Tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát

Ngô Hải| 20/08/2020 15:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong văn bản trả lời các kiến nghị vừa gửi tới các cử tri tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, đang hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tác động đến kinh tế vĩ mô, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai đã được gửi tới NHNN trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Điểm chung của các kiến nghị được gửi tới là: Cử tri bày tỏ mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc: cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm sâu lãi suất, tiếp tục cho vay để nhân dân khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Trước các kiến nghị của cử tri, NHNN chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, NHNN đã triển khai có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể về tín dụng và dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình và kịp thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, hiệp hội trong ngành triển khai các giải pháp ứng phó với dịch; ban hành Thông tư số 01 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19… Đồng thời, điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giảm lãi suất vay vốn đối với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.

Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng khi áp dụng các giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng nhằm đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

“Hiện nay, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 3 tháng thực hiện Thông tư số 01, NHNN đang hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01 nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tác động đến kinh tế vĩ mô, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các TCTD theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, NHNN cho biết.

Đối với kiến nghị của cử tri Gia Lai về việc giảm lãi suất thêm đến 2% trở lên đối với khoản vay mới và vay hiện hữu đối với từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau (hiện nay, mức giảm cao nhất là 1%). NHNN cho biết, nhờ các giải pháp mạnh, quyết liệt của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của TCTD có xu hướng giảm so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2019.

Việc điều chỉnh giảm lãi suất thể hiện thông điệp mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

“Việc giảm lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu là do các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt”, NHNN nhấn mạnh. “Hơn nữa, việc hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân trong điều kiện TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 nên cũng là một khó khăn của TCTD”.

Dù ngành Ngân hàng cũng đang chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 nhưng trước kiến nghị của cử tri NHNN cho biết: “Tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ, qua đó tạo điều kiện cho các TCTD ổn định, giảm lãi suất; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho lợi cho các TCTD giảm lãi suất, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dần vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng liên quan đến các doanh nghiệp lớn

Ngoài các nội dung liên quan đến Thông tư 01, trong văn bản gửi NHNN, cử tri Gia Lai cũng đề nghị: “NHNN chú trọng công tác thanh, kiểm tra nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát dấu hiệu, dự lường nợ xấu, rủi ro, nhất là các doanh nghiệp lớn, được ưu đãi nhiều lợi thế (đất đai, vay vốn,..) nhưng có dấu hiệu làm ăn không hiệu quả triền miên”.

Ghi nhận và tiếp thu ý kiến của cử tri, NHNN cho biết, công tác công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục được NHNN thực hiện nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát dấu hiệu, dự lường nợ xấu, rủi ro, nhất là các doanh nghiệp lớn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, giữ vững sự an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của TCTD.

“Để hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu rủi ro, sai phạm để kịp thời có biện pháp cảnh báo, xử lý”, NHNN nhấn mạnh.

NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện các giải pháp kiểm soát rủi ro liên quan đến cấp tín dụng, bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp lớn; tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay, đặc biệt là công tác định giá/định giá lại tài sản bảo đảm nhằm bảo đảm hoạt động cấp tín dụng công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định và phù hợp chủ trương, định hướng về cấp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng của các TCTD đối với doanh nghiệp lớn và người có liên quan.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD, thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ sự biến động về tổng mức cấp tín dụng, mức độ tập trung tín dụng và chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp lớn và các biến động thị trường có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp này để kịp thời có văn bản cảnh báo nhằm hạn chế rủi ro tiềm ẩn đến chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO