Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu của quý I và cả năm 2021

Anh Đức| 13/03/2021 08:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xử lý những nhiệm vụ quan trọng cấp bách; bảo đảm công khai, minh bạch, không để tồn đọng nhiệm vụ; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của Quý I và cả năm 2021.

Nghị quyết số 30/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 khẳng định, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động, ảnh hưởng trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới, khu vực và nước ta. Ở trong nước, tại một số địa phương vẫn còn trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là kiên định tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. 

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từng thành viên Chính phủ nỗ lực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tập trung xử lý những nhiệm vụ quan trọng cấp bách; bảo đảm công khai, minh bạch, không để tồn đọng nhiệm vụ; chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của Quý I và cả năm 2021.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, trong đó chọn lọc, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, nhất là dòng vốn đầu tư dịch chuyển của các tập đoàn lớn, công nghệ cao trên thế giới và trong khu vực; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan đề xuất các giải pháp phát triển các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyệt đối không được chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19; sát sao hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, ứng phó kịp thời với tình hình, diễn biến của dịch bệnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực du lịch, vận tải, bán lẻ...

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần “5K + vắc-xin”, thực hiện nghiêm việc cập nhật, đánh giá mức độ an toàn về dịch COVID-19 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú; khi xuất hiện ổ dịch, cần truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh ổ dịch, xét nghiệm diện rộng, khẩn trương dập dịch; đề cao cảnh giác, nhất là những chủng vi-rút mới có thể lây nhiễm trong cộng đồng.

Khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin cho người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Thông báo số 50-CV/TW ngày 19/2/2021 của Văn phòng Trung ương về chủ trương mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc - xin phòng COVID-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng “Đề án về bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin cho tiêm chủng từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2021.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương bảo đảm cân đối nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch, nhất là kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19 theo quy định.

Xây dựng chính sách hỗ trợ mới giúp DN vượt qua khó khăn do COVID-19

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; tiếp tục cơ cấu lại và xử lý hiệu quả nợ xấu trong hệ thống tín dụng, ngân hàng. 

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình thực hiện và tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại các tỉnh Miền Trung và chuẩn bị điều kiện phòng, chống trong mùa bão, lũ sắp tới; phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ các địa phương thực hiện thành công Đề án, góp phần phát triển nền kinh tế xanh và vì một Việt Nam xanh.

Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các chính sách, giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực đối với các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng kinh tế, nhất là các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trọng điểm khác.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi để kịp thời đề xuất các chính sách thúc đẩy nền kinh tế trong nước, tăng trưởng xuất khẩu, bảo hộ công dân, bảo hộ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Đề xuất giải pháp kích cầu du lịch trong nước

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu du lịch trong nước gắn với bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xúc tiến du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.

Bộ Công an chủ động bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông và triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia

Đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Đó là mục tiêu đến năm 2030 của ngành thủy sản vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Chiến lược, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Tiến tới chấm dứt nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Định hướng phát triển theo lĩnh vực, trong thời tới thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới; tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản.

Về khai thác thủy sản, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng. Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản…

Về nuôi trồng thủy sản, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa…

Định hướng phát triển theo vùng, tập trung nguồn lực củng cố, mở rộng, phát triển và thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội từng vùng, nhất là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, trong rừng ngập mặn, các đầm phá, trên thượng nguồn và lưu vực của các dòng sông; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhà nước đẩy mạnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng ở vùng biển ven bờ và thủy vực nội địa.

Xây dựng các làng cá (ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang, hải đảo,...) gắn với du lịch và các ngành nghề khác đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân; chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; giảm mạnh các nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy sản và khuyến ngư ở địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu của quý I và cả năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO