Tín dụng đen hoạt động tinh vi, phức tạp

Bùi Trang| 30/11/2021 14:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều người phải đối mặt với tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập. Nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Hoạt động tín dụng đen theo đó có "cơ hội" nở rộ và diễn biến phức tạp.

 

Thống kê từ cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành thời gian gần đây cho thấy, hoạt động tín dụng đen xuất hiện trên tất cả các địa bàn từ quận đến huyện, từ thành thị đến nông thôn, đa dạng về người đi vay, người cho vay và người tham gia. Số loại tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, kinh doanh, tư vấn tài chính, cho vay tiền, huy động góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường”… có chiều hướng phức tạp, gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất, mức độ hoạt động của các đối tượng sau khi hết các đợt giãn cách xã hội. Dù vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều ổ nhóm tội phạm đã được phát hiện, bóc gỡ, tội phạm không còn hoạt động ngang nhiên, lộng hành.

Thêm nhiều đối tượng hoạt động tín dụng đen sa lưới

Theo cơ quan chức năng, một trong những hình thức phổ biến của tín dụng đen là cho vay "bốc bát họ". Trong vụ bắt giữ các đối tượng hoạt động tín dụng đen gần đây ở Long Biên, Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ một cá nhân đã nhiều lần vay tiền của nhóm đối tượng bằng hình thức bốc bát họ với tổng số tiền là 500 triệu đồng. Khi nhận tiền, người này đã bị nhóm đối tượng cắt lãi luôn 57 triệu đồng và chỉ nhận được 443 triệu đồng. Sau đó, người này tiếp tục vay thêm 500 triệu đồng nữa với cách thức tương tự. 

Trong quá trình bắt giữ nhóm tội phạm này, cơ quan điều tra còn thu giữ được súng tự chế, tuýp sắt gắn dao nhọn, bình xịt hơi cay trong nhà các đối tượng. Điều này cho thấy đây là ổ nhóm hoạt động mang tính chất manh động bạo lực; các đối tượng tập kết hung khí để sẵn sàng uy hiếp, ép buộc người dân phải trả nợ cho chúng...

Cơ quan điều tra xác định nhóm này quy tụ các đối tượng có tiền án, tiền sự trong địa bàn cũng như tỉnh ngoài và cho người dân vay với lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tức là lãi suất từ 180% trở lên trong 1 năm. Khi người bị hại không trả đủ hoặc trả chậm các đối tượng có hành vi để đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải rồi đặt vòng hoa tang, viết cáo phó gắn ở nhà, ở cổng; cao hơn là có hành vi đe dọa giết người.

Một ổ nhóm khác mới bị bắt giữ ở Hà Đông, Hà Nội do Vũ Văn Dũng (SN 1982; trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm đầu cũng tổ chức kinh doanh tài chính dưới hình thức cho vay bốc bát họ, từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Khách vay tiền sẽ bị cắt lãi trước, vay 10 triệu đồng sẽ bị cắt lãi 2 triệu đồng, khách được nhận 8 triệu đồng, phải trả trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 200.000 đồng (tương ứng với lãi suất vay là 146%/năm). Vũ Văn Dũng thuê một nhóm đối tượng đi giao dịch cho vay tiền và thu nợ.

Khi vay tiền, nhóm Dũng yêu cầu người vay phải tự nói tên tuổi địa chỉ và số tiền cần vay để quay video bằng điện thoại di động và viết giấy vay tiền, làm căn cứ đi đòi nợ. Đối với các trường hợp người vay không trả đúng hạn, không còn khả năng trả nợ thì Dũng chỉ đạo cả nhóm đối tượng trên đến gia đình người vay gây áp lực bằng cách đổ chất bẩn, chất thải hoặc xịt sơn...

Căn cứ vào lời khai và sổ ghi chép thu giữ được ban đầu, Cơ quan điều tra xác định Dũng đã cho khoảng 300 khách vay tiền, với số tiền cho vay khoảng 18 tỷ đồng (người vay thấp nhất 5 triệu đồng, người cao nhất 50 triệu đồng).

Theo thống kê từ Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 66 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó đã khởi tố 25 vụ, 88 bị can. Đáng chú ý, có 41 vụ liên quan đến đổ chất bẩn, chất thải.

Không chỉ tại các thành phố lớn, hoạt động trấn áp tội phạm tín dụng đen cũng diễn ra mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong suốt thời gian qua. Ví như tại Hà Nam, Công an tỉnh Hà Nam cũng vừa bắt giữ Lã Lê Duẩn (SN 1981), Phạm Ngọc Cảnh (SN 1989; ngụ phường Hòa Mạc) và một nhóm đối tượng khác vụ việc đánh bạc chơi số lô đề. Trong quá trình bắt giữ, Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện các sổ sách liên quan hành vi cho vay nặng lãi. Qua kiểm tra giấy tờ, sổ sách, công an xác định số tiền giao dịch "tín dụng đen" của ổ nhóm này từ năm 2018 đến nay khoảng hơn 6 tỉ đồng, với lãi suất "cắt cổ" 145% năm.

Gần đây, Công an Thanh Hóa đã triệt xóa ổ nhóm tội phạm "tín dụng đen" tại vùng biển của huyện Hậu Lộc do Trịnh Anh Xuân (SN 1987, trú ở thị trấn Hậu Lộc) cầm đầu. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, khoảng tháng 5/2020, nhóm tội phạm góp vốn để mở cửa hàng mua bán xe ô tô và tư vấn tài chính, cầm cố tài sản tại xã Triệu Lộc (sau đó chuyển văn phòng về thị trấn Hậu Lộc) nhưng thực chất là tạo bình phong cho hoạt động "tín dụng đen", với phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi. Cụ thể, khi cho vay, Trịnh Anh Xuân yêu cầu người vay phải viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận cho vay bằng hình thức tín chấp để người vay ký nhận hoặc điểm chỉ. Sau đó các đối tượng dùng điện thoại di động chụp ảnh lưu lại để khi người vay không trả nợ đúng hạn thì bọn chúng sẽ đăng tải lên mạng xã hội nhằm hạ uy tín hoặc uy hiếp gia đình, người thân của người vay. 

Với lãi suất "cắt cổ" là 5.000 đồng/triệu/ngày tương đương với 194%/năm, Trịnh Anh Xuân đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc vay tiền để thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Một nhóm tín dụng đen hoạt động tại Đắk Lắk cũng mới bị bắt giữ sau khi đã cho hàng trăm người vay tiền với lãi suất “cắt cổ” từ 109,5% đến 360%/năm. Nhóm này hoạt động tín dụng đen từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2021, mở 2 tiệm cầm đồ, cho 150 người cầm cố thế chấp tài sản để vay hơn 4,3 tỷ đồng.

Tại Quảng Bình, một nhóm hoạt động tín dụng đen đã lợi dụng việc đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ lập nhiều tài khoản zalo, facebook đăng bài với nội dung cho vay online, thủ tục nhanh, gọn. Những người có nhu cầu vay bị Ngọc chụp ảnh, yêu cầu để lại các loại giấy tờ tùy thân, viết giấy mượn tiền và giấy biên nhận tiền hàng để hợp thức hóa tiền vay với các gói vay từ 5 đến 150 triệu đồng, lãi suất từ 180% đến 365%/năm. Tính riêng từ năm 2018 đến nay, 2 đối tượng này đã cho rất nhiều người dân trên địa bàn vay tiền với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Cá biệt, đối với người vay không có tài sản, giấy tờ tùy thân, các đối tượng yêu cầu “thế chấp” bằng các video, hình ảnh nhạy cảm của họ mới cho vay. Nếu những người này không trả hoặc trả tiền chậm, các đối tượng sẽ dùng mọi cách đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền lên mạng xã hội hoặc in các tờ rơi rải ở khu vực đông dân cư.

Bùng nổ thêm những "chiêu lách luật mới" của tín dụng đen

Bên cạnh cách thức quảng cáo truyền thống như dán tờ rơi trên cột điện, tường… các đối tượng hoạt động tín dụng đen gần đây mở rộng hoạt động mời chào, dụ dỗ trên nền tảng internet thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng…. Cách thức hoạt động trên môi trường số giúp các nhóm đối tượng tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng…

Nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… Các đối tượng dùng thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật. Các đối tượng còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Nhiều khi số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Chưa kể, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng”...  Trên thực tế, những người phải chấp nhận lãi suất cắt cổ và các rủi ro khác từ tín dụng đen đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vốn cấp bách.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, giới chuyên môn cho rằng, các cấp, ngành, địa phương, cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg 2019 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị, tổ chức xã hội cùng vào cuộc đấu tranh, lên án, đẩy lùi tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, đem lại bình yên cho người dân và cho xã hội.

Được sự đồng ý của  Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngày 2/12/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Địa điểm: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước, 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời gian: 8h, ngày 2/12/2021 (Thứ Năm).

Kính mời quý độc giả theo dõi hội thảo trực tuyến tại: thitruongtaichinhtiente.vn và Fanpage: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng đen hoạt động tinh vi, phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO