hội. Ông Quốc Anh cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn cần có “doanh nghiệp dẫn dắt”, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Bởi theo ông Quốc Anh, nếu không có các mô hình kinh tế tuần hoàn để tham khảo, học tập thì doanh nghiệp sẽ không biết “đi đâu về đâu”. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp ở Hà Nội đã triển khai. Ngoài ra, đối với các trường đại học, cần đào tạo về kinh tế tuần hoàn nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu cho lĩnh vực này. Thậm chí, cần đưa kinh tế tuần hoàn vào nghị trường Quốc hội để “luật hóa” lĩnh vực này nhằm tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển.
Nhằm nâng cao văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, ông Quốc Oanh cho rằng nên giảng dạy, đào tạo kiến thức nền về kinh tế tuần hoàn không chỉ cho lãnh đạo doanh nghiệp mà cả người lao động để phát triển song hành, thịnh vượng.
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia bởi nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo đang ngày càng cạn kiệt. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2). Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.
Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn, … đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải. Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên (ví dụ như thông qua quá trình ủ phân chất thải hữu cơ). Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính (tiếng Anh: linear economy) đang được phổ biến rộng rãi. Trong mô hình kinh tế tuyến tính, các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, đến vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ. (Nguồn: Wikipedia) |