Tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam và cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo

P.V| 28/10/2020 14:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo tập huấn Tiềm năng, cơ hội trong đầu tư phát triển điện gió và quản lí rủi ro ngành điện gió tại Việt Nam đối với các ngân hàng. Tham dự có các chuyên gia về lĩnh vực điện gió cùng đại diện các tổ chức hội viên của VNBA.

Tại buổi Hội thảo tập huấn, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đánh giá thực trạng phát triển năng lượng gió hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới, những cơ hội và cả những rủi ro mà các nhà đầu tư có thể gặp phải.

Tiến sĩ Đinh Văn Nguyên (Chuyên gia nghiên cứu đánh giá vùng tiềm năng và công trình điện gió ngoài khơi) của ANTS và Trung tâm Năng lượng, Khí hậu và Biển (MaREI Centre), Đại học Tổng hợp Cork, Ai Len, tham gia chia sẻ trực tuyến cho biết: Với hơn 3000km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền), Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Đánh giá này đã được chứng minh qua nhiều báo cáo khoa học, trong đó phải kể đến báo cáo của nhóm hợp tác nghiên cứu từ Việt Nam, Ai-Len và Nhật Bản đã dùng mô hình số trị kiểm chứng với hai bộ số liệu đo cho ra kết quả vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100m có thể đạt 9-10m/s tại nhiều vùng biển của Việt Nam.

Nghiên cứu cũng đưa ra kết quả mật độ năng lượng lớn đều ở một số vùng biển Nam Trung bộ và Vịnh Bắc bộ của Việt Nam và đạt trên 50GWh/km2/năm. Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý hay Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38GW mỗi vùng. Tiềm năng kỹ thuật của dải 0-185km từ bờ trên toàn lãnh hải có thể đạt tới 500-600GW hoặc cao hơn nữa.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo (VNBA) phát biểu khai mạc

Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB-ESMAP), dựa vào bản đồ gió thế giới ở độ cao 100m và trong dải 200km từ bờ, và số liệu địa hình đáy biển từ GEBCO, đã ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận có vận tốc gió trung bình hơn 10m/s ở vùng biển sâu dưới 50m và vùng có vận tốc gió trên 7m/s mang lại tiềm năng điện gió cố định ngoài khơi ở vùng này lên đến 165GW. Tiềm năng điện gió nổi với độ sâu dưới 1000m ở các vùng biển phía Nam đến Quảng Nam đạt 175GW. Ở lãnh hải phía bắc Việt Nam (ngoài Vịnh Bắc bộ), nơi có vận tốc gió vào khoảng 7 – 8.5m/s và độ sâu biển dưới 50m có tiềm năng điện gió cố định khoảng 88GW, và độ sâu dưới 1000m có tiềm năng điện gió nổi lên đến 39GW. Trong dải 200km từ bờ của lãnh hải Việt Nam thì tổng tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi cố định lên tới 261GW và điện gió nổi lên tới 214GW.

Điểm ưu tiên và quan trọng nhất là gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, phù hợp với nhu cầu điện do vậy chi phí cho lưu trữ và truyền tải điện sẽ giảm thiểu hơn, đồng thời sa thải phụ tải cũng thấp hơn. Gió ngoài khơi ổn định hơn và hệ số toàn tải (CF) cao (40 - 55%) nên có thể làm giảm chi phí sản xuất điện, tăng tuổi thọ hệ thống cơ khí, kết cấu... Các ưu điểm này của điện gió ngoài khơi đã có thể giảm thiểu khó khăn lớn nhất trong phát triển năng lượng tái tạo là nguồn phát đồng bộ để cân bằng hệ thống (thường phải dùng điện khí hoặc một phần thủy điện).

TS. Dư Văn Toán trình bày tại buổi hội thảo tập huấn

Theo TS. Dư Văn Toán phân tích, để thực hiện các nâng cấp hấp thụ 5 đến 10GW công suất điện gió ngoài khơi mới vào năm 2030 và 35 đến 70GW công suất điện gió ngoài khơi mới vào năm 2050 sẽ cần tới 5 đến 10 năm cho thiết kế, lập kế hoạch và xây dựng, do đó quá trình này cần phải được bắt đầu vào đầu những năm 2020.

Đồng thời, việc giảm chi phí vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là động lực chính cho việc giảm chi phí điện và khuyến khích đầu tư vào nội địa hóa. Chính phủ cần khuyến khích các biện pháp tài chính nhằm giảm chi phí vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có sự tham gia của những tổ chức cho vay đa phương, triển khai các cơ chế tăng cường tín dụng và áp dụng các tiêu chuẩn xanh. Chính phủ cũng nên tham vấn các tổ chức cho vay và các nhà đầu tư quốc tế để lấy ý kiến và xác định các giải pháp phù hợp.

Quang cảnh buổi hội thảo tập huấn

TS. Trần Quang Cử, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về TKNL (ENERTEAM) cho biết: Đến nay đã có 11 tỉnh lập quy hoạch riêng về phát triển điện gió cấp tỉnh: Thái Bình; Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc; Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Tổng công suất lắp đặt điện gió dự kiến của 11 tỉnh cao hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia: Khoảng 2.600 MW đến năm 2020 (so với 800 MW của cả nước); Khoảng 15.700 MW đến năm 2030 (so với 6.000 MW của cả nước). 

Tính đến tháng 6/2020, có khoảng 31 dự án đã có hợp đồng mua bán điện với EVN có tổng công suất 1.662 MW dự kiến đi vào vận hành năm 2020-2021. Nếu đúng hạn, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện gió ~2.200 MW (đạt 36% mục tiêu quy hoạch đến năm 2025). 91 dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt khoảng 7.000 MW đã được bổ sung vào Quy hoạch điện gió và 250 dự án (~45.000 MW) đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Hội thảo tập huấn cũng ghi nhận một số vướng mắc trong đầu tư điện gió còn khiến nhà đầu tư băn khoăn như: Quy trình thẩm định, phê duyệt dự án còn mất khá nhiều thời gian; Theo Hợp đồng mua bán điện thì EVN được loại trừ các nghĩa vụ thanh toán, ngay cả khi không thể tiếp nhận điện lên lưới do sự cố về lưới điện truyền tải hoặc phân phối của EVN; Chưa có cơ chế phạt nếu EVN không tiếp nhận điện lên lưới dù do EVN không chịu hợp tác thực hiện; Chưa có cơ chế trọng tài quốc tế tại địa điểm trung lập; Việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước hoặc vốn ODA đặc biệt đối với các nhà đầu tư tư nhân cũng là trở ngại được đề cập trong khi suất đầu tư cho điện gió còn cao dẫn tới thời gian thu hồi vốn lâu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam và cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO