Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã trở thành một “chủ công” hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân xứ biển Tây Nam từng bước thoát nghèo bền vững…
Động lực thoát nghèo bền vững
Đáng chú ý, các chương trình tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Kiên Giang được giải ngân kịp thời, bổ sung nguồn vốn giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh.
Năm 2023, NHCSXH tỉnh đã giải ngân đạt gần 100% nguồn vốn của 17 chương trình tín dụng được phân bổ theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống thiết yếu của đối tượng các chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 2.003 tỉ đồng; dư nợ 5.873 tỉ đồng, tăng 22,76% so cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo 519 tỉ đồng, dư nợ cho vay hộ cận nghèo 556 tỉ đồng, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo 889 tỉ đồng, dư nợ cho vay học sinh, sinh viên 389 tỉ đồng, dư nợ cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 463 tỉ đồng, dư nợ cho vay giải quyết việc làm 1.085 tỉ đồng, dư nợ cho vay chương trình nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn 1.183 tỉ đồng, dư nợ các chương trình còn lại 789 tỉ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 36 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Kiên Giang được vay vốn, trong đó có trên 3 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 6,63% cuối năm 2022 xuống còn 5,57% cuối năm 2023.
Vốn tín dụng chính sách cũng giúp thu hút và tạo việc làm cho trên 13 nghìn lao động, gần 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 15 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm, trên 2,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 18 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 485 ngôi nhà ở xã hội trên địa bàn...
Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao…
NHCSXH tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021-2023 theo Công văn số 2635/CV-BCĐ ngày 12/3/2021, Công văn số 10554/CV-BCĐ ngày 28/12/2022 của Ban Chỉ đạo công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng NHCSXH với 6/10 chỉ tiêu đạt và 4/10 chỉ tiêu chưa đạt
Phát huy vai trò tổ chức nhận ủy thác
Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng ở Kiên Giang trong thời gian qua.
Công việc hỗ trợ người dân thoát nghèo của NHCSXH tỉnh chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nhờ phát huy tốt phương thức quản lý vốn riêng có, đặc biệt với sự vào cuộc hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn và hệ thống điểm giao dịch cấp xã.
NHCSXH tỉnh và 4 tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác đã ký giao ước thi đua năm 2024 với các chỉ tiêu cụ thể: Tổng nguồn vốn và tổng dư nợ có mức tăng trưởng 8-10% so với năm 2023; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn hoặc bằng 0,05%/tổng dư nợ; tỷ lệ tổ tiết kiệm vay vốn xếp loại tốt, khá chiếm trên 97% tổng số tổ trên địa bàn; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã…
Trên thực tế, những năm gần đây chi nhánh đã luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ rủi ro.
Từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến vùng biển rộng ở Kiên Giang, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã và đang được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để không có ai bị bỏ lại phía sau…
Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu trên, NHCSXH từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố cũng như những người làm tín dụng chính sách ở Kiên Giang sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, tập trung huy động thật nhiều nguồn lực, chuyển tải thật kịp thời đồng vốn về các vùng miền phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở xứ biển Tây Nam Kiên Giang.