Để thực thi nhiệm vụ được giao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban nhân dân tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang đã cùng với hệ thống ngân hàng trên địa bàn thực hiện tích cực các giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối,... đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp và người dân đầu tư vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2024.
Tích cực đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Bám sát chủ trương, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, của NHNN, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023, chủ động triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trong năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã quyết liệt giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành tỷ giá, hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn, nhờ đó thị trường ngoại hối trên địa bàn ổn định.
Đến cuối năm, tỷ giá USD so với VND ở các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tăng nhẹ từ 1-1,5%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối trên địa bàn ổn định; các tổ chức được cấp phép tuân thủ quy định trong hoạt động thu, chi, mua bán ngoại tệ, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, chưa phát hiện trường hợp vi phạm quy định về tỷ giá và hoạt động ngoại hối.
Các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và kinh doanh vàng miếng được tuân thủ và duy trì, thị trường vàng trên địa bàn biến động tăng, giảm theo xu thế chung của toàn quốc.
Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã tích cực huy động nguồn vốn tại địa phương, ổn định tiền gửi hiện hữu và tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi mới. Vốn huy động tại địa phương tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 7,86% so cuối năm 2022) đạt 73.957 tỷ đồng. Cơ cấu về kỳ hạn và loại tiền tiếp tục giữ ổn định, phù hợp mục tiêu chống đô la hóa (tiền gửi VND tăng 8,4%, chiếm 99,18% trong tổng số dư huy động và tiền gửi ngắn hạn tăng 14,63%, chiếm 88,86%).
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn còn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân. Đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức phối hợp thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn (tổ chức Hội nghị kết nối theo chuyên đề, theo địa bàn, theo lĩnh vực, ngành nghề, theo yêu cầu của từng doanh nghiệp, tăng cường các cuộc làm việc với Hội, Hiệp hội, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, tham gia tiếp xúc cử tri,…).
Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2023, tổng dư nợ cho vay đạt 127.975 tỷ đồng, tăng 12,2% so cuối năm 2022, vốn tín dụng tập trung tăng cao ở loại cho vay ngắn hạn và vay bằng VND. Trong đó, tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ và tăng trưởng cao, chiếm trên 79,32% tổng dư nợ, tăng 13,52% so cuối năm 2022. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá (cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 11,52%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 21,06%, xuất khẩu tăng 15,7%).
Đặc biệt, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo ngành, lĩnh vực, gồm:
Lĩnh vực bất động sản: (i) Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, NHCSXH tỉnh đã giải ngân thêm 414 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đã giải ngân của chương trình đạt 586 tỷ đồng, dư nợ 561 tỷ đồng (757 cá nhân); (ii) Chương trình 120.000 tỷ đồng, các chi nhánh NHTM đã quyết liệt, sẵn sàng thực hiện; (iii) Tiếp tục giám sát thu hồi dư nợ cho vay theo chương trình cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP 80 tỷ đồng.
Lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và tiếp tục theo dõi phần dư nợ còn lại theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (158 tỷ đồng, 42 tàu); trong năm, các NHTM đã ký kết thỏa thuận số tiền cho vay 300 tỷ đồng, đã giải ngân 272,8 tỷ đồng (41 lượt khách hàng) theo gói tín dụng 15.000 đồng cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản.
Có 245 lượt khách hàng (602 tỷ đồng giá trị nợ) được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và có 30.713 khách hàng (27.823 tỷ đồng dư nợ) được các ngân hàng cam kết và thực hiện giảm lãi suất với số tiền lãi được giảm 210 tỷ đồng.
NHNN chi nhánh tỉnh tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa/hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ, bán nợ theo cơ chế thị trường, sử dụng dự phòng rủi ro, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng, tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Nhờ đó, đến cuối tháng 12/2023, nợ xấu nội bảng ở mức an toàn là 1,87% (cuối năm 2022 là 1,21%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, ngoại bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ 4,23% (cuối năm 2022 là 4,12%).
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn còn tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Kết quả thông qua hệ thống NHTM 13 khách hàng đã ký thỏa thuận vay vốn có hỗ trợ lãi suất (10 doanh nghiệp, 3 hộ kinh doanh) với số tiền giải ngân 1.023 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 4,03 tỷ đồng.
Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, có 10.126 khách hàng thuộc đối tượng vay vốn của 5 chương trình tín dụng ưu đãi được giải ngân cho vay với số tiền 993 tỷ đồng (đạt 100% vốn phân bổ từ NHCSXH năm 2023) và 79.695 món vay (tổng số tiền giải ngân 2.484 tỷ đồng), có mức lãi suất trên 6%/năm tại NHCSXH tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn đã góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP) tăng 6,79%, trong đó: khu vực I tăng 2,96%, chiếm 37,02%; khu vực II tăng 8,36%, chiếm 20,53%; khu vực III tăng 10,02%, chiếm 37,53%. Thu ngân sách tăng 26,83% so cùng kỳ, bằng 124,2% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD, tăng 7,23%; nhập khẩu đạt 135 triệu USD giảm 12,9% cùng kỳ năm trước, trong đó nông sản xuất khẩu tăng 85,76%.
Tiếp tục đẩy mạnh vai trò khơi thông tín dụng phát triển kinh tế địa phương
Thực hiện định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2024, trên cơ sở dự báo tình hình và nguồn lực của các TCTD trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang định hướng nhiệm vụ ngành Ngân hàng Kiên Giang năm 2024 là tiếp tục đẩy mạnh vai trò thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng để khơi thông tín dụng phát triển kinh tế địa phương.
Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách tiền tệ và các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của NHNN, phù hợp với tình hình địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cả nước, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng. Định hướng vốn huy động tại địa phương tăng 6% trở lên, dư nợ cho vay tăng trên 10,5% và có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.
Tiếp tục tăng cường kỷ cương hoạt động ngân hàng. Thực hiện Kế hoạch thanh tra, giám sát năm 2024; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD; Chủ động xử lý các sai phạm và chấn chỉnh tồn tại, hạn chế.
Triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch cơ cấu lại, xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689), định hướng phát triển hệ thống các TCTD đã được phê duyệt.
Cung ứng đầy đủ tiền mặt về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền; đảm bảo công tác an toàn kho quỹ; Đẩy mạnh thực hiện Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện; Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số.
Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Tăng cường kết nối, đối thoại (đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tăng cường các chương trình kết nối theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực, kết nối theo từng Hội, Hiệp hội nghề nghiệp, từng doanh nghiệp, người dân); Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành, Hiệp hội ngành nghề để kịp thời nắm bắt và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng; Nghiên cứu ký quy chế phối hợp chuyên đề đối với một số Sở ngành có liên quan để đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế; Rà soát, cải tiến thủ tục hồ sơ trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp để phục hồi, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân theo chỉ đạo của Hội sở chính, quan tâm chú trọng đối với nhóm đối tượng thu nhập thấp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Quyết liệt triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư tại địa phương; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với các đối tượng chính sách qua NHCSXH tỉnh.