(thitruongtaichinhtiente.vn) - An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, có đường biên giới đất liền dài gần 100km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, diện tích tự nhiên là 3.537 km2, toàn tỉnh có 02 thành phố, 01 thị xã, 08 huyện và 156 xã, phường, thị trấn.
Tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1,9 triệu người tập trung 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer, trong đó dân tộc thiểu số có 27.308 hộ, chiếm 5,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh; số hộ nghèo đồng bào các dân tộc thiểu số theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg đến cuối năm 2020 là 2.452 hộ với 9.333 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 23,96% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, hộ cận nghèo là 1.702 hộ chiếm tỷ lệ 6,39% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở An Giang tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng hầu hết sống ở những vùng xa, vùng biên giới - nơi giữ vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh. Với điều kiện sinh sống nơi xa xôi hẻo lánh, giao thông cách trở nên đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, trình độ phát triển thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 8,98% trong tổng số dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 23,96% trong tổng số hộ nghèo của tỉnh, tập trung chủ yếu tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Để giúp đồng bào các DTTS cải thiện cuộc sống, hội nhập với trình độ phát triển chung của cả nước, đồng thời đảm bảo an ninh, ổn định chính trị quốc gia, Đảng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách này đã có tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng dân tộc, đời sống đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện. Trong đó, chính sách tín dụng với các ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thủ tục vay vốn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.
Một số kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với DTTS ở An Giang
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để đưa vốn tới người dân, nhất là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện Hội đồng quản trị các địa phương, cơ quan quản lý ngành cấp huyện, tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn thực hiện hiệu quả việc ủy thác cho vay. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương rà soát đối tượng có nhu cầu, tuyên truyền về chính sách đến người dân, nhanh chóng xem xét, thẩm định, giải ngân cho hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.
Xác định được vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh phối hợp Sở, ngành liên quan, tham mưu kịp thời Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ vốn đến các huyện, thị xã và thành phố để triển khai thực hiện. Phòng giao dịch cấp huyện, tham mưu Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện giao vốn và triển khai cho vay.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh xây dựng chương trình, phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền về các chủ trương chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi đến rộng rãi Nhân dân, nhất là những hộ nghèo, những hộ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách; giới thiệu những mô hình mới, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo tại địa phương nhờ được hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; bên cạnh nguồn vốn đầu tư của NHCSXH đã mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động, các hộ vay vốn có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích.
Cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi DTTS
Trong những năm qua, đã có rất nhiều nguồn lực từ trung ương và địa phương góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nguồn lực vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH là nguồn lực rất thiết thực và phù hợp với ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian cho vay, quy trình thủ tục, phục vụ người dân ngay tại địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong đó có đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Các chương trình tín dụng chính sách đã triển khai có thể kể đến:
Một là, chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg: chương trình triển khai cho vay từ năm 2007 đến 2014, đến nay NHCSXH tỉnh đang theo dõi, thu hồi các khoản nợ, dư nợ là 1,2 tỷ đồng với 232 khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,876 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 73,1% dư nợ.
Hai là, chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg: chương trình triển khai cho vay từ năm 2008 đến 2015, đến nay NHCSXH tỉnh đang theo dõi, thu hồi các khoản nợ đến hạn, dư nợ là 10,4 tỷ đồng với 1.287 khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn và nợ khoanh là 6,645 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 63,9% dư nợ.
Ba là, chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg giai đoạn 2017 - 2020; chương trình triển khai cho vay từ năm 2017 đến năm 2020 thì kết thúc, NHCSXH tỉnh đang theo dõi, thu hồi các khoản nợ đến hạn, dư nợ là 11,5 tỷ đồng với 375 khách hàng còn dư nợ, các món vay chưa đến hạn trả nợ cuối, chưa phát sinh nợ quá hạn và nợ khoanh, toàn bộ là nợ trong hạn.
Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng nêu trên, các hộ DTTS nếu có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay tất cả các chương trình tín dụng đang triển khai tại NHCSXH tỉnh.
Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh là hơn 3.625 tỷ đồng với hơn 148 nghìn khách hàng còn dư nợ. Đến nay mô hình hoạt động của NHCSXH là rất phù hợp, phát huy được sức mạnh toàn xã hội trong thực hiện tín dụng ưu đãi, vốn tín dụng đã phủ khắp đến các khóm, ấp trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng nhiều người nghèo, vùng đồng bào DTTS có tỷ lệ phủ vốn tín dụng chính sách càng cao hơn.
Dư nợ cho vay đối với người DTTS trên địa bàn tỉnh là 170,6 tỷ đồng với 10.641 khách hàng, chiếm tỷ lệ 38,9% trên tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm 4,69% trong tổng dư nợ tại NHCSXH tỉnh; ngoài dư nợ các chương trình dành riêng cho đồng bào DTTS, đồng bào còn vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo là 20,3 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 17,9 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là 21,9 tỷ đồng, cho chương trình hộ nghèo về nhà ở là 21,6 tỷ đồng, chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là 7,2 tỷ đồng, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 20,4 tỷ đồng, chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 38,2 tỷ đồng. Với dư nợ bình quân của hộ DTTS là 15,9 triệu đồng, tăng 1,3 triệu đồng so với đầu năm 2020.
Về chất lượng tín dụng chính sách, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 127,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,51% trên tổng dư nợ, tăng 570 triệu đồng so với đầu năm 2020. Trong đó, nợ quá hạn là 49,2 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 1,36% so với tổng dư nợ, tăng 15,7 tỷ đồng so đầu năm 2020. Nợ khoanh là 78 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 2,15% so với tổng dư nợ, giảm 15,2 tỷ đồng so đầu năm 2020.
Từ năm 2020 đến nay, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác và các ngành liên quan tiến hành lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, đã được cấp thẩm quyền chấp thuận xóa nợ là 32,5 tỷ đồng, khoanh nợ là 15,2 tỷ đồng.
Trong những năm qua, việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tập trung huy động nguồn vốn, tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS, có những hộ dân tộc thiểu số vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách, đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS như nhà ở, nước sạch và công trình vệ sinh, chi phí học tập góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ DTTS, số hộ DTTS có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chiếm gần 40% số hộ DTTS trên địa bàn tỉnh, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, đảm bảo cho hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững. Vốn vay của NHCSXH được hỗ trợ để phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Kết quả trong năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có 4.104 lượt hộ thoát nghèo, trong đó có 866 hộ DTTS.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% các khóm, ấp, làng trong tỉnh, đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Vốn vay không những giúp người DTTS làm quen với việc vay vốn sản xuất - kinh doanh mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các Hội, đoàn thể xây dựng được kênh dẫn vốn công khai, dân chủ, gần dân, có sự giám sát của chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Cụ thể đã xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch cố định tại 100% các xã, phường, thị trấn để phục vụ nhu cầu giao dịch người dân, đây được xem là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và đặc thù riêng có của NHCSXH tỉnh, đã tạo điều kiện cho người nghèo, hộ đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ NHCSXH. Vốn tín dụng đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hạn chế các tiêu cực phát sinh, tiết giảm chi phí đi lại của người vay. Bên cạnh đó, với phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy đối với Nhân dân.
NHCSXH tỉnh đã xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% các xã, phường, thị trấn tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hơn 3.200 Tổ tiết kiệm và vay vốn; cùng tương trợ, giúp đỡ nhau, cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng.
Hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn được củng cố thường xuyên và mang lại hiệu quả, là “cánh tay nối dài” của NHCSXH đến các ấp, tổ dân phố nhằm đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả; hạn chế được nạn tín dụng “đen” trên địa bàn.
Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đã thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng Nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS, qua đó giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các địa phương, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, kích động, xúi giục đồng bào DTTS tại các vùng biên giới, vùng DTTS.
Thành công của tín dụng chính sách xã hội cho đồng bào DTTS trong thời gian qua là sự chung tay, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cùng sự cố gắng nỗ lực của NHCSXH để giúp đồng bào DTTS tự lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác trong tỉnh.
Giải pháp thực hiện thời gian tới
Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, văn bản số 258-CV/TU ngày 23/9/2021 của Tỉnh ủy An Giang về việc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hai là, tiếp tục phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi rộng rãi trong nhân dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng tập trung đông đồng bào DTTS để người dân biết, hiểu, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho họ.
Ba là, phối hợp với các ngành hữu quan triển khai hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Bốn là, hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn các chương trình tín dụng và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,6% tổng dư nợ.