Vấn đề - Nhận định

Tín dụng tiêu dùng: Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân

Đoàn Hằng 29/07/2024 14:41

Sự vào cuộc quyết liệt từ các tổ chức tín dụng, cùng hành lang pháp lý dần được hoàn thiện, góp phần tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn vay tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp, qua đó thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương 20% trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế và có xu hướng tăng qua các năm. Số lượng các TCTD cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đối với lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống cũng ngày càng tăng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

cho-vay-tieu-dung.png
Các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không bắt buộc phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi

Để đạt được kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt từ NHNN, các TCTD cũng tích cực cho vay tiêu dùng, góp phần phần hạn chế tín dụng đen, với sự đa dạng sản phẩm tín dụng, kèm theo đó là rất nhiều ưu đãi, ví như: Gói 20.000 tỷ đồng của Agribank triển khai chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị; Gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động; SHB mở rộng quy mô gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân “Vay ưu đãi – Rồng phát tài” lên gần 29.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay chỉ từ 5,79%/năm; VIB triển khai giải pháp vay mua nhà phố, căn hộ của VIB với 3 lựa chọn lãi suất 5,9 - 7,9% một năm, cố định trong 6 - 24 tháng, biên độ sau ưu đãi là 2,9%, miễn trả gốc 5 năm…. Báo cáo từ 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho biết, hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai đến người dân.

Nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn vay tiêu dùng, khuôn khổ pháp lý cũng được NHNN tập trung hoàn thiện, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng, từ đó mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân, như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 hướng dẫn hoạt động cho vay phục vụ đời sống của TCTD đối với khách hàng; Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung các quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận tín dụng của khách hàng, vay vốn với thời gian nhanh hơn, thủ tục thuận tiện hơn; Quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/3/2016, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019)….

Một trong những điểm nhấn quan trọng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng thời gian tới là ngày 28/6/2024 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 được thị trường ghi nhận có "nới lỏng" rất lớn đối với cho vay tiêu dùng.

Cụ thể, thay đổi quan trọng đáng chú ý của Thông tư 12 là các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không bắt buộc phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Lý giải về quy định này, bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi, mà chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi TCTD cho vay vốn sẽ kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng. Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen.

Đánh giá cao các quy định tại Thông tư 12, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, trên cơ sở Thông tư 12, Vietcombank đã có văn bản nội bộ triển khai quy định này theo hướng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. Khách hàng không bắt buộc chứng minh phải có phương án sử dụng vốn khả thi, chỉ cần tối thiểu các thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính. "Các điều chỉnh này có tác động tích cực đến việc cho vay tiêu dùng của ngân hàng, cũng như là cơ sở để phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng triển khai trên kênh số", ông Lê Hoàng Tùng bày tỏ.

Bà Hoàng Thị Mai Thảo, Phó Tổng Giám đốc SHB cũng đánh giá sự thay đổi và cho rằng, Thông tư 12 phù hợp với nhu cầu của thị trường, vì với những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng, khách hàng luôn mong muốn thời gian phục vụ nhanh nhất, thủ tục đơn giản nhất. Ngoài ra, quy định mới cũng giúp tăng cường quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, giảm thiểu các giấy tờ, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn nhanh chóng cho khách hàng hơn, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Nhấn mạnh việc ban hành Thông tư 12, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết, Thông tư 12 được ban hành nhằm đẩy mạnh tài chính tiêu dùng thông qua việc tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp, bớt đi điều kiện mà trước đây NHNN cho là tương đối chặt chẽ.

“Việc bỏ bớt quy định trong quá trình phê duyệt hồ sơ vay vốn không có nghĩa là nó khiến quy trình phê duyệt khoản vay trở nên lỏng lẻo, mà là để cho phù hợp với yêu cầu của thực tế cũng như giúp đẩy mạnh tài chính tiêu dùng trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ và lưu ý: “Có một điều kiện bất di bất dịch, đó là: cho dù TCTD cho vay tiêu dùng, hay vay để sản xuất kinh doanh, vay mua nhà... vẫn phải đảm bảo khoản vay đó sẽ thu hồi được vốn, an toàn, lành mạnh”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tiêu dùng: Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO